Trang viết xanh

Nón lá hồn quê

Cập nhật, 12:26, Thứ Sáu, 17/02/2017 (GMT+7)

Với những mép lá chằm mỏng manh, với chiếc khuôn bằng gỗ hình chóp và những sợi chỉ nilon, người thợ thủ công đã làm nên chiếc nón bài thơ tuyệt đẹp.

Nếu nón lá Thanh Oai (Hà Tây) đa dạng mộc mạc; nón lá Ba Đồn (Quảng Bình) dày dặn chắc chắn thì nón Huế mỏng manh, mềm mại có những bài thơ và hình ảnh sông Hương, núi Ngự ghép vào.

Chiếc nón lá vừa che mưa, che nắng, vừa làm tăng vẻ e lệ, duyên dáng cho người phụ nữ. Nón lá đơn sơ nhưng thật nhiều công dụng. Trưa hè nóng nực ngồi dưới bóng cây, nón làm chiếc quạt.

Bạn gái vô vườn, nón thay chiếc rổ, đựng đầy trái ngọt về xúm xít cùng ăn. Nước sông quê xanh trong nón thay gàu múc nước, bạn bè chụm đầu cùng uống no nê. Mấy đứa bạn có chồng, lần đầu “mang bụng”, đến chỗ đông người cứ ngượng ngùng dùng nón lá che. Dãi nắng dầm mưa đến khi nón rách cũng chẳng nỡ bỏ đi.

Trong những năm chiến tranh, các cô giải phóng đội nón tai bèo, vậy mà trong hành trang của cô nào cũng có thêm chiếc nón lá quê hương.

Nghe kể, lần ấy, phải điều nghiên gấp đồn địch, mấy anh lính trinh sát đã đánh độc chiếc quần xà lỏn, trên đầu đội chiếc nón lá trắng tinh (mượn của mấy cô), rồi lội bì bõm sát đồn địch giữa nắng ban trưa. Bọn địch đã không ngờ chính những người “giăng câu, đặt lờ” đó đã nhổ đồn sau đó vài tiếng đồng hồ.

Ngày nay, do phương tiện đi lại phát triển, để phù hợp, các cô gái thị thành ít dùng nón lá. Thay vào đó, các cô đội nón bảo hiểm, nón nỉ, nón nhung.

Ở đồng quê, nón lá vẫn thủy chung cùng người phụ nữ một nắng, hai sương. Nón lá vẫn nhấp nhô điểm trang trên đồng lúa chín. Nón lá vẫn cùng những bộ đồ bà ba xuôi ngược trên những dòng kinh, con rạch. Nón lá vẫn còn mãi và đã trở thành hồn quê.

BÙI KIM THÀNH