Lịch sử qua những "thước phim đỏ"

Cập nhật, 07:45, Chủ Nhật, 06/09/2020 (GMT+7)

 

Nhà quay phim lão thành Hồ Tây, lần giở những hình ảnh tư liệu xưa.
Nhà quay phim lão thành Hồ Tây, lần giở những hình ảnh tư liệu xưa.

Những sự kiện trọng đại của đất nước, những thời khắc lịch sử là những gì đã qua, những ghi chép, những câu chuyện kể của nhân chứng là cách để lưu giữ lại cho mai sau. Sự ra đời của nhiếp ảnh và hiện đại hơn là điện ảnh, chính là những tư liệu vô giá, chân thực nhất để mọi người, để thế hệ sau “nhìn thấy” được lịch sử.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước, sự ra đời của điện ảnh cách mạng, những nhà làm phim xuất sắc đã góp phần lớn vào công tác tuyên truyền, thúc giục tinh thần chiến đấu của quân và ta, quan trọng hơn những thước phim đỏ đã trở thành tài sản quý báu của quốc gia. Những câu chuyện kể của nhà quay phim chiến trường lão thành Hồ Tây (88 tuổi), càng cho chúng ta thấy giá trị của những thước phim chiến trường.

Sự ra đời điện ảnh cách mạng ở Tháp Mười

Theo ông Hồ Tây, trong cuộc triển lãm và mít tinh mừng kỷ niệm 2 năm ngày độc lập (2/9/1945- 2/9/1947) tại chợ Thiên Hộ (Đồng Tháp Mười), đồng bào và chiến sĩ ta đặc biệt hoan nghênh những bức ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc (Tổ Nhiếp ảnh Khu 8) chụp chiến sĩ ta thắng trận Vàm Nước Trong, trận Giồng Dứa, cùng cảnh Tây đi càn, giết hại nhân dân.

Đứng trước khung cảnh ấy, Tư lệnh Quân khu 8 Trần Văn Trà và Chính ủy Nguyễn Văn Vịnh mong muốn nếu những hình ảnh này mà cử động được thì tác dụng của nó sẽ vô cùng to lớn, động viên đồng bào và chiến sĩ ta”. Ngày 15/10/1947, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 ra quyết định thành lập Tổ Nhiếp- Điện ảnh Khu 8 (trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh khu).

“Giữa Đồng Tháp Mười toàn cây cỏ, chúng tôi đào giếng, đào ao chứa nước, máy móc thì hoàn toàn không có. Vậy mà, các cấp lãnh đạo kháng chiến hết lòng ủng hộ, chi số tiền chắt chiu cho kháng chiến mua sắm máy móc, móc nối với cơ sở ở Sài Gòn để họ mua giúp những vật dụng cần thiết bằng đường hợp pháp từ Paris về. Rồi bí mật chuyển ra vùng căn cứ là mất 2 tháng trời”- ông Hồ Tây nhắc lại những ngày đầu khai sinh ra nền điện ảnh cách mạng Tây Nam Bộ.

Những ngày đó, điện ảnh tưởng như “một trò chơi sang” chỉ có ở thị thành, đã được nâng tầm thành món ăn tinh thần, văn hóa không thể thiếu đối với chiến sĩ, đồng bào. Việc ra đời của Điện ảnh Khu 8- cơ sở làm phim đầu tiên trong cả nước. Lực lượng ban đầu rất ít ỏi, chỉ mới có mấy cán bộ vốn cầm máy ảnh như Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn. Chỉ có 8 người biết quay phim, còn lại 22 người phải cầm tay chỉ việc, học dần mọi thứ.

Muôn vàn khó khăn, muốn làm phim phải có nước ngọt, mà Đồng Tháp Mười chỉ có nước nhiễm phèn vừa chua vừa chát. Anh em thử ngâm thuốc vô chai để giữa lòng kinh, đến 1- 2 giờ sáng lượm cái chai lên lấy thuốc tráng phim.

Kết quả phim vẫn không đạt, mày mò mua sách vở từ tận Paris chuyển về mới biết cách phải có nước đá để làm lạnh phòng tối ngâm tráng phim, mà nước đá chỉ có ở lộ lớn, phải vượt qua nhiều đồn bót giặc, bơi xuồng tới Cai Lậy đi mua 3- 4 thùng đá. Để đảm bảo an toàn, buồng in tráng phim phải đặt trên… xuồng để dễ di chuyển tránh các trận càn và tiện mua nước đá…

Tháng 3/1948, Tổ điện ảnh đã thực hiện được nhiều bộ phim phóng sự: Lễ thụ phong Trung tướng Nguyễn Bình, Đồng tử quân Nam Bộ, Trường lục quân Khu 8, Binh công xưởng Khu 8…

Với trận Mộc Hóa, tổ bám sát Tiểu đoàn 307 quay được những cảnh rất kịp thời và sống động. Tháng 9/1948, bộ phim “Trận Mộc Hóa” hoàn thành một cách ngoạn mục.

Trong phim có cảnh bộ đội hành quân, xung phong vào đồn địch, thu chiến lợi phẩm, chiến thắng trở về trong sự đón chào nồng nhiệt của nhân dân, cảnh tên đồn trưởng người Pháp giơ cao tay xin hàng và binh lính Pháp ở trại tù binh. Khi bộ phim công chiếu, bà con nông dân Đồng Tháp Mười lần đầu tiên trong đời được thấy con người cử động trên màn hình, đã hò hét một cách thích thú.

Từ Khu 8, anh em được cử xuống Khu 7, Khu 9 giúp sức. Hàng loạt tác phẩm có giá trị lịch sử như: “Trận Mộc Hóa”, “Trận La Bang”, “Chiến dịch Trà Vinh- Cầu Kè”, “Chiến dịch Sóc Trăng”, “Hết đời đế quốc”, “Một năm Philatop ở Việt Nam”… đã lần lượt ra đời, đánh dấu những bước trưởng thành của đội ngũ làm phim chiến trường.

Nền móng của điện ảnh cách mạng nước nhà

Tháng 6/1950, 2 nhà quay phim của Điện ảnh Khu 9 là Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền đã lội bộ từ Đồng Tháp Mười ra Việt Bắc để quay những thước phim vô giá về Đại hội Đảng lần II.

Nhà quay phim- NSND Nguyễn Thế Đoàn đã có 2 tháng sống bên Bác Hồ để thực hiện những thước phim lịch sử đầu tiên về Bác ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông sang Trung Quốc in tráng và hoàn thành phim.

Đến đầu năm 1953 thì mang về Nam chiếu cho đồng bào miền Nam xem, đã trở thành sự kiện trọng đại của điện ảnh trong kháng chiến.

Phim về Bác Hồ được bà con đón nhận nồng nhiệt, bà con kéo tới sân đình, sân phơi lúa, trường học, phim chiếu không có ngày nào nghỉ, đến khi nào cuộn phim rách te tua thì thôi. 7- 8 máy chiếu chia nhau đi khắp các tỉnh, mà cho an toàn thì anh em chia nhau ra đứng canh mấy phía, xa cả trăm thước, nghe máy bay địch từ xa thì báo để bà con tháo chạy.

Năm 1951, các nhà làm phim của Điện ảnh Khu 8 là Mai Lộc, Nguyễn Phụ Cấn, Võ Thành Tắc, Nguyễn Công Son được điều ra Trung ương để xây dựng ngành điện ảnh. Từ Tây Bắc, đạo diễn Mai Lộc đã thực hiện phim tài liệu “Chiến thắng Tây Bắc” (1952), cũng đưa sang Trung Quốc in tráng, lồng nhạc và tiếng động. Đây là bộ phim tài liệu hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam đã được chiếu ở Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa.

Năm 1955, ông Hồ Tây ra Hà Nội. Khi ấy khi tổ chức điện ảnh 2 miền Đồi cọ và Bưng biền được hợp nhất tại Hà Nội, cùng nhau chung sức xây dựng Xưởng phim Việt Nam- xưởng phim chính quy đầu tiên của nước ta. Anh em điện ảnh Nam Bộ khá đông, tham gia hầu hết các bộ phận, in tráng, dựng phim…

Đó là: Khương Mễ, Mai Lộc, Vũ Sơn, Nguyễn Đảnh, Lý Cương, Hồ Tây, Cao Thành Nhơn, Nguyệt Hải, An Sơn, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền, Nguyễn Phụ Cẩn, Nguyễn Chính,… những nhà làm phim tiền phong tiếp tục có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng nền điện ảnh Việt Nam sau này.

Một phóng viên chiến trường đang tác nghiệp (ảnh do ông Hồ Tây cung cấp).Ảnh tư liệu
Một phóng viên chiến trường đang tác nghiệp (ảnh do ông Hồ Tây cung cấp).Ảnh tư liệu

Ông Hồ Tây nhớ về kỷ niệm nhiều nhất ở lần đi quay phim ở Trà Vinh: “Đó là một trong những trận ác liệt nhất, chỉ trong vòng 1 tháng mà giải phóng 3 huyện: Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè. Trong đợt địch ra quân, trinh sát mình leo lên cây đếm đến 140 chiếc xe tăng. 9 giờ sáng nổ súng, mà mình “oánh” xà quầng, xa quầng tới 6 giờ chiều xong, tôi về tới đơn vị 9 giờ tối, quân mình bị thương nằm la liệt, 2 quay phim phụ cùng với tôi đều hy sinh hết”.

Ngày khánh thành Bia Chiến thắng trận Mộc Hóa, tôi về tụ họp với các anh em, quá xúc động. Từ đó đến nay, hơn 25 năm, tôi đi tìm từng tấm hình, từng thước phim mà các anh em còn lưu giữ lại.

Những năm tháng còn lại, nhà quay phim lão thành của điện ảnh cách mạng còn một ao ước: “Hồi đó bom rơi đạn lạc, bị càn bố, địch nhảy dù tấn công… khổ gấp ngàn lần bây giờ mà anh em vẫn quay phim được và giữ gìn cho đến bây giờ. Nên có một cơ quan chịu trách nhiệm sưu tầm lại, hệ thống, đem ra phơi sấy, phục hồi… chứ cất riết hư hết trơn hết trọi. Những thước phim kháng chiến ghi lại thời khắc quý giá, phải được giới thiệu, phải là “mũi nhọn” của phim điện ảnh, phim truyện hôm nay để thế hệ trẻ hiểu được và biết quý trọng những gì đã diễn ra…”.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ