Tạp bút

Cuối Chạp đầu Giêng

Cập nhật, 05:36, Thứ Hai, 19/02/2024 (GMT+7)

 

Mới mấy hôm đâu, khi sương còn đọng trên những chiếc lá, chú Năm ra chăm bón giàn dưa leo và khổ qua đang cho trái, vài cây cải mần dưa xanh mướt, những chậu hoa vạn thọ đã bắt đầu trổ bông… Cái khoảng đất trống ấy vậy mà chú Năm trồng được nhiều loại rau đến thế. Mỗi khi đi ngang lòng rộn rã bởi mùi Tết.

Chú Năm kể, con chú rất thích ra giàn dưa leo, tự tay hái trái dưa và chùi chùi lớp phấn, cắn cái giòn ngọt tại giàn mới cảm nhận được cái ngon của trái dưa.

Lúc nhỏ chúng tôi cũng thế. Trốn cái nắng trưa “hét lửa” dưới giàn dưa leo, và không quên xé miếng lá chuối tươi cuốn thành chiếc quặn rót muối tiêu vào để hái dưa leo chấm cắn ta nói nó giòn ngọt làm sao!

Không chỉ riêng chú Năm mà không ít người muốn tự tay mình trồng, chăm những luống rau cải để ăn Tết. Để mâm cơm Tết thêm ý nghĩa đối với con với cháu.

Để khi cầm trái dưa leo, trái khổ qua thẳng đuột hay cọng rau không “tì vết” của sâu sia không nghĩ đến cảnh tượng được tưới tắm những chất không lành. Chỉ hành động của một hai người không đẹp lại làm lòng người không yên.

Cái ăn hàm chứa nhiều nét văn hóa. Chúng ta làm sao để miếng ăn mang nét đẹp vốn có. Cách trồng, kiểu bán buôn cũng vậy, thể hiện nét văn hóa con người, có thể phần nào nhận thấy được văn hóa của một vùng miền. Nhớ chị gái trồng hơn 20 công dưa Tết ở Tam Bình, nào dưa chưng An Tiêm, dưa không hạt, dưa đường…

Cuối tháng Chạp chị cắt bán cho thương lái. Nguyên cả ngày phải xem cân, chị ăn dưa để lót dạ vì không có thời gian để ngồi ăn bữa cơm huống hồ chi nấu. Lòng người mua ai cũng thấy an tâm, vì dưa ngon và lành.

Chị gái trồng dưa “cha truyền con nối” bảo, “ai trồng mà không xịt thuốc, bón phân nhưng đảm bảo cách ly đúng thời gian khuyến cáo à nghen. Đảm bảo. Cứ mua ăn thoải mái. Tui ăn thay cơm từ sáng tới giờ”. Hèn chi những người trong xóm lấy bao mua dưa chờ con đi làm xa về ăn Tết. Họ sợ lái cân hết.

Vì họ biết cách trồng, cách chăm bón của gia đình chị. Và mỗi người trong xóm ra mua chị lại biếu tặng mỗi người một trái ăn lấy thảo. Đóng dưa thật to vậy mà có 2 ngày lái và người dân ở gần đó mua gần hết. Tết này chị “ngon cơm” vì mỗi công dưa chị lời khoảng mười mấy, hai chục triệu một công.

Quay lại chuyện nhà chú Năm. Những năm về trước, mỗi năm nhà chú Năm đều nuôi con heo để mần chia thịt. Con heo Tết được nuôi trước đó gần cả năm heo mới vô tạ. Nó chỉ ăn rau, ăn cám, cơm thừa… Nhắc đến chuyện mần heo, nhớ cái không khí nhộn nhịp của những buổi sáng 27-28 Tết.

Một hai giờ sáng đã thức dậy làm heo. Sương còn đọng trên những tàu lá chuối những người phụ nữ trong chiếc nón lá, áo cặp lục đục đi chia thịt. Tiếng của cô Bảy rủ chị Ba, chú Tám rủ anh Tư đi chia thịt.

Một khung cảnh rôm rả ngày Tết. Người mua vài ký về làm lạp xưởng, kho rệu, gói bánh tét chuối đậu mở,… Mần heo ăn Tết là nét văn hóa của người Nam Bộ những năm về trước.

Giàn dưa leo của chú Năm những nụ hoa vẫn còn treo lung linh trong con gió nhưng khung cảnh rộn rịp mấy ngày Tết đã khép lại. Mau quá! Nhanh thật! Mới đó mà đã hết ba ngày Tết rồi.

Con chú cũng đã khởi hành để bắt đầu năm mới với lòng hoan hỉ. Trên tuyến đường QL1 những chiếc xe gắn máy nối đuôi nhau thành đoàn hướng TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… thẳng tiến. Trong phấn khởi, đầy niềm tin: Năm mới với nhiều niềm vui mới!

Năm mới khởi sự mới, với những niềm tin vào một năm mới với nhiều may mắn và an lành sẽ đến. Mỗi người sẽ có một niềm tin kiên định để xây dựng cho mình một tương lai xán lạn. Chúc mọi người gặt hái được nhiều thành công.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG