Để người trẻ trưởng thành

Cập nhật, 06:04, Thứ Sáu, 02/12/2016 (GMT+7)

Trong các cuộc gặp gỡ thanh niên hay trên diễn đàn xã hội, chúng ta vẫn gặp không ít bạn trẻ chỉ chờ đợi sự hướng dẫn, định hướng của người khác.

Ngoài đời, vẫn còn một số bạn tuân theo sự áp đặt của người lớn hơn “vô điều kiện”, không dám thay đổi, thả trôi ước mơ… Điều đó trở thành lực cản khiến nhiều bạn trẻ không thể đến với thành công và “mất điểm” đối với người xung quanh.

Người trẻ muốn trưởng thành nên thoát ra khỏi “vỏ bọc” gia đình, tập sống tự lập, tham gia các  hoạt động xã hội.
Người trẻ muốn trưởng thành nên thoát ra khỏi “vỏ bọc” gia đình, tập sống tự lập, tham gia các hoạt động xã hội.

Vẫn chưa chịu lớn

Diễm P.- sinh viên năm thứ nhất, nổi tiếng là tiểu thư. Là con cưng nên P. không phải “đụng tay đụng chân” vào bất cứ việc gì. Từ bữa ăn, giấc ngủ, chỉ cần P. lên tiếng là đã có người phục vụ chu đáo.

Chính vì thế khi đến trường, P. rất ngại tham gia vào các hoạt động Đoàn và phong trào của lớp. Khi thì sợ nắng cháy da lúc thì sợ “đi tình nguyện chắc khổ lắm, không quen”…

Thế nên, P. tự hài lòng với cách gọi “tiểu thư” mà bạn bè đặt cho mình, đâu biết rằng ai cũng ngán ngẩm cái tính yếu mềm quá mức ấy.

Bên cạnh nhiều bạn trẻ dám nghĩ, dám làm, nhiệt huyết tham gia các hoạt động xã hội thì vẫn có không ít bạn trẻ đã qua tuổi 18, đôi mươi nhưng vẫn lệ thuộc quá nhiều vào gia đình.

Thanh Nhân- sinh viên năm thứ ba một trường ĐH ở Cần Thơ-được mệnh danh là “cậu ấm ngoan ngoãn”. Từ nhỏ đến lớn việc gì Nhân đều nghe theo lời của cha mẹ, để cha mẹ quyết định cho mình tất cả chuyện lớn nhỏ.

Dù biết rõ mình đam mê tin học, muốn trở thành một lập trình viên nhưng Nhân vẫn từ bỏ ước mơ để đi theo ngành xây dựng bởi “cha mẹ kêu vậy”.

Khi được hỏi sao lại để người lớn định đoạt mọi ước mơ của mình ở cái tuổi đã trưởng thành thì Nhân cho rằng: Cha mẹ đã định hướng và “đặt” chỗ làm trước nên sau này ra trường không sợ thất nghiệp.

“Mình không ngại bị người khác nói mình “trẻ con”, bởi quanh mình cũng nhiều bạn “đồng cảnh ngộ như vậy”- Nhân cho hay.

Chị Trần Thị H. (TP Vĩnh Long)- phụ huynh của một “cậu ấm”- cho biết chị “cõng” ước mơ của con như một gánh nặng tâm lý quá sức. Tất cả những gì con chị đạt được hôm nay đều không bằng nỗ lực tự thân, mà bằng khả năng “chi tiền” của cha mẹ. Và xem đó là điều tất yếu mà cha mẹ phải chuẩn bị.

Chị kể, vậy mà có ngày chị nghe cậu quý tử càm ràm công việc không thích hợp và dọa sẽ bỏ việc. “Không thể hiểu nổi tại sao đứa con này đã gần 30 tuổi mà chưa chịu lớn, để cha mẹ lo lắng hoài”- chị thở dài nói.

Để người trẻ trưởng thành

Thực tế cho thấy, “tốc độ trưởng thành” của bạn trẻ bị chậm lại có một phần nguyên nhân từ các bậc phụ huynh. Chẳng hạn như cô bạn Nguyễn Bích Trâm (Phường 8- TP Vĩnh Long) dù đã học lớp 12 nhưng vẫn luôn được gia đình xem như… trẻ con.

Ngoài việc đưa rước đi học mỗi ngày, Trâm còn được cha mẹ sắp xếp thời gian biểu học thêm, gặp gỡ bạn bè, giờ giấc ăn ngủ...

Trâm nói: nhiều lúc xin cha mẹ để em tự quyết định chuyện sinh hoạt, học hành nhưng cha mẹ bảo không an tâm. Chính vì sự bảo bọc ấy mà Trâm học giỏi nhưng lại nhút nhát, thiếu kiến thức xã hội và “không sao lớn nổi”.

Việc “chậm lớn” cũng chính là nguyên nhân khiến bạn trẻ hụt hẫng, không tìm ra lối thoát khi đối mặt với khó khăn, phức tạp trong cuộc sống.

Như trường hợp của bạn Phan Thị H. (cựu sinh viên ĐH Cần Thơ), từ nhỏ đến lớn chỉ biết học cho thật giỏi, mọi việc khác đã có gia đình lo.

Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, H. tưởng dễ dàng xin được việc làm thế nhưng gần 2 năm H. vẫn thất nghiệp vì phải “chờ gia đình xin việc”. H. kể: Lúc đó, mình như “còn mèo ướt”, khóc lóc suốt ngày.

Mình chán nản lắm, thậm chí có ý định tự tử cho xong. Cũng may có nhỏ bạn thân rủ đi làm ở Sài Gòn.

Thế là mình năn nỉ gia đình và quyết định không “ngồi chờ việc tìm đến mà phải tự mình tìm việc”. “Phải mạnh dạn vượt qua thử thách thì mới thành công được”- H. hôm nay tự tin kết luận.

Sống mãi trong sự bao bọc không phải là cách hay, nhất là khi mỗi người sớm hay muộn cũng đều phải trưởng thành và phải đi trên chính đôi chân mình.

Nếu như không chịu thay đổi, đứng lên thì cô bạn Bích Trâm sẽ khó có thể rời khỏi gia đình để có mặt trong những chuyến vui chơi cùng bạn bè cũng như tự tin làm việc.

Diễm P. thì sẽ không hiểu được trải nghiệm thú vị khi tham gia các hoạt động xã hội bổ ích. Còn Thanh N. vẫn phải đi theo con đường mà mình không hề thích...

Vậy nên, bạn trẻ đừng sống ỷ lại, phụ thuộc, không chịu phấn đấu để được “lớn thêm”. Đừng sợ sống tự lập, chớ ngại “phá rào” để bắt kịp với bạn bè, để được cọ xát vào các hoạt động xã hội xung quanh.

Bạn có thể là người giỏi nhất khi đủ tự tin và dũng khí trước các “chướng ngại vật” cản trở mình. Nhưng nếu bạn để sự “trẻ con” níu chân thì có thể bạn sẽ chẳng nếm trải được hương vị của sự thành công đâu bạn nhé!

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY