Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam: Mong chờ một "cú hích lịch sử"

Cập nhật, 10:44, Thứ Hai, 18/02/2019 (GMT+7)

Mỹ và Triều Tiên cần phải thống nhất về những điều khoản cụ thể nếu hai bên muốn tạo ra bước ngoạt lịch sử tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: Reuters.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau lần đầu tiên tại Singapore vào tháng 6-2018. Ảnh: Reuters.

Gạt bỏ sự mơ hồ

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/2 tới. Suốt 1 năm qua, cả hai bên đã tạo ra được chuyển biến mới mà có lẽ ấn tượng nhất trong lịch sử quan hệ khi tránh xa bờ vực chiến tranh và từng bước xây dựng sự tin tưởng nhờ các nỗ lực truyền thông cũng như ngoại giao chuyên sâu.

Tuy vậy, chính sách ngoại giao của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên vẫn bị chỉ trích tại Washington vì đã không mang lại những cam kết cụ thể về phi hạt nhân hóa. Về phía Triều Tiên, mặc dù đã có một số bước đi tự nguyện và có ý nghĩa, chẳng hạn như tháo dỡ bãi thử hạt nhân Punggye-ri, hay bãi thử tên lửa Sohae, nhưng nước này vẫn chưa đưa ra dấu hiệu rõ ràng về loại bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.

Theo nhận xét của Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, tiến bộ trên “mặt trận hạt nhân” sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore là rất nhỏ. Điều này đã làm dấy lên những lời chỉ trích và sự hoài nghi ngày càng lớn hơn đối với Hội nghị Thượng đỉnh lần hai nói riêng cũng như chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Trump nói chung.

Vì lẽ đó, Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới cần phải tránh vết xe đổ của Hội nghị lần 1 và đưa ra những mục đích cụ thể hơn. Ông Trump và ông Kim Jong-un phải thu hẹp bất đồng và sự mơ hồ tiềm ẩn trong các vấn đề trọng tâm của cuộc đàm phán, trước khi thực hiện bất cứ biện pháp cụ thể nào cho tiến trình phi hạt nhân hóa.

Nhất trí về khái niệm phi hạt nhân hóa

Nhiệm vụ quan trọng nhất giữa hai nhà lãnh đạo là làm sao tìm được tiếng nói chung về khái niệm phi hạt nhân hóa. Trong khi Mỹ tiếp tục tái khẳng định mục tiêu của nước này là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cần phải được thực hiện một cách triệt để và được kiểm chứng đầy đủ (FFVD) thì Triều Tiên lại chẳng bao giờ đồng ý với thuật ngữ như vậy, thay vì đó luôn cho rằng “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” nghĩa là loại bỏ mọi nhân tố đe dọa hạt nhân, bao gồm cả việc yêu cầu Mỹ rút máy bay ném bom hạt nhân hay tàu ngầm hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc. Quan điểm này đã được Trung Quốc ủng hộ, còn Hàn Quốc thì vẫn chưa thể hiện rõ lập trường.

Theo đánh giá của đặc phái viên Stephen Biegun, Mỹ và Triều Tiên vẫn cần hướng tới một “sự hiểu biết chung về tiến trình phi hạt nhân hóa” và “các bước cần thiết để đạt được một kết quả mà cả hai bên có thể chấp nhận được”. Sự mơ hồ và khó hiểu về thuật ngữ “phi hạt nhân” chỉ làm gia tăng những hoài nghi đối với các cam kết của Mỹ và Triều Tiên.

Vì thế, nhiều nhà phân tích cho rằng bức tranh toàn cảnh với nhiều chi tiết chưa được tinh lọc về vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên, cả từ góc độ chính trị lẫn kỹ thuật cần phải được xem xét kỹ lưỡng tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 ở Việt Nam. Đây là điều cần thiết để tạo ra nền tảng vững chắc giúp giảm thiểu những rắc rối tiềm ẩn và thách thức đối với các cuộc đàm phán tương lai.

Tương lai của liên minh Mỹ-Hàn

Một vấn đề quan trọng khác không thể bỏ qua tại cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2  giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là tương lai của liên minh Mỹ-Hàn Quốc. Nhiều nhân vật ở cả Washington lẫn Seoul lo ngại rằng, việc rút quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc sẽ được đưa lên bàn đàm phán như một điều kiện trong tiến trình phi hạt nhân. Tuyên bố của Tổng thống Trump đơn phương trì hoãn cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore đã làm gia tăng mối lo này. Và nguy cơ Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc ngày càng trở nên lớn hơn khi một số cố vấn chủ chốt của ông Trump, vốn ủng hộ tăng cường liên minh Mỹ-Hàn chẳng hạn như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay cựu Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster rời khỏi chính quyền. Tuyên bố của Tổng thống Trump rút quân ra khỏi Syria và sắp tới có thể là Afghanistan đã khiến tương lai của liên minh Mỹ-Hàn trở nên thiếu chắc chắn hơn bao giờ hết.

Một số nhà quan sát cho rằng, việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc có thể xảy ra như hệ quả tất yếu khi tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên hoàn thành và hòa bình được thiết lập trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên yếu tố này không thể được dùng làm con bài mặc cả để đổi lấy các nỗ lực phi hạt nhân hóa của Triều Tiên bởi nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam, Tổng thống Trump nên khẳng định rõ lập trường rằng liên minh Mỹ-Hàn sẽ không bị đe dọa bởi sự hợp tác giữa Mỹ và Triều Tiên, cũng như sẽ không bị hy sinh như một phần thưởng cho phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

 

Cơ chế thúc đẩy hòa bình vĩnh viễn

Cuối cùng, cả Mỹ và Triều Tiên cần phải đạt được một thỏa thuận cơ bản về phương tiện và thể thức sẽ được sử dụng để thiết lập “nền hòa bình vĩnh viễn” trên Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù Đặc phái viên Biegun thông báo rằng Tổng thống Trump “cam kết chấm dứt chiến tranh và sự thù địch trên Bán đảo Triều Tiên”,  tuy vậy, các bước đi cụ thể để giành được mục tiêu trên vẫn chưa rõ ràng. Việc các bên sẽ dùng đến phương tiện nào? Hiệp ước hòa bình hoặc tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, sự kết hợp của cả hai, hay một thỏa thuận nào khác, vẫn là câu hỏi cần được thảo luận và cần có sự thống nhất để tránh nảy sinh nhầm lẫn và sự phức tạp sau này.

Cần phải nhắc lại rằng, thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên, không chỉ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên mà còn phụ thuộc vào những bên liên quan khác như Trung Quốc và Hàn Quốc. Cho dù đó là đòi hỏi chấm dứt Hiệp định đình chiến hay xây dựng Hiệp ước hòa bình thì vẫn cần sự nhất trí và hợp tác của cả 4 bên. Do vậy, Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Việt Nam cần phải mở đường cho việc thiết lập một tiến trình mới, xác định lợi ích chung và thu hẹp bất đồng của tất cả các bên liên quan.

Quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump về “một chế độ hòa bình hợp pháp trên Bán đảo Triều Tiên” cần phải được giải thích đầy đủ và được hiểu rõ bởi phía Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump cũng phải giải quyết mối lo ngại của Triều Tiên rằng liệu thỏa thuận phi hạt nhân có tồn tại được ở kỷ nguyên hậu Trump hay không, cùng câu hỏi liệu thỏa thuận Triều Tiên ký kết với chính quyền ông Trump có chịu sự kiểm soát của đảng Dân chủ hay không.

Những mối lo này là không thể tránh khỏi bởi Triều Tiên đã từng đạt được một thỏa thuận chung với Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton năm 1994, nhưng sau đó thỏa thuận này đã sụp đổ khi Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền. Ông Shin Gi-wook, giám đốc Trung tâm Nghiên cứ châu Á-Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford cho rằng, Mỹ và Triều Tiên nên tiếp tục quá trình xây dựng sự tin tưởng bằng cách thừa nhận và giải quyết các mối quan tâm, lo ngại của nhau và xóa tan sự nghi ngờ giữa hai bên.  

Sức ép lớn với Mỹ và Triều Tiên

Trong bối cảnh Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 đến gần, Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang phải chịu sức ép rất lớn là làm sao để đạt được tiến triển trên mặt trận hạt nhân (lợi ích chiến lược đối với Tổng thống Trump) và mặt trận kinh tế (rất cần thiết đối với ông Kim Jong-un). Hai bên đều đã tạo được bước tiến lớn là chuyển từ đối đầu sang đối thoại và điều họ cần bây giờ là sự hỗ trợ lâu dài trong nội bộ quốc gia để thúc đẩy một chiến dịch ngoại giao dài hơi hơn.

Ông Shin Gi-wook nhấn mạnh, Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đều phải tận dụng cuộc gặp Thượng đỉnh tại Việt Nam như một cơ hội để gạt bỏ sự mơ hồ và những bất đồng liên quan đến vấn đề phi hạt nhân. Họ phải vạch ra một lộ trình toàn diện cùng những cam kết thực tế để đạt được mục đích chung. Nếu Hội nghị Thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam không mang đến một thỏa thuận thực tiễn như đã đề cập ở trên thì chắc chắn cả ông Trump và ông Kim Jong-un sẽ phải hứng chịu nhiều “búa rìu dư luận” cả trong nước lẫn quốc tế. Không ai biết trước Tổng thống Trump sẽ tại vị trong báo lâu. Nếu vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể giải quyết được dưới thời của ông Trump thì nhiều khả năng hai bên sẽ lại quay trở về vị trí cũ đó là đối đầu nhiều hơn đối thoại.

Giới phân tích cho rằng, chỉ có thể bằng những động thái táo bạo, tích cực và đầy ý nghĩa cùng với cam kết chung về phi hạt nhân hóa, các bên mới có thể tạo ra bước đột phá lịch sử trên Bán đảo Triều Tiên và khuyến khích tất cả các bên liên quan hành động nhiều hơn nữa nhằm mang lại hòa bình cho khu vực. Nếu cả Mỹ và Triều Tiên thực sự có thiện chí thì thời điểm mà Hiệp ước hòa bình được ký kết, vũ khí hạt nhân cuối cùng bị loại bỏ khỏi Triều Tiên, các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ, quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên được thiết lập, sẽ không còn quá xa vời./.

Theo VOV.VN/Naitonal Interest