Cảnh báo giai đoạn nguy hiểm nhất của COVID-19 sẽ sớm xảy ra

Cập nhật, 17:13, Thứ Bảy, 29/05/2021 (GMT+7)

Trong tương lai, đại dịch COVID-19 có thể chấm dứt khi các nước đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo thế giới không hành động ngay bây giờ thì hậu quả về con người sẽ vô cùng khủng khiếp.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seri Kembangan, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seri Kembangan, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ New York Times, các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng mới chứng minh biến thể virus SARS-CoV-2 có tên gọi B.1.617.2 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh hơn biến thể B.1.1.7 tìm thấy ở Anh. 

Tại những quốc gia đã đạt tới một tỷ lệ tiêm chủng rộng rãi trong dân số như Anh và Mỹ, chúng ta có thể hy vọng số ca mắc COVID-19 mới, số ca nhập viện và trường hợp tử vong tiếp tục xu hướng giảm hoặc duy trì ở mức thấp, đặc biệt là khi các kết quả thí nghiệm cho thấy vaccine ngừa COVID-19 hiện hành hiệu quả trong việc bảo vệ người tiêm trước cả hai loại biến thể.

Tuy nhiên, đối với phần còn lại của thế giới, những biến thể dễ lây lan trên có thể mang đến một thảm họa. Các chuyên gia y tế giải thích tại một số quốc gia mà người dân chưa có khả năng miễn dịch trước COVID-19 vì số ca mắc bệnh ít hoặc tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao như Việt Nam hay Đài Loan (Trung Quốc), biến thể có khả năng lây lan nhanh trở thành mối nguy lớn.

Cả Việt Nam và Đài Loan đều đã làm rất tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh ngay từ khi COVID-19 xuất hiện nhờ phản ứng nhanh, dứt khoát và minh bạch.

Trong các làn sóng dịch bệnh trước, các ca mắc mới tại hai khu vực này đều luôn ở mức cực thấp và hạn chế trường hợp tử vong. Tuy nhiên, với làn sóng dịch bệnh mới nhất đã có sự xuất hiện của các biến thể mới, các chuyên gia đều đánh giá tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và Đài Loan là khó khăn và phức tạp hơn. 

Mặc dù đã tìm ra bằng chứng song các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn chưa thể kết luận hoàn toàn rằng chính các biến thể virus SARS-CoV-2 đẩy nhanh tốc độ lây lan COVID-19 tại một số quốc gia. Biến thể mới của virus có thể lây lan nhanh chóng trong một khu vực vì tình cờ. 

Một biện pháp quan trọng được sử dụng trong các đợt dịch bùng phát trước đây để tìm hiểu khả năng lây lan của một biến thể là xem xét "tỷ lệ tấn công thứ cấp".

Có nghĩa là xác định xem có bao nhiêu người bị lây khi tiếp xúc gần với người bị nhiễm virus. Trung bình, số lượng những người tiếp xúc nhiễm virus càng nhiều thì khả năng lây lan của một biến thể càng lớn.

Dữ liệu về tỷ lệ tấn công thứ cấp do cơ quan y tế công cộng Anh công bố vào ngày 21/5 cho thấy biến thể virus SARS-CoV-2 tìm thấy ở Ấn Độ về cơ bản có khả năng dễ lây lan hơn cho những người tiếp xúc gần khi so với biến thể B.1.1.7. 

Khả năng lây lan tăng lên của một biến thể virus là một mối đe dọa theo cấp số nhân. Nếu thể virus thông thường trước đây chỉ có thể lây nhiễm trung bình cho ba người thì các biến thể mới có thể lây nhiễm cho bốn người. Thoạt nhìn số lượng tăng có thể là không nhiều.

Tuy nhiên, nếu đặt trường hợp có 2 người nhiễm ban đầu và các ca lây nhiễm tăng theo cấp số nhân 10, kết quả  đối với thể thường là khoảng 40.000 ca mắc trong khi đối với biến thể mới là trên 524.000, chênh lệch gần 13 lần.

Rõ ràng tình trạng khẩn cấp này đòi hỏi các nhà lãnh đạo thế giới cần phải có hành động ngay lập tức: Khẩn trương triển khai tiêm chủng rộng rãi cho người dân tại các khu vực được cho là đang đối mặt với nguy cơ lớn nhất.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Caracas, Venezuela ngày 28/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Caracas, Venezuela ngày 28/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức tại các quốc gia sản xuất vaccine cần phải họp khẩn để quyết định phương thức phân phối vaccine dư thừa và tập trung sản xuất với công suất cao nhất càng sớm càng tốt.

Trong trường hợp cần thiết, nguồn cung cấp vaccine cần được chuyển hướng ngay đến khu vực đang gặp khủng hoảng tồi tệ, tránh tình trạng các quốc gia giàu có tích trữ hầu hết nguồn cung.

Tất nhiên, có thể hiểu được rằng mọi quốc gia đều muốn tiêm phòng cho người dân nước mình trước, nhưng một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao có thể tạm ngưng một thời gian.

Ngoài ra, các kho dự trữ vaccine dư thừa có thể phân phối vaccine đến những nước đang cần để không làm giảm tốc độ chương trình tiêm chủng hiện có.

Hiện sáng kiến hợp tác toàn cầu COVID-19 đảm bảo công bằng vaccine (COVAX) vẫn chưa có đủ vaccine để phân phối. Nguồn vaccine mà họ nhận được phẩn bổ theo dân số quốc gia chứ không phải dựa trên mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát dịch.

Điều này rõ ràng cần phải thay đổi, vì chúng ta cần phải tập trung nguồn nước để dập một đám cháy đang bùng dữ dội thay vì đưa nước nhỏ lẻ đến từng nhà.

Tương tự như các đợt đại dịch khác, COVID-19 có thể chấm dứt với hàng triệu hay hàng tỷ người mắc bệnh hoặc được tiêm chủng.

Tuy nhiên lần này, các nhà lãnh đạo thế giới lại không có nhiều thời gian để đưa ra lựa chọn. Các nhà lãnh đạo cần phải đưa ra một biện pháp can thiệp càng sớm càng tốt, bởi vì ngay cả một vài tuần chậm trễ cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn.

Việc chờ đợi bằng chứng chắc chắn về khả năng lây lan của một loại biến thể có thể tạo điều kiện cho biến thể này hoành hành. Ngoài ra, nếu chưa chắc chắn về mức độ lây lan của các biến thể, thì ít nhất thế giới vẫn trở nên tốt hơn nếu như nhiều người được tiêm chủng hơn. 

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức