FBI tóm 'trùm' độ Blackberry dành cho giới tội phạm

Cập nhật, 15:42, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

Phối hợp với các nhà điều tra Úc và Canada, cơ quan điều tra FBI của Mỹ đã tóm được ông trùm một công ty công nghệ chuyên bán các điện thoại mã hóa để giúp bọn tội phạm ma túy "phá sóng" cảnh sát.

Cảnh sát điều tra FBI của Mỹ đã phối hợp cùng các nhà điều tả Úc và Canada để phá phi vụ làm ăn bất chính của Phantom Secure - Ảnh: AFP
Cảnh sát điều tra FBI của Mỹ đã phối hợp cùng các nhà điều tả Úc và Canada để phá phi vụ làm ăn bất chính của Phantom Secure - Ảnh: AFP

Như một ngành kinh doanh hái tiền, một số công ty công nghệ ở Mỹ nhiều năm qua đã tạo ra những chiếc điện thoại "mã hóa" giúp chủ nhân của chúng khó mà bị theo dõi.

Đó thường là những chiếc Blackberry hoặc các điện thoại chạy Android mà đôi khi bị gỡ luôn cả camera cũng như microphone, và chỉ được dùng để gửi tin nhắn mật trong một mạng lưới riêng tư.

Phi vụ xuyên quốc gia

Tuy nhiên, một điều đáng trách là có một số công ty, chỉ vì lợi nhuận, đã bán những chiếc điện thoại này cho các tổ chức tội phạm.

Theo trang công nghệ Motherboard, vừa qua, Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ ông Vincent Ramos - giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập công ty Phantom Secure. Đây cũng là một trong những công ty làm ăn bất chính như thế.

Một nguồn tin thân cận cho tờ Motherboard biết rằng một đơn kiện đã được đệ lên Tòa án khu vực liên bang phía nam California (S.D. Cal.) vào ngày 8-3 (cùng ngày ông Ramos bị bắt), với cáo buộc ông Ramos đã tiếp tay cho các nhóm tội phạm ma túy kiếm tiền phi pháp.

Theo đơn kiện do đặc vụ Nicholas Cheviron của FBI chấp bút, các thành viên băng đảng Sinaloa của trùm ma túy khét tiếng Joaquin "El Chapo" Guzman cũng đã mua điện thoại của công ty Phantom. Sinaloa là một hai băng đảng ma túy lớn nhất tại Mexico.

Để có bằng chứng về hoạt động tội phạm của Phantom, Cảnh sát hoàng gia Canada (RCMP) đã giả dạng làm những người buôn ma túy và đặt mua thiết bị của Phantom.

Khi cảnh sát ngầm của RCMP hỏi rằng liệu việc gửi những tin nhắn kiểu như "gửi MDMA tới Montreal" có an toàn hay không, phía Phantom trả lời rằng việc đó "hoàn toàn ổn". MDMA là tên gọi một chất ma túy tổng hợp rất nguy hiểm.

Để khai thác thông tin, Cảnh sát Canada cũng giả vờ báo một thành viên của nhóm hiện đã bị nhà chức trách tóm và các bằng chứng buộc tội hiện còn lưu trên điện thoại của thành viên này, do đó muốn nhờ Phantom xóa các dữ liệu trên thiết bị.

Trong quá trình điều tra, các đặc vụ chìm cũng đã gặp ông Ramos ở thành phố Las Vegas vào tháng 2-2017. "Chúng tôi làm ra chúng và chúng tôi cũng chuyên chế tạo cho mục đích này (buôn ma túy)" - đơn kiện dẫn lại lời ông Ramos nói với các đặc vụ vào thời điểm đó.

Luật sư ông Ramos hiện chưa phản hồi khi được hỏi về vụ bắt giữ cùng cáo buộc trên.

"Đơn giản hóa" nhưng lại thông minh!

Đơn kiện nói rằng nói rằng trường hợp ông Ramos cũng như Phantom không phải "tình cờ" dính dán tới các băng đảng. Nó không giống với Apple và Samsung khi điện thoại của các hãng này vô tình bị một kẻ xấu mua về dùng.

Chính Phantom đã cố ý tạo ra những sản phẩm chuyên dành cho tội phạm sử dụng. Công ty này đã được thành lập kể từ năm 2008. Phantom được cho đã bán các thiết bị như vậy tại Mexico, Cuba, Venezuela cũng như nhiều nơi khác.

Cơ quan điều tra FBI ước tính khoảng 20.000 thiết bị của Phantom đang được dùng trên toàn cầu. Trong số này có khoảng một nửa là ở Úc, giúp mang lại nguồn doanh thu hàng chục triệu USD cho Phantom.

Ngoài việc gỡ camera và microphone khỏi các thiết bị Blackberry, Phantom cũng loại bỏ chức năng định vị toàn cầu GPS, lướt web cũng như dịch vụ nhắn tin truyền thống.

Sau đó, Phantom sẽ cài một phần mềm có tên Pretty Good Privacy (PGP) cho phép người dùng gửi các tin nhắn mã hóa. Các tin nhắn này sẽ được điều hướng thông qua các server đặt ở nước ngoài.

Trong trường hợp này, Hong Kong và Panama là "những quốc gia được Phantom tin tưởng là không sẵn sàng hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật", theo đơn kiện.

Việc đơn giản hóa các tính năng trong điện thoại cũng như phần mềm được Phantom cài vào đã giúp bọn tội phạm có thể liên lạc với nhau một cách bí mật, tránh sự theo dõi của lực lượng chức năng.

Thậm chí người của công ty Phantom còn có thể xóa sạch dữ liệu từ xa nếu điện thoại bị nhà chức trách tịch thu.

Năm 2016, các nhà điều tra Hà Lan từng bắt chủ sở hữu công ty Ennetcom vì cung cấp điện thoại mã hóa cho các sát thủ, các nhóm buôn ma túy và nhiều tội phạm nghiêm trọng khác.

Năm 2017, nhà chức trách Hà Lan cũng bắt các nghi phạm liên quan tới hãng điện thoại PGP Safe với cáo buộc tương tự.

Theo TTO