Khai thác "tài nguyên bản địa" để khởi nghiệp

Cập nhật, 15:12, Chủ Nhật, 22/10/2017 (GMT+7)

9 dự án được vượt qua vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp
9 dự án được vượt qua vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp

 

Vừa qua, tại Đồng Tháp, vòng bán kết Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp” lần 3 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức đã kết thúc sau 2 ngày tranh tài.

9 trong 38 dự án tham gia đến từ An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Vĩnh Long đã được chọn vào vòng chung kết.

Theo đánh giá của BTC, các dự án đã có sự đầu tư kỹ lượng về phần trưng bày sản phẩm cũng như thuyết trình. Nhiều dự án có tính cộng đồng cao, khai thác tốt nguồn tài nguyên bản địa.

Ý tưởng khi thực hiện dự án “Sản xuất củ ấu tươi tách vỏ”- bạn Nguyễn Anh Thy (xã Mỹ Trà, TP Cao Lãnh- Đồng Tháp) cho biết củ ấu là củ có vỏ dày, thường người tiêu dùng chỉ mua về luộc ăn, hoặc mua củ ấu luộc sẵn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong củ ấu có chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên củ ấu cũng kén người tiêu dùng.

Vì khi ăn cần phải cắn lớp vỏ rất dày mới ăn được. Đặc biệt củ ấu sau khi hái chỉ bảo quản trong ngày, gây khó khăn cho người kinh doanh và nông dân trồng ấu.

Một lần, có người hỏi Thy vì sao ở Đồng Tháp có nhiều ấu mà mình không tìm cách tách vỏ ra để bán lên thành phố?

Từ đó, ý tưởng sản xuất củ ấu tươi tách vỏ hình thành. “Mình mong muốn người tiêu dùng được dùng món ấu dễ dàng hơn, nông dân trồng ấu có thị trường ổn định, người lao động tách ấu có thu nhập ổn định, đa dạng hóa sản phẩm nông sản địa phương.”- Thy nói.

Sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ được lấy nguyên liệu từ các vùng trồng ấu ở Lai Vung, Lấp Vò. Sau khi thu mua củ ấu, nhân công sẽ tập trung tách vỏ củ ấu. Củ ấu là món ăn bình dân giá rẻ nhưng bổ dưỡng.

Đặc biệt sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ sản xuất với quy trình sạch không chất bảo quản thỏa mãn tâm lý sử dụng của người tiêu dùng: sản phẩm sạch, ngon bổ, giá cả hợp lý, đó là điều thu hút người tiêu dùng.

Củ ấu cũng là một trong những nông sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp bên cạnh sen. Trong tương lai, sản phẩm củ ấu tươi tách vỏ cũng là một trong những món quà của du khách khi đến Đồng Tháp.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Cẩm Xương (ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quí, huyện Tháp Mười- Đồng Tháp) với dự án “Dưa cây sen” đã thực sự mang đến cho BTC nhiều điều mới lạ.

Dưa cây sen mà Xương làm dùng để ăn kèm theo các món ăn chính trong bữa cơm gia đình hàng ngày. Điều hay trong cách làm mà Xương đã thành công là khử đi được vị đắng có trong cây sen. Dưa cây sen hiện nhận được đặt hàng của một số nơi, trung bình mỗi tháng bán ra từ 30- 45kg, với giá 90.000 đ/kg.

Theo BTC, cuộc thi khởi nghiệp năm nay, trong tổng số 98 dự án thi, có 47 dự án khởi nghiệp nông nghiệp tận dụng nguồn tài nguyên bản địa, 31 dự án có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, các giải pháp hỗ trợ trong nông nghiệp.

Đánh giá về cuộc thi theo chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh), năm nay, các dự án tham gia đông hơn so với năm 2016. Các dự án bắt đầu quan tâm tới việc ứng dụng được công nghệ.

Có những dự án đã bắt đầu kinh doanh, thành lập được công ty, đã có sản phẩm cụ thể. Điểm ấn tượng là có sự phản biện, tranh luận, tương tác giữa thí sinh và ban giám khảo.

Theo chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa, có 3 khía cạnh các dự án cần chú ý điều chỉnh là: Thứ nhất, các dự án chưa chuẩn bị kỹ về phòng ngừa rủi ro; thứ hai, mô hình theo đuổi những mục tiêu lớn, thay vì nhìn nhận thực tế nhiều hơn; thứ ba, hiểu thị trường nhiều hơn, từ đó mà “liệu cơm gắp mắm”.

 Hầu hết các ý tưởng, dự án khởi nghiệp 80- 90% gặp thất bại. Nhưng hãy nhìn thất bại như cơ hội, học hỏi để tiếp tục sáng tạo và “bạn trẻ cần luyện cho mình tính can trường khi khởi nghiệp”.

Bạn trẻ Đồng Tháp đã khai thác “tài nguyên bản địa” là cây sen để khởi nghiệp.
Bạn trẻ Đồng Tháp đã khai thác “tài nguyên bản địa” là cây sen để khởi nghiệp.

Bà Vũ Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao- động viên các dự án được chọn vào vòng chung kết chuẩn bị kỹ lưỡng hơn vì cuộc cạnh tranh với khu vực TP Hồ Chí Minh và phía Bắc chắc chắn khó khăn hơn nhiều.

 Đồng thời, cam kết các dự án chưa được chọn vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia của BSA.

TS. Phan Văn Minh- Trưởng Phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học môi trường (Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường- Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh)- 1 trong 7 giám khảo của vòng bán kết này chia sẻ: Nhiều chủ dự án đã thể hiện được sức trẻ, sự sáng tạo cũng như nhiệt huyết trong khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít dự án thiếu tính chân chất của nông dân Nam Bộ. Đây là sự khác biệt lớn nhất so với cuộc thi năm ngoái (cuộc thi lần 2 năm 2016).

Nhiều dự án quá ảo tưởng “như trên trời” chiếm khá nhiều tại vòng bán kết này, đây là việc không phù hợp với lứa tuổi, với thị trường, thiếu tính thực tế…

Do vậy, TS. Phan Văn Minh khuyên các bạn khởi nghiệp nên bám sát vào thực tế, khởi nghiệp mới chỉ là sự khởi đầu, không nên “ăn to, nói lớn khi còn quá sớm”

Danh sách các dự án đã lọt vào vòng chung kết

1. Xây dựng Nhà truyền thống người Chăm (Trương Ngọc Thùy An- An Giang)

2. Sản xuất chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh (Trần Phúc Hậu- Bến Tre).

3. Nhang sinh học có tác dụng xua muỗi (Lê Duy Hậu-
Bến Tre).

4. Ứng dụng vi sinh lên men cám gạo dùng cho nông nghiệp (Võ Nguyễn Công Sơn- Đồng Tháp).

5. Mật ong Hương Tràm (Trần Thành Long- Đồng Tháp).

6. Dưa cây sen (Nguyễn Thị Cẩm Xương- Đồng Tháp).

7. Chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ ếch (Nguyễn Văn Nữ- Đồng Tháp).

8. Mô hình trồng nấm bền vững- Hương hoa đất (Trần Phong Nhã- Đồng Tháp).

9. Sản xuất củ ấu tươi tách vỏ (Nguyễn Anh Thy- Đồng Tháp).

Bài, ảnh: NGUYỄN HOÀNG