Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Khơi nguồn hi vọng

Cập nhật, 17:23, Thứ Bảy, 29/05/2021 (GMT+7)

Một trong những điểm sáng trong bức tranh chính trị quốc tế tuần qua đó là việc Nga và Mỹ xác nhận cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Không được kỳ vọng sẽ “cài đặt lại” mối quan hệ song phương, nhưng Hội nghị là một bước xích lại gần nhau giữa hai cường quốc, mở ra lộ trình lần lượt tháo gỡ các nút thắt trong quan hệ hai bên cũng như tác động lớn đến hòa bình và an ninh thế giới.

 

Ảnh: AP
Ảnh: AP

Địa điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden được xác định tại Geneve, Thụy Sĩ vào tháng 6 tới.

Chủ đề chính của sự kiện có tầm quan trọng bậc nhất đối với an ninh thế giới này là triển vọng phát triển quan hệ song phương, ổn định chiến lược và "các vấn đề quốc tế khác hai bên cùng quan tâm".

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc đang ở mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh, đặc biệt vào thời điểm cả Nga và Mỹ đều “ khai tử” Hiệp ước bầu trời mở cùng với những mâu thuẫn quốc tế đan xen, cả hai bên đều bày tỏ không quá kỳ vọng vào kết quả cuộc gặp.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga không mong đợi cuộc gặp sẽ giúp dẫn tới khả năng “cài đặt lại” mối quan hệ song phương và đến thời điểm này hai bên chưa có kế hoạch ký bất cứ văn kiện nào tại hội nghị thượng đỉnh.

“Nga khó có thể mong đợi rằng kết quả của cuộc họp đầu tiên hai bên sẽ giải quyết được những vấn đề còn bất đồng sâu sắc. Chúng ta không nên quá kỳ vọng vào kết quả của cuộc họp này, nhưng cũng cần phải nhấn mạnh đây là một sự kiện rất quan trọng”, ông Peskov nói.

Báo hiệu nhiều vấn đề khúc mắc giữa hai bên sẽ được đề cập tại hội nghị, Thứ ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết, Mỹ không hi vọng đạt được sự đồng thuận trong một sớm một chiều.

“Chúng tôi không chỉ coi cuộc gặp là cơ hội để đề cập những vấn đề đã nhất trí, mà còn cả những điều bất đồng giữa hai bên, tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và dễ đoàn hơn với Nga. Mỹ không mong đợi mọi thứ sẽ được giải quyết trong một cuộc họp”, bà Psaki nói.

Mặc dù không quá kỳ vọng vào những bước phát triển đột phá trong mối quan hệ song phương, nhưng cũng có thể nói Hội nghị lần này là tín hiệu đáng mừng đối với an ninh thế giới .

Bên cạnh vấn đề kiểm soát vũ khí chiến lược, sự hợp tác của Nga và Mỹ đang cần thiết đối với hàng loạt vấn đề quốc tế nóng như hồ sơ hạt nhân Iran, Venezuela, Syria, Afghanistan và đương nhiên trong đó có mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ít kỳ vọng nhưng chắc chắn hai nhà lãnh đạo cũng sẽ không muốn cuộc gặp đầu tiên “trắng tay”.

Giới phân tích nhận định, các vấn đề có nhiều triển vọng hợp tác song phương tại Hội nghị là kiểm soát vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, xác định ‘luật chơi’ cho hoạt động gián điệp, đồng thời giảm nguy cơ gây mất ổn định của việc Mỹ rút khỏi Afghanistan....

Và kết quả quan trọng hơn cả là sau các màn chỉ trích, cảnh báo thậm chí là trừng phạt, việc hai cường quốc ngồi xuống đối thoại cho thấy giải quyết mâu thuẫn bằng con đường ngoại giao vẫn là xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế đương đại.

Qua đó tạo cơ hội để hai bên lần lượt tháo những nút thắt mâu thuẫn, hướng đến mối quan hệ “ổn định và dễ dự đoán hơn” trong tương lai./.

Theo Phạm Hà/VOV