Nước Anh chính thức khởi động Brexit

Cập nhật, 14:21, Thứ Năm, 30/03/2017 (GMT+7)

Hãng BBC đưa tin Thủ tướng Anh Theresa May đã ký bức thư lịch sử, chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm nhằm chấm dứt tư cách thành viên của Anh trong khối Liên minh châu Âu (EU) sau 44 năm.

Thủ tướng Anh Theresa May ký bức thư lịch sử
Thủ tướng Anh Theresa May ký bức thư lịch sử

Hướng tới Brexit suôn sẻ

Tại Brussels (Bỉ), Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow đã trao tận tay Chủ tịch Hội đồng châu Âu lá thư của Thủ tướng May. Nội dung của bức thư chính thức thông báo với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk về ý định rời EU của Anh bằng cách kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. 

Theo báo chí Anh, mặc dù không loại trừ khả năng Thủ tướng May có thể bày tỏ quan điểm đưa nước Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận nào, song các diễn biến mới nhất cho thấy Chính phủ Anh đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đưa ra lập trường mềm mỏng hơn trong các vấn đề như: vai trò của Tòa án Công lý châu Âu, phí rời EU khoảng 57 tỷ EUR, quyền của các công dân EU mới đến nước Anh, vấn đề tăng cường quan hệ an ninh giữa Anh và EU.

Lập trường mềm mỏng nhằm tránh sự đổ vỡ cho mối quan hệ kéo dài 44 năm qua giữa Anh và EU. Cùng ngày, bà May có bài phát biểu trước Quốc hội Anh về vấn đề này. 

Trong một tuyên bố, 27 nước còn lại trong EU nhấn mạnh liên minh này sẽ “hành động như một” và bảo vệ các lợi ích của mình trong các cuộc thương lượng sau khi Anh kích hoạt Brexit. 

27 nước này nêu rõ: “Trong các cuộc thương lượng này, EU sẽ hành động như một và bảo vệ các lợi ích của mình”. Những nước này sẽ ưu tiên giải quyết một vụ chia tay gọn gàng.

Tuyên bố cũng cho biết trong ngày 29-4 hội nghị thượng đỉnh EU về Brexit sẽ diễn ra tại Brussels để thông qua các khuyến nghị của Hội đồng châu Âu về đàm phán. Ông Donald Tusk thông báo EU công bố đường hướng chỉ đạo về việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31-3 tới. 

Sẵn sàng cho Brexit “cứng”

Mặc dù chính thức được khởi động, song cuộc đàm phán chính thức đầu tiên giữa Anh và EU sẽ diễn ra sau khi 27 nước thành viên EU thống nhất được thứ tự ưu tiên các vấn đề đàm phán, các nguyên tắc và cấu trúc của các cuộc đàm phán.

Các nhà ngoại giao cho rằng, phải tới cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên mới có thể bắt đầu.

Theo giới quan sát, những tháng đầu tiên trong tiến trình đàm phán là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cả hai bên, vì đó là thời gian để hai bên xác lập được những nguyên tắc căn bản cho tiến trình đàm phán. Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm không muốn thỏa hiệp.

Phía EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự trước khi nói đến đàm phán thương mại.

Cụ thể, Anh cần phải đồng ý về nghĩa vụ đóng góp tài chính của mình cũng như làm rõ quyền của 4 triệu dân nhập cư, gồm công dân EU tại Anh và công dân Anh tại EU. Trong khi đó, chính quyền Anh muốn tiến hành song song cả thủ tục cho “cuộc ly dị” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai, trong đó một hiệp định tự do thương mại. Quan điểm rõ ràng của Thủ tướng Theresa May là “không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi”. 

Trong trường hợp EU không thỏa hiệp, Thủ tướng Theresa May đã có giải pháp cho kịch bản Brexit “cứng”.

Đó là Anh sẽ thay đổi mô hình kinh tế sang hướng giống như của Singapore hiện nay, tức sẽ hạ thuế doanh nghiệp nước ngoài tại Anh xuống mức thấp nhất, tối giản các thủ tục, quy định kinh doanh cho các doanh nghiệp để cạnh tranh với EU.

Thực tế, thời gian qua cho thấy kinh tế Anh vẫn tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp của Anh ở mức thấp nhất trong mấy thập kỷ qua. 

Mặc dù một số tập đoàn đa quốc gia có kế hoạch chuyển một phần cơ sở ra khỏi Anh do lo ngại Anh có thể sẽ không được hưởng quyền tự do miễn trừ thuế vào thị trường EU như hiện nay, nhưng tất cả thừa nhận Anh vẫn là địa bàn quan trọng hàng đầu của họ.

Thậm chí, hiện nay một số tập đoàn, như các hãng xe hơi, vẫn tiếp tục rót tiền đầu tư, phát triển sản xuất tại Anh.

Theo SGGPO