Triều Tiên muốn nói gì qua vụ phóng tên lửa tầm xa?

Cập nhật, 20:19, Thứ Ba, 09/02/2016 (GMT+7)

Theo giới quan sát, việc Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh “Ngôi sao sáng”lên quỹ đạo Trái Đất, đã đưa quốc gia này vào câu lạc bộ 6 nước làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa và bước vào ngưỡng cửa của “câu lạc bộ vũ trụ”.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh minh họa: AP)
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh minh họa: AP)

Theo tin từ Đài truyền hình quốc gia Triều Tiên, tên lửa của nước này ngày 7/2 đã đưa vệ tinh quan sát Trái Đất mang tên “Ngôi sao sáng” lên quỹ đạo.

Trước ngưỡng cửa của “câu lạc bộ vũ trụ”

Được biết, vào cuối năm 2012, Triều Tiên đã đưa được một vệ tinh lên vũ trụ sau nhiều lần thất bại liên tiếp. Vụ phóng vệ tinh lần này cho thấy một bước tiến nữa của Bình Nhưỡng trong việc phát triển tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới Mỹ (10.000 km). Lần này vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên được tiến hành vào lúc 9h30 (giờ địa phương) ngày 7/2.

Theo giới nghiên cứu Triều Tiên đã từng là một bên ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng đã rút lui năm 2003 với lý do bị chính sách thù địch của Mỹ đe dọa và năm 2006 vụ thử hạt nhân đầu tiên đã diễn ra.

Ngày 25/5/2009, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 2, vụ nổ đã gây ra một cơn địa chấn mạnh 4,7 độ Richter. Ngày 12/2/2013, Triều Tiên lại tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 3 với độ mạnh 5,1 độ Richter. Ngày 5/1/2016, Triều Tiên tiến hành vụ thử được gọi là bom nhiệt hạch (Bom H), nhưng sự chấn động cũng chỉ đo được 5,1 độ Richter.

Lần này, tên lửa của Triều Tiên được phóng từ phía Tây nước này bay qua vùng biển Hoàng Hải và tầng thứ 3 của tên lửa đã đi vào quỹ đạo. Theo các giới chức Mỹ, tên lửa lần này đã không tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh.

Trước đó, tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 của Triều Tiên được ra mắt lần đầu tiên trong một cuộc diễu binh (4/2012) và đến cuối năm 2012 Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đẩy Unha-3, mang vệ tinh Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo.

Unha-3 được cải tiến trên cơ sở tên lửa đạn đạo ba tầng, dài 30m, tầm phóng hơn 5.000km là Teapodong-2. Unha-3 gồm 3 tầng động cơ: Tầng 1 là động cơ nhiên liệu lỏng cháy trong 120 giây; tầng 2 động cơ nhiên liệu lỏng cháy trong 110 giây và tầng 3 động cơ nhiên liệu rắn cháy trong 40 giây.

Công nghệ phát triển tên lửa đẩy của Triều Tiên đã trải qua 3 lần thất bại (8/1998, 4/2009, 4/2012). Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã có bước đột phá trong công nghệ động cơ tên lửa và họ đã điều chỉnh thành công các tham số của Unha-3 trong vụ phóng ngày 12/12/2012.

Sự thành công của loại tên lửa đẩy 3 tầng, chiều dài hơn 30m, tầm phóng khoảng 6.000-7.000km đã mở ra cơ hội chế tạo thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa của nước này, bởi chúng hoàn toàn tương đồng về cấu trúc và cơ chế phóng.

Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa mang “Unha-3”, Hải quân Hàn Quốc đã trục vớt từ đáy biển Hoàng Hải thùng chứa chất ô-xy hóa và các mảnh của tầng thứ nhất của tên lửa này. Các chuyên gia tên lửa Mỹ và Hàn Quốc đã kết luận: Tên lửa này có thể mang đầu nổ tác chiến khối lượng 500 đến 600kg và có tầm bay khoảng 10.000 km, đồng nghĩa với tầm bắn xuyên lục địa.

Một bằng chứng khác là vào cuối tháng 7/2014, các bức ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Triều Tiên có thể đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm động cơ của một tên lửa đạn đạo liên lục địa, với các giàn đỡ tại bệ phóng chính đã cao trên 50m, tương ứng với độ cao ở các giá phóng tên lửa liên lục địa.

Với thành công của Unha-3 có tầm bắn khoảng 10.000km và tên lửa đạn đạo KN-08, Triều Tiên đã trở thành nước thứ 6 làm chủ công nghệ phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM), chỉ đứng sau Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc.

Việc phát triển thành công ICBM là một bước nhảy tạo nền tảng đưa Triều Tiên thành quốc gia sở hữu ICBM và vũ khí hạt nhân, khiến tham vọng trở thành “cường quốc hạt nhân” với khả năng tấn công hủy diệt xuyên lục địa trở thành hiện thực.

Có thể trả giá đắt

Ngay sau vụ phóng ngày 7/2, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã đồng loạt lên tiếng phản đối hành động này của Triều Tiên, cáo buộc đây thực chất là một vụ thử công nghệ tên lửa đạn đạo mà Bình Nhưỡng bị cấm theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).

Phát biểu trước báo giớ tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Abe nói vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là không thể chấp nhận được và là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice ra một tuyên bố: “Một lần nữa cho thấy hành động gây bất ổn và gây hấn của Triều Tiên, một sự vi phạm trắng trợn nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Triều Tiên đang phát triển một tên lửa có tên Taepodong-2 có tầm bắn 10.000 km. Với tầm bắn như vậy, tên lửa này có khả năng vươn tới bờ biển phía Tây của Mỹ.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên và coi đây là “sự vi phạm nguy hiểm và nghiêm trọng” các nghị quyết của Hội đồng bảo an. LHQ cũng cam kết sẽ “nhanh chóng thông qua một nghị quyết mới” với những biện pháp quan trọng nhằm đáp trả hành động gần đây nhất của Triều Tiên.

Ngày 7/2, Đại diện thường trực của Venezuela tại LHQ, Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng 2/2016 Rafael Ramirez cho biết: “Các thành viên của Hội đồng Bảo an lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên”.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an diễn ra chưa đầy một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa bất chấp cảnh báo từ cộng đồng quốc tế. Trong khi Triều Tiên biện hộ đây là vụ phóng các tên lửa nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo và nước này có quyền sử dụng không gian một cách hòa bình.

Như vậy, với việc phóng thành công tên lửa đẩy đưa “Ngôi sao sáng” vào quỹ đạo trái đất, Triều Tiên không chỉ là thành thành viên của “câu lạc bộ” các nước làm chủ công nghệ tên lửa đẩy tầm xa, mà còn sắp trở thành thành viên của “câu lạc bộ vũ trụ”.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng cũng phải trả giá vì Nghị quyết mới mà LHQ trừng phạt Triều Tiên lần này có những nội dung được coi là cứng rắn hơn nhiều so với 6 nghị quyết trước đây.

Nguồn: http://dantri.com.vn/the-gioi/trieu-tien-muon-noi-gi-qua-vu-phong-ten-lua-tam-xa-20160209152724654.htm