Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tìm hướng chấm dứt căng thẳng ngoại giao

Cập nhật, 14:00, Thứ Năm, 19/10/2017 (GMT+7)

Ngày 18/10, các nguồn tin thuộc Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này và một phái đoàn Mỹ đang ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí tiếp tục đàm phán nhằm sớm giải quyết những bất đồng về ngoại giao vốn khiến cho 2 quốc gia phải đình chỉ các dịch vụ cấp thị thực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC ngày 16/5. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC ngày 16/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo những nguồn tin trên, hai bên đã thảo luận theo hướng mang tính xây dựng việc thành lập một ủy ban chung về các vấn đề an ninh và pháp lý. 
  
Trước đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ hầu hết các dịch vụ cấp thị thực trong bối cảnh bất đồng ngoại giao đang lan rộng sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên lãnh sự Mỹ bị cáo buộc có liên quan tới giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người mà Ankara cho là đứng sau âm mưu đảo chính bất thành hồi năm 2016. 

Căng thẳng giữa hai nước nảy sinh từ tuần trước sau khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ Metin Topuz, nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul, do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016. 

Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt giữ thêm một nhân viên khác làm việc cho lãnh sự quán Mỹ.

Đây là một trong những căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này. 

Kể từ sau cuộc đảo chính quân sự bất thành làm 246 người thiệt mạng và hơn 2.000 người bị thương, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hơn 50.000 người tình nghi liên quan tới phong trào của giáo sĩ Gulen và sa thải 150.000 viên chức, trong đó có giáo viên, cảnh sát, binh lính. Một số nước phương Tây đã lên tiếng chỉ trích hoạt động này của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tuy nhiên, chính quyền Ankara nêu rõ hành động này giúp dập tắt mối đe dọa từ mạng lưới do Giáo sĩ Gulen đứng đầu vốn đã thâm nhập vào các cơ quan như quân đội, tòa án và trường học. Giáo sĩ Gullen vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc liên quan, đồng thời cũng lên án cuộc đảo chính.

Theo TTXVN/Báo Tin Tức