Pháp thành lập chính phủ mới

Cập nhật, 13:35, Thứ Năm, 22/06/2017 (GMT+7)
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe. (Ảnh: Le Figaro)
Thủ tướng Pháp Édouard Philippe. (Ảnh: Le Figaro)

Sau khi hoàn tất cuộc chinh phục quyền lực một cách ngoạn mục cả về lập pháp và hành pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuyển sang giai đoạn hành động.

Bước đi đầu tiên đó là xây dựng một chính phủ trong sạch với một số thay đổi, cải tổ sâu sắc được công bố vào cuối ngày 21/6 nhưng vẫn cân bằng sự tham gia của các đảng phái khác nhau.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai diễn ra vào ngày 18-6, có sáu bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Édouard Philippe đã đắc cử.

Chính vì vậy dự kiến không có nhiều thay đổi hay điều chỉnh đối với chính phủ mới được thành lập theo luật định. Tuy nhiên, ngay trước khi chính phủ mới được công bố, có bốn Bộ trưởng Quốc phòng, Tư pháp, Quy hoạch - Phát triển và phụ trách các vấn đề châu Âu đã từ chức vì có những cáo buộc về vấn đề tài chính.

Đầu tiên là Bộ trưởng Quy hoạch - Phát triển Richard Ferrand, một người thân cận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đang phải đối mặt với cáo buộc về các giao dịch tài chính "mờ ám" liên quan đến một hợp đồng thuê bất động sản, được cho là có lợi cho vợ ông, vào năm 2011 - thời điểm ông là Giám đốc Công ty bảo hiểm y tế Mutuelles de Bretagne.

Tiếp đó là ba Bộ trưởng thuộc đảng cánh trung Phong trào Dân chủ (MoDem). Là một đồng minh quan trọng đóng góp vào chiến thắng của Tổng thống E. Macron và đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM), MoDem bị các công tố viên Paris điều tra về những cáo buộc được đăng tải trên tờ báo Canard Enchaine, cho rằng MoDem sử dụng các nguồn quỹ của Nghị viện châu Âu để trả lương cho các trợ lý của đảng này ở Pháp.

Thành phần trong chính phủ mới của Thủ tướng Édouard Philippe gồm 20 Bộ trưởng và 10 Quốc vụ khanh, cân bằng số nữ và nam như chính phủ cũ, từ 31-70 tuổi và có 11 gương mặt mới và nhiều hơn bảy người so với chính phủ cũ.

Hai nhân vật thân cận của ông Macron là Benjamin Griveaux và Julien Denormandie được bổ nhiệm vào vị trí Quốc vụ khanh. Sự kết hợp giữa các đảng phái khác nhau tiếp tục được duy trì nhưng những gương mặt từ xã hội dân sự chiếm một nửa.

Đảng MoDem vẫn được bù đắp sau sự ra đi của ba nhân vật chủ chốt trong chính phủ cũ, đó là hai Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng, bà Jacqueline Gourault và bà Geneviève Darrieussecq.

Đối với sự lựa chọn này, Thủ tướng Édouard Philippe cho biết đảng MoDem do ông François Bayrou thành lập vẫn luôn là một trong những trụ cột quan trọng trong nội các mới.

Cánh hữu có năm người trong đó bà Nicole Belloubet giữ chức Bộ trưởng Tư Pháp. Sự hiện diện của cánh hữu được gia tăng thêm hai vị trí so với lần trước gồm Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng Sinh thái và Đoàn kết và Quốc vụ khanh bên cạnh Bộ trưởng chuyên trách châu Âu và ngoại giao.

Những nhân vật chủ chốt của đảng Xã hội đi theo đảng LREM cũng nhận được được chức Bộ trưởng Nông nghiệp, Tư pháp và Quốc phòng. Bước đi này cho thấy ông Macron muốn xóa tan những chỉ trích cho rằng chính phủ cũ quá thiên hữu, đồng thời thu hút thêm sự tham gia của các thành viên khác thuộc đảng Xã hội.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Pháp đã chủ trương xây dựng một bộ máy mới gồm các yếu tố "gọn nhẹ, cân bằng và sạch.

“Lần đầu tiên một phụ nữ là bà Sylvie Goulard được bổ nhiệm làm Bộ trưởng phụ trách các lực lượng quân đội (Bộ trưởng Quốc phòng) nhưng chỉ đảm nhiệm vị trí này được hơn một tháng. Người thay thế là bà Florence Parly.

Đúng như những gì vẫn diễn ra trên chính trường Pháp trong thời gian vừa qua, những vị trí trong chính phủ bị chỉ trích hay cáo buộc về vấn đề gì bất thường đều không tồn tại lâu. Báo chí Pháp đưa ra bình luận rằng "sự minh bạch đối với quá khứ sẽ cho phép xây dựng tương lai".

Điều này đã diễn ra ngay từ lúc chuyển giao quyền lực khi ông Macron đặt ra những yêu cầu rất cao đối với các vị trí trong chính phủ. Theo đó, tất cả các thành viên trong nội các phải có kế hoạch cũng như cam kết hành động cụ thể và bị thay thế ngay nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Dù không còn đối tác quan trọng theo đường lối ôn hòa, ông François Bayrou, trong chính phủ mới, diễn biến mới này cho thấy Tổng thống E. Macron muốn tạo được uy tín lớn hơn để chính phủ tiến bước nhanh hơn cùng sự hậu thuẫn của đa số trong Quốc hội.

Bên cạnh lợi thế về quyền lực, Tổng thống Pháp còn đón nhận tín hiệu tích cực về mặt phát triển kinh tế khi mức tăng trưởng GDP của Pháp được dự báo ở mức 1,6%, mức tăng trưởng cao nhất trong sáu năm qua.

Cán cân chính trị mới cộng với hoạt động kinh tế năng động hơn là cơ hội để Tổng thống E. Macron tạo nên thay đổi quan trọng cho nước Pháp.

Theo KHẢI HOÀN( NDĐT)