Cùng "gỡ rối" cho hoạt động Đoàn ở cơ sở

Kỳ 2: Kinh phí "khiêm tốn", làm được gì?

Cập nhật, 13:43, Thứ Sáu, 19/08/2016 (GMT+7)

Tuy không phải là yếu tố quyết định, song kinh phí có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động Đoàn, nhất là khi các hoạt động này thường rất tốn kém. Làm sao đảm bảo kinh phí cho các hoạt động luôn là bài toán khó đối với cơ sở Đoàn?

Tổ chức phong trào Đoàn dù lớn hay nhỏ thì kinh phí hoạt động là không thể thiếu.
Tổ chức phong trào Đoàn dù lớn hay nhỏ thì kinh phí hoạt động là không thể thiếu.

Ngân sách khoán còn hạn chế

Theo khảo sát ở các địa phương thì mỗi năm ngân sách khoán cho Xã Đoàn chưa tới 10 triệu đồng. Trong khi đó các hoạt động lại triển khai liên tục nên không ít thủ lĩnh Đoàn “chùn chân” trước bài toán kinh phí.

Anh Nguyễn Hoài Phong- Bí thư Xã Đoàn Mỹ Thuận (Bình Tân) cho biết, làm cán bộ Đoàn- ai cũng muốn tổ chức, xây dựng hoạt động sôi nổi, thiết thực nhưng với số kinh phí trên, dù khéo sử dụng cũng chỉ đủ lo cho hoạt động sơ kết, tổng kết, họp hành triển khai công việc của Đoàn cấp trên.

Kinh phí hoạt động hạn chế, trong khi đó nhiệm vụ lại khá nặng nề. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chủ trương, yêu cầu của Đoàn cấp trên như: Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè cộng thêm nhiều chương trình vận động, giáo dục và rèn luyện đoàn viên thanh niên (ĐVTN), chăm lo cho thiếu niên, nhi đồng,...

Xã Đoàn còn phải gánh trên vai nhiều công việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương giao. “Chưa nói đến các khoản chi cho hoạt động lớn, ngay như việc tổ chức họp, triển khai các chủ trương của Đoàn cấp trên, của cấp ủy, chính quyền cũng cần phải có khoản tối thiểu để phô tô tài liệu, làm khẩu hiệu...” - anh Phong cho biết thêm.

Hạn hẹp về kinh phí nên nhiều cơ sở Đoàn phải giảm bớt hoạt động. Trước đây, Xã Đoàn Tân Hạnh (Long Hồ) tổ chức hội thi tuyên truyền phòng chống ma túy, được ĐVTN tham gia hào hứng nhưng nay không còn duy trì được.

Bí thư Xã Đoàn- Phan Thành Nghĩa cho hay: Mỗi năm Xã Đoàn được cấp 2,5 triệu cộng thêm phí hỗ trợ 250.000 đ/tháng. Chừng ấy chỉ duy trì một số hoạt động thôi, chứ không thể tổ chức hết các hoạt động Đoàn cấp trên phát động.

“Biết vậy sẽ không tổ chức được phong trào bổ ích cho ĐVTN nhưng đâu thể nào xoay xở được. Công tác vận động rất khó vì tiếng nói của chúng tôi còn “nhẹ” lắm”- anh chia sẻ khó khăn.

Kinh phí thấp nên nhiều cơ sở Đoàn phải “tự bơi thêm”. Nếu cán bộ Đoàn không tìm ra cách gây quỹ thì cả năm hầu như không tổ chức được hoạt động hấp dẫn thu hút ĐVTN.

Trò chuyện với chị Đỗ Thị Thanh Trực- Bí thư Xã Đoàn Đồng Phú (Long Hồ), chúng tôi nghe chị than thở về chuyện kinh phí khoán cho tổ chức Đoàn quá thấp, chỉ 3,8 triệu/năm nên không thể đảm bảo cho các hoạt động cơ bản.

“Nếu chi đúng mức thì sẽ không đủ đâu vào đâu. Nhiều khi rất “ngại” tập hợp ĐVTN tham gia phong trào vì không có đủ kinh phí lo mấy anh em ăn uống”- chị nói.

Khi hỏi về một số hoạt động tình nguyện, chị cho biết chủ yếu vận động ĐVTN tham gia các hoạt động, phong trào do Đoàn cấp trên tổ chức. Theo chị, vận động công tác xã hội hóa “có khi được khi không” vả lại “ngại ngửa tay xin tiền hoài”- chị phân trần.

Phụ cấp ít ỏi

Cán bộ Đoàn ấp- khóm hoạt động dựa trên sự nhiệt tình là chính. Bởi vì ngoài mức phụ cấp ít ỏi vài trăm ngàn đồng/tháng thì những thủ lĩnh thanh niên ấy hầu như không có thêm bất cứ chế độ nào. Nhưng thực tế ở nhiều địa phương, mức phụ cấp hiện quá thấp khiến nhiều ĐVTN dù nhiệt huyết vẫn… chịu thua.

Đó là lý do vì sao nhiều cán bộ Đoàn mới “ngồi chưa nóng chỗ” đã xin nghỉ để đi làm với lý do lo cho gia đình- anh Nguyễn Hoài Phong chia sẻ những khó khăn tại địa phương. Theo anh, ĐVTN đóng vai trò trụ cột lo kinh tế gia đình, thế nên với mức trợ cấp quá ít thì rất khó có thể giúp họ yên tâm công tác tốt.

Với 200.000 đ/tháng thì làm được gì trong thời buổi vật giá như hiện nay?- Bí thư Chi đoàn ấp Thanh Khê (xã Thanh Bình-Vũng Liêm) Huỳnh Khắc Vĩnh Xuyên hỏi ngược lại chúng tôi.

Và Xuyên bắt đầu liệt kê cả “khối khoản chi” cần thiết. Từ thực hiện phần việc thanh niên, tổ chức các hoạt động giao lưu, tham gia hoạt động Đoàn cấp trên,... “Không có kinh phí hoạt động, chi đoàn muốn tổ chức phong trào gì cũng gặp khó hết. Huống chi là tổ chức các sân chơi bổ ích thu hút ĐVTN”- Vĩnh Xuyên trăn trở.

Vĩnh Xuyên còn cho biết thêm, phụ cấp chẳng thấm vào đâu nên chuyện thủ lĩnh TN phải bỏ tiền túi chi cho hoạt động là chuyện rất bình thường. “Khi có hoạt động ở trên đưa xuống, tôi thường xuyên bỏ thêm tiền túi để mua nước uống, tài liệu… chứ dựa vào phụ cấp thì giống như “muối bỏ biển vậy”.

Anh Bùi Văn Chiều- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Hiện không có chế độ lương bổng cho bí thư chi đoàn ấp- khóm hay kinh phí cho hoạt động Đoàn ở địa bàn này.

Hàng tháng, chi đoàn ấp chỉ được địa phương cấp 200.000- 300.000đ phí sinh hoạt mà ĐVTN thường hay gọi là phụ cấp.

Anh cho hay, để thực hiện tốt công tác vận động ĐVTN tham gia vào xây dựng địa phương thì thủ lĩnh TN phải thực sự tâm huyết, tuyên truyền vận động phải nhạy bén mới đạt hiệu quả. “Làm công tác Đoàn thì hầu hết cán bộ Đoàn sẽ không ngại khó khăn hay thiệt thòi.

Thế nhưng nếu không có chế độ quan tâm phù hợp cũng sẽ khó “chiêu mộ” được người tài”- Phó Bí thư Tỉnh Đoàn nói.

Kỳ cuối: Cán bộ Đoàn “có tâm” thì Đoàn “có tiếng”

™Bài, ảnh: CẨM HUỆ