Giải cứu đội bóng: Bất ngờ về tình trạng bất động của những người được cứu

Cập nhật, 09:52, Thứ Ba, 10/07/2018 (GMT+7)

Cuộc họp báo được tổ chức tối 9/7, không lâu sau khi chiến dịch giải cứu ở hang động Tham Luang kết thúc ngày thứ hai thành công với việc đưa được thêm 4 em đến bệnh viện. Có chi tiết bất ngờ là những người được cứu đều nằm bất động.

Cuộc họp báo tối 9/7 xung quanh chiến dịch giải cứu ở hang động Tham Luang - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Cuộc họp báo tối 9/7 xung quanh chiến dịch giải cứu ở hang động Tham Luang - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Ông Narongsak Osottanakorn, chỉ huy chiến dịch giải cứu, mở đầu cuộc họp báo.

"Tôi xin được báo cáo chính thức về những công việc hôm nay. Các thành viên trong chiến dịch rất quan tâm và lo lắng đến trách nhiệm cũng như quan tâm tới các em. Nhân dịp này, chúng tôi báo cáo đã cứu được 4 người từ lúc 11h trưa và chuyển về bệnh viện an toàn. Người cuối cùng được chuyển đến lúc 21h03" - ông nói.

Chiến dịch giải cứu ngày 9/7 diễn ra lúc 11h trưa nay, với sự tham gia của đông đảo tình nguyện viên và lực lượng giải cứu chính. 

Ông Narongsak nhấn mạnh chiến dịch ở ngày thứ hai có số lượng người tham gia đông hơn, chuyên nghiệp hơn: “Số lượng người là hơn 100 với 18 thợ lặn và thực hiện nhanh hơn hôm qua hai tiếng”. 

Trước đó, báo Khaosod cho hay người đầu tiên được cứu khỏi hang Tham Luang hôm nay (9/7) lúc 16h45, nhanh hơn một tiếng so với người đầu tiên được cứu hôm qua.

Sau khi cứu được tổng cộng 8 người, nhà chức trách Thái Lan tạm dừng chiến dịch và sẽ cứu 5 người còn lại sau. 

Tại cuộc họp báo tối nay, ông Narongsak cũng nhấn mạnh về tính cần thiết của việc ngăn chặn hậu quả cũng như rút kinh nghiệm sau vụ việc. 

“Qua sự việc này, chúng ta sẽ rút ra những bài học và dạy dỗ các em, không nên để những việc này xảy ra cũng như có công tác chuẩn bị tốt hơn để phòng những trường hợp đáng tiếc. Tôi tin rằng cũng có những chi tiết nhỏ chúng ta sẽ giải quyết sau” - ông Narongsak nói. 

Phóng viên Tuổi Trẻ Online có mặt tại bệnh viện Chiang Rai từ sáng 9/7. Trong ngày, PV đã ở gần được cầu thủ nhí thứ 5 được cứu ra khỏi hang Tham Luang trong ngày giải cứu thứ hai.

Khi đó cậu bé đang trong tình trạng bất động. Các phóng viên phương Tây cũng đặt dấu hỏi về sức khỏe của các em. Họ cho hay khi thấy các em được đưa ra khỏi trực thăng về bệnh viện đều không em nào cử động

Trực thăng của Cảnh sát Hoàng gia Thái hoạt động đến tận tối 9/7 tại sân bay Chiang Rai khi đưa một thành viên được cứu ra xe cứu thương về bệnh viện - Ảnh: REUTERS
Trực thăng của Cảnh sát Hoàng gia Thái hoạt động đến tận tối 9/7 tại sân bay Chiang Rai khi đưa một thành viên được cứu ra xe cứu thương về bệnh viện - Ảnh: REUTERS

Ngay trong thời điểm chiến dịch giải cứu diễn ra, ông Narongsak đã rời vị trí tỉnh trưởng Chiang Rai. Ông Prachon Pratsakun chính thức thay thế ông Narongsak hôm 8/7. 

Đây là một quyết định nhận không ít phản đối từ dư luận và mạng xã hội tại Thái Lan. Tuy vậy, ông Narongsak vẫn đang tiếp tục chỉ huy chiến dịch giải cứu.

Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ Online, cuộc họp báo diễn ra hết sức vui vẻ khi tất cả thành viên chủ trì họp báo đều cười khi cập nhật thông tin.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha được biết đã đi sang Bệnh viện Chiang Rai Prachanukroh động viên các nhân viên và những em đã được cứu trong hai ngày qua. 

Theo lời ông Narongsak, Thủ tướng Prayut cũng sẽ có bữa tiệc cảm ơn thành viên tham gia đội cứu hộ.

Kết thúc ngày cứu hộ thứ hai, chiến dịch đã có cuộc họp chuẩn bị cho ngày giải cứu tiếp theo. Ông Narongsak cho biết thời gian cụ thể sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình thời tiết, nhưng "tôi nghĩ là không có gì phải lo lắng, nếu tất cả sẵn sàng thì chúng ta sẽ tiến hành".

Về hướng xử lý sắp tới, phía nhà chức trách cho rằng hôm nay đã hành động nhanh được hơn 4 tới 5 tiếng, và kêu gọi mọi người đừng sốt ruột hay nghi ngờ về tương lai của 5 người còn kẹt trong hang. 

Theo đó, cũng nên thông cảm vì cần đến 20 tiếng để có thể đưa các dụng cụ hỗ trợ vào trong hang cho mỗi lần giải cứu.

Trong hai ngày 8 và 9/7, chiến dịch giải cứu đều do nhóm 18 người thực hiện trực tiếp, bao gồm 13 thợ lặn quốc tế và 5 thành viên đặc nhiệm Seal Hải quân Thái Lan.

Theo ông Narongsak, chiến dịch đã có kế hoạch giải cứu cho 4 người từng đợt, nhưng sau đó cũng có kế hoạch riêng cho 3 người hoặc 5 người. Nếu chiến dịch có thay đổi kế hoạch thì bộ phận thợ lặn cũng phải thay đổi kế hoạch, trong khi nhà chức trách không thể can thiệp vào công việc của bộ phận này.

Theo TRẦN PHƯƠNG - NHẬT ĐĂNG (TTO)