Về đâu khi hết tuổi Đoàn?

Cập nhật, 13:55, Thứ Sáu, 24/06/2016 (GMT+7)

Dành cả tuổi trẻ để cống hiến cho hoạt động Đoàn, những thủ lĩnh thanh niên đã không ngại khó khăn thắp lửa cho phong trào tuổi trẻ địa phương ngày một phát triển.

Những thủ lĩnh ấy vui khi thấy mình sống có ích, được góp chút công sức xây dựng quê hương nhưng lại có chung niềm trăn trở “không biết sẽ về đâu khi hết tuổi Đoàn”.

Những cán bộ Đoàn “tuổi 35”

Bằng đam mê và nhiệt huyết, những cán bộ Đoàn đã thắp lửa cho tuổi trẻ địa phương.
Bằng đam mê và nhiệt huyết, những cán bộ Đoàn đã thắp lửa cho tuổi trẻ địa phương.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh Hùng- Bí thư Xã Đoàn Chánh An (Mang Thít) nhân chuyến thăm các thanh niên tình nguyện hè tại địa phương. Sự nhiệt huyết, năng nổ của người cán bộ Đoàn ấy như lan cả sang chúng tôi.

Theo anh, tuổi tác không là trở ngại bởi khi đã làm cán bộ Đoàn thì phải luôn luôn xông xáo, “cháy hết mình” với công việc và hết lòng vì đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Chính vì vậy mà hơn 13 năm công tác anh luôn là người bạn đồng hành của ĐVTN.

Điều đáng ghi nhận là anh luôn biết cách để hướng ĐVTN tham gia các hoạt động có ích như tham gia phần việc xây dựng nông thôn mới, chí thú làm ăn với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng sầu riêng, trồng nhãn, bưởi da xanh, nuôi bò sinh sản. “Phải nhạy bén và sâu sát, thấu hiểu ĐVTN. Có như vậy mới gắn bó với ĐVTN được”- anh nói tâm huyết.

Đến thị trấn Cái Nhum (Mang Thít), nếu hỏi thăm anh Nguyễn Đinh Cường- Bí thư Đoàn thị trấn thì chắc nhiều người biết, bởi anh đã có hơn 12 năm làm thủ lĩnh nơi đây.

Theo nhiều người, anh rất nhiệt tình, có “duyên” tập hợp ĐVTN. Từ khi anh tham gia công tác, hoạt động Đoàn ngày càng sôi nổi. Anh cho biết mình đã luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi xây dựng nhiều phong trào hay, hấp dẫn. Từ giao lưu văn nghệ, thể thao đến vận động ĐVTN xây dựng văn minh đô thị...

Hơn nữa, bản thân anh luôn đi đầu để các bạn trẻ noi theo. Anh chia sẻ: “Nói thì dễ chớ khi vào thực tế công việc không dễ chút nào. Để được ĐVTN tin tưởng, mình phải tiên phong và nói đi đôi với làm”.

Là địa bàn nông thôn, ĐVTN chưa “mặn mà” với Đoàn nên anh Nguyễn Hoài Phong- Bí thư Xã Đoàn Mỹ Thuận (Bình Tân) lúc nào cũng trăn trở và suy nghĩ “làm thế nào” để thu hút ĐVTN.

Để thực hiện điều đó, anh luôn dành thời gian tham gia các cuộc họp, các hoạt động ở chi đoàn ấp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng ĐVTN. Nắm được nhu cầu phát triển kinh tế của ĐVTN, anh hỗ trợ anh em tiếp cận vay vốn làm ăn, vận động thành lập tổ sản xuất lúa giống.

Ngoài ra, anh còn hỗ trợ ĐVTN mua BHYT... Nhờ vậy mà chất lượng hoạt động Đoàn không ngừng nâng lên. “Mười mấy năm công tác, hạnh phúc lớn nhất của tôi là khi nhận được sự tin tưởng và ủng hộ nhiệt tình của ĐVTN, tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh”- anh bày tỏ.

Và những trăn trở

Dành trọn tâm huyết với Đoàn, anh Đông (phải) cống hiến hết mình cho phong trào tuổi trẻ ở địa phương.
Dành trọn tâm huyết với Đoàn, anh Đông (phải) cống hiến hết mình cho phong trào tuổi trẻ ở địa phương.

Mặc dù cống hiến cho công tác Đoàn nhiều năm, nhưng các cán bộ Đoàn “quá tuổi” theo quy định (quy định là 35 tuổi) vẫn luôn nhiệt tình, năng động.

Giống như lời chia sẻ của anh Tăng Vĩnh Đông- Phó trưởng Ban Đoàn kết tập hợp thanh niên của Tỉnh Đoàn, cho đến thời điểm này qua hơn 17 năm công tác Đoàn, anh vẫn còn thấy “máu lửa”

. Anh đã không ngại đường xa đi cơ sở tìm hiểu, nắm bắt tình hình anh em ở địa phương để có hình thức tập hợp phù hợp. Với anh, vui nhất là thấy anh em nhiệt tình tham gia phong trào và ngày càng đoàn kết hơn.

Anh cho biết: “Tôi cũng từng lo lắng sau khi hết tuổi Đoàn không biết sẽ làm công việc gì. Thế nhưng nhờ sự động viên của Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, tôi đã an tâm công tác và chấp nhận sự phân công của tổ chức”- anh bộc bạch.

Mặc dù nhiều năm liền Xã Đoàn Mỹ Thuận xếp loại vững mạnh nhưng anh Nguyễn Hoài Phong hiện vẫn thấy “hơi lo”, bởi vì anh hết tuổi “đứng” ở tổ chức Đoàn.

Anh cho biết được lãnh đạo cho học ĐH ngành Quản lý văn hóa. Bản thân anh cũng không nhiều toan tính tương lai mà chỉ tự nhủ “học xong, lãnh đạo bố trí ở đâu làm ở đó”.

Anh tâm sự: “Gắn bó với công tác Đoàn đã giúp tôi được rèn luyện, trang bị kiến thức và bản lĩnh. Mặc dù vẫn còn nhiệt huyết nhưng khi học xong tôi vẫn muốn được làm một công việc phù hợp và để nhường chỗ cho những người trẻ đảm đương công việc, tạo động lực để họ phấn đấu”.

Còn anh T.H. chỉ biết “cười trừ” khi được gọi là “cán bộ Đoàn kỳ cựu”. Hết tuổi Đoàn đã 2 năm nay, anh đang lo lắng về công việc sau khi hết tuổi tham gia công tác Đoàn cũng như trình độ chuyên môn có đáp ứng được công việc mới hay không?

Anh cho rằng đây không chỉ là nỗi lo của riêng anh mà còn là nỗi lo chung của nhiều anh em khác vì không biết rồi đây mình sẽ “đi đâu về đâu”. Bởi có trường hợp cán bộ Đoàn “ngót nghét” 40 tuổi mới được điều động sang công việc khác. “Theo quy định thì lo vậy chứ công việc mình vẫn làm tốt”- anh chia sẻ.

Có thể thấy rằng, dẫu có không ít băn khoăn nhưng những cán bộ Đoàn ấy vẫn luôn cháy bỏng nhiệt huyết. Với bề dày kinh nghiệm công tác cùng với những cống hiến cho phong trào thanh niên, họ luôn là tấm gương để các bạn trẻ học hỏi.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc đảm bảo “đầu ra” cũng là mối quan tâm hàng đầu của những cán bộ Đoàn tuổi 35. Ngoài việc quan tâm bố trí công tác cho phù hợp thì bản thân mỗi cán bộ Đoàn cũng phải tự học tập vươn lên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn để có thể làm tốt những công việc khác.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ