Nga tiết lộ điều Triều Tiên mong muốn nhất ở Mỹ

Cập nhật, 17:48, Thứ Sáu, 08/12/2017 (GMT+7)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 7/12 đã tiết lộ điều Triều Tiên mong muốn nhất từ Mỹ để giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh: Reuters)

“Chúng tôi hiểu rằng điều Triều Tiên mong muốn nhất là đàm phán với Mỹ về việc đảm bảo cho an ninh của Triều Tiên”, Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế ở Vienna, Áo ngày 7/12.

Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã chuyển thông điệp trên của Bình Nhưỡng tới Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi hai ngoại trưởng có cuộc hội đàm bên lề phiên họp của Hội đồng Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna.

“Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ sáng kiến này. Chúng tôi sẵn sàng tham gia vào việc xúc tiến các cuộc đàm phán như vậy. Các đối tác Mỹ của chúng tôi, trong đó có ông Rex Tillerson, đã lắng nghe điều đó”, Ngoại trưởng Lavrov cho biết thêm.

Theo Ngoại trưởng Lavrov, ông và Ngoại trưởng Tillerson đã cùng trao đổi về tình hình bán đảo Triều Tiên trong cuộc hội đàm tại Vienna.

“Lập trường của chúng tôi trong vấn đề này không thay đổi. Chúng tôi tin rằng vòng xoáy căng thẳng và khiêu khích phải được chấm dứt”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov ngày 5/12 nói rằng Triều Tiên quan tâm tới đề xuất sử dụng công cụ ngoại giao của Nga và Trung Quốc nhằm tìm ra giải pháp cho căng thẳng trong khu vực.

Đề xuất do Nga và Trung Quốc đưa ra bao gồm việc Mỹ và Hàn Quốc dừng các cuộc tập trận quân sự chung để đổi lấy việc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi, từ đó dẫn tới các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như với các bên liên quan.

Tuy nhiên, Mỹ không ủng hộ đề xuất trên của Nga và Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói rằng các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên sẽ không được đưa ra xem xét cho tới khi Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn tham vọng hạt nhân.

Theo Dân trí