Tiết kiệm để nuôi ước mơ

Cập nhật, 16:03, Thứ Sáu, 03/03/2017 (GMT+7)

 

Hãy dành thời gian cho các hoạt động bổ ích để vừa giải trí vừa học được nhiều điều.
Hãy dành thời gian cho các hoạt động bổ ích để vừa giải trí vừa học được nhiều điều.

Chi tiêu sao cho hợp lý và có tích lũy là ước mơ của nhiều người, nhất là các bạn trẻ. Tuy nhiên, không nhiều bạn làm được điều này để rồi cuối tháng lại lao đao vì túi tiền đã hết. Hãy sống tiết kiệm để trở nên đầy đủ hơn và nói không với “viêm màng túi”!

Đau đầu cái chuyện tiền nong

Có một nghịch lý mà nhiều người trẻ thường mắc phải là khi lãnh lương thì lại thấy tiền sắp hết đến nơi rồi. Bởi lẽ, số tiền ấy đã bị vơi đi nhiều cho những khoản nợ từ tháng trước. Thế là, cuộc sống như một vòng luẩn quẩn bị bủa vây bởi nợ nần.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vật chất mà còn cả tinh thần của những người trong cuộc.

Bạn Nguyễn Thành Nhân (Tam Bình) đi làm đã hơn 1 năm nay vẫn “chưa dư được đồng nào”, thậm chí Nhân thỉnh thoảng còn gọi về nhà xin tiền mẹ.

Mỗi lần như vậy, Nhân đều cảm thấy khó chịu và quyết tâm tìm ra thủ phạm đã “làm mất tiền của mình”. Sau khi ghi chép nhật ký chi tiêu được 1 tháng, Nhân nhận ra “thủ phạm” chính là những buổi đi chơi sau giờ làm việc.

Nhân cho biết: “Anh em độc thân vui tính mà, tối nào cũng gom lại uống cà phê hoặc làm vài lon bia. Mỗi buổi cũng không nhiều tiền, nhưng hầu như tối nào cũng có nên tốn bộn”.

Những bạn nữ thì thường “bị bệnh” nghiện mua sắm, nhất là trong giai đoạn mới đi làm. Nguyễn Thị Thu Ngân (Tam Bình) may mắn tìm được công việc tốt với mức lương khoảng 8 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, chưa tháng nào Ngân dành dụm được.

Thậm chí, có tháng Ngân còn phải ứng tiền của chị em vì các khoản chi đột xuất như cưới hỏi bạn bè. Ngân nói: “Trong lần dọn phòng trọ trước tết, tôi bất ngờ khi đếm được mình có đến 32 cái đầm. Quần jean, quần tây, áo sơ mi còn nhiều hơn nữa. Trong đó, có nhiều món tôi chưa mặc lần nào”.

Đó là những lần đi dạo mua hàng khuyến mãi, thấy rẻ tiện tay Ngân lấy vài cái nhưng khi về lại không vừa ý, không mặc được. Riêng về giày thì Ngân cũng có đến 5 đôi, tuy nhiên chỉ có 2 đôi sử dụng thường xuyên, 3 đôi còn lại đã đóng bụi vì lâu quá không sử dụng. Ngân thở dài: “Tháng nào tôi cũng đi mua quần áo vài lần với bạn bè”.

1001 cách tiết kiệm

Tiết kiệm là phương pháp đầu tiên và cơ bản nhất để có tích lũy. Một người dù có làm ra nhiều tiền nhưng không biết tiết kiệm thì cũng không thể giàu được. Đối với Trần Thanh Tâm (Vũng Liêm)- cựu sinh viên Trường ĐH Cần Thơ- thì chuyện tiết kiệm như chuyện hiển nhiên bởi từ nhỏ đã được rèn ở gia đình.

Tâm nói: “Nhiều khi có tiền cũng không biết mua gì bây giờ, vì thấy mình đã đủ, không cần gì cả”. Là một học sinh nghèo, Tâm đi thi đại học chỉ với 300.000đ nhưng về đến nhà vẫn còn dư 150.000đ. Bởi vì Tâm ở ký túc xá miễn phí, ăn cơm trưa miễn phí và chỉ tốn cơm chiều cùng vé xe buýt về Vũng Liêm.

Vào ĐH, Tâm đi làm rồi đi dạy thêm, thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng vẫn có dư gửi về phụ mẹ.

Nay Tâm đi làm, thu nhập đã khá hơn nhiều, tiền dư vì vậy cũng tăng theo. Hỏi kinh nghiệm tiết kiệm, Tâm cười: “Mẹ tôi thường dạy, trước khi nói uốn lưỡi 7 lần và trước khi mua gì cũng phải suy nghĩ cỡ… 7 lần như vậy”. Nghĩa là chỉ mua những thứ mình thực sự cần, không mê hàng khuyến mãi, đồ rẻ mà chọn mua những thứ bền, có thể sử dụng lâu dài.

Bạn Lê Trinh (Trà Ôn) đang làm kế toán cho một công ty ở Đồng Tháp cũng nhờ tiết kiệm tốt mà đã có “rủng rỉnh” tiền sau 3 năm đi làm.

Trinh là người ăn mặc đẹp nhưng rất giản dị. Khi còn là sinh viên, Trinh thường tranh thủ đi thư viện, học Anh văn buổi tối thay vì đi dạo phố sắm đồ cùng các bạn. Nay đã đi làm, buổi tối Trinh thường dành cho sở thích đọc sách, chơi cầu lông,…

Trinh cho rằng: “Phải lên kế hoạch chi tiêu cụ thể: mỗi lần lãnh lương ra chỉ được sử dụng một nửa thôi, nửa còn lại chia làm đôi, một phần để dự phòng và 1 phần gửi tiết kiệm”. Riêng về các món tiền thưởng… Trinh cũng chỉ dành tối đa 50% cho mình, 50% còn lại để tích lũy.

Ngoài ra, Trinh còn có thói quen ghi lại chi tiêu mỗi ngày. Nhờ đó, Trinh nhớ rõ giá trị từng món hàng và biết mình đã chi tiêu như thế nào để điều chỉnh. Trinh cười tươi: “Ban đầu tiết kiệm bạn sẽ thấy khó nhưng riết rồi quen và thấy bình thường hà. Khi đã có dư chút đỉnh rồi, bạn sẽ hứng thú và càng biết tiết kiệm hơn”.

Tiết kiệm không bao giờ là muộn. Bạn muốn sống một cuộc đời “kim cương” thì càng phải biết cách chi tiêu hợp lý. Hãy bỏ bớt những thói quen làm bạn “viêm màng túi” thay vào đó bằng những việc làm hữu ích hơn. Song song đó, bạn trẻ đừng quên nỗ lực làm việc hết mình để khẳng định bản thân, để học hỏi kinh nghiệm và để có cuộc sống tốt hơn bạn nhé!

  • ™Bài, ảnh: CAO HUYỀN