Mỹ tuyên bố khởi động cuộc chiến trí tuệ nhân tạo

Cập nhật, 06:22, Chủ Nhật, 17/02/2019 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Donald Trump khai chiến cuộc chiến trí tuệ nhân tạo với Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump hôm 11/2/2019 đã ra lệnh cho chính quyền Mỹ phải đặc biệt ưu tiên phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Lĩnh vực này đang là một trong những tâm điểm cuộc đối đầu của Mỹ và Trung Quốc ẩn sau cuộc chiến về cán cân thương mại song phương.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh Sáng kiến AI Mỹ. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh Sáng kiến AI Mỹ. Ảnh: Getty Images

Sắc lệnh “Sáng kiến AI Mỹ” kêu gọi Washington “tập trung mọi nguồn lực của chính quyền liên bang” để góp sức cho nỗ lực phát triển AI.

“Người Mỹ nhận được lợi ích to lớn khi trở thành những nhà phát triển đầu tiên và dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, trong lúc nhịp độ sáng kiến AI tiếp tục tăng tốc trên khắp thế giới, chúng ta không thể ngồi yên một cách thụ động và cho rằng vị thế dẫn đầu luôn được đảm bảo”- tuyên bố từ Nhà Trắng nêu rõ.

Sáng kiến về AI nêu rõ: “Chúng tôi phải đảm bảo rằng những tiến bộ trong AI vẫn được thúc đẩy bởi sự khéo léo của người Mỹ, phản ánh các giá trị của Mỹ và được áp dụng vì lợi ích của người dân Mỹ”.

Trang The Verge- trang tin tức công nghệ và mạng lưới truyền thông nổi tiếng của Mỹ- cho hay, mục tiêu của Sáng kiến AI Mỹ được chia thành 5 lĩnh vực chính:

Thứ nhất, nghiên cứu và phát triển. Các cơ quan liên bang sẽ được yêu cầu đầu tư vào AI trong ngân sách cho phép. Yêu cầu các cơ quan này phải lập kế hoạch để tạo ra một chương trình toàn diện hơn về sự đầu tư của Chính phủ vào AI.

Thứ hai, giải phóng tài nguyên. Dữ liệu liên bang, thuật toán và sức mạnh xử lý dữ liệu sẽ được cung cấp cho các nhà nghiên cứu nhằm phát triển các lĩnh vực công cộng như giao thông vận tải và chăm sóc
sức khỏe.

Thứ ba, chuẩn mực đạo đức. Các cơ quan Chính phủ như Văn phòng Chính sách khoa học và công nghệ của Nhà Trắng và Viện Tiêu chuẩn công nghệ quốc gia (NIST) sẽ được yêu cầu thiết lập các tiêu chuẩn nhằm hướng dẫn sự phát triển của các hệ thống AI đáng tin cậy, mạnh mẽ và đáng tin cậy, an toàn và có thể tương tác.

Thứ tư, tự động hóa. Các cơ quan sẽ được yêu cầu chuẩn bị cho người lao động thay đổi thị trường việc làm gây ra bởi công nghệ mới. Đồng thời tăng cường học bổng và học nghề.

Thứ năm, tiếp cận quốc tế. Chính quyền muốn hợp tác với các quốc gia khác về phát triển AI, nhưng thực hiện theo cách giữ lại các giá trị và lợi ích của người Mỹ.

Trang The Verge đánh giá, sự dẫn đầu của Mỹ về AI một phần là do khả năng thu hút nhân tài nước ngoài nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng các nhà nghiên cứu đang ngày càng bị giảm đi bởi những tuyên bố chống nhập cư của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và những lời hứa hạn chế quyền tự do thị thực.

Sắc lệnh về AI Mỹ được ban bố trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều quan ngại cho rằng Trung Quốc sẽ “soán ngôi” của Mỹ trong các lĩnh vực then chốt của AI. Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 150 tỷ USD vào năm 2030 với mục tiêu trở thành nước AI đứng đầu thế giới.

Trong một nghiên cứu của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên Hợp Quốc (WIPO) công bố cuối tháng 1, Mỹ đang dần thua Trung Quốc trong cuộc chiến về trí tuệ nhân tạo.

Trung Quốc chiếm 17 trong số 20 viện hàng đầu tham gia cấp bằng sáng chế AI và đặc biệt mạnh trong lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh là “học sâu” (deep learning), một loại công nghệ học máy, như các hệ thống nhận dạng lời nói.

Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry nhận định, Trung Quốc là “người chơi quan trọng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” với số lượng lớn nhất các đề nghị công nhận bằng sáng chế trong nước.

ĐÔNG PHƯƠNG (theo ĐVO)