Nghe hạnh phúc ở bên mình

Cập nhật, 07:06, Thứ Sáu, 20/03/2020 (GMT+7)

Hạnh phúc không ở xa, hạnh phúc ở trên tay những người biết nâng niu cái mình đang có. Luôn quan tâm, yêu thương và chia ngọt sẻ bùi làm ngọn lửa hạnh phúc ấm áp trong mỗi gia đình. Lắng nghe hạnh phúc quanh mình và bắt đầu gìn giữ hạnh phúc từ mỗi gia đình.

Thiêng liêng 2 tiếng “Gia đình”. Ảnh: VINH HIỂN
Thiêng liêng 2 tiếng “Gia đình”. Ảnh: VINH HIỂN

Chia sẻ là nhân đôi hạnh phúc

Đối với thầy Trần Hoàng Túy- nguyên Chánh Văn phòng Sở GD- ĐT Vĩnh Long- (ngụ Phường 4- TP Vĩnh Long) thì mỗi ngày cùng vợ đi chợ, chia sẻ công việc nhà là một niềm vui. Kết hôn 35 năm, thầy chưa từng xem công việc nào là của ông, công việc nào là của bà mà “chỉ cần ai có thời gian thì làm, chia sẻ với nhau”.

Thầy Túy cười: “Có lẽ nhờ vậy mà vợ chồng tôi luôn hạnh phúc, giận thì có giận nhưng chưa bao giờ to tiếng”.

Sinh ra trong gia đình có 8 anh chị em, trong đó có 7 anh em trai và 1 em gái út nên từ nhỏ các anh em trai của thầy Túy được ba mẹ dạy làm tất cả công việc nhà. “Anh em tôi được dạy làm việc từ bếp đến ngoài xã hội. Đến con trai tôi, tôi cũng dạy cháu việc nhà, đến nay con nấu ăn ngon, giỏi hơn cha rồi”- thầy Túy nói.

Theo thầy, một khi hai người yêu thương nhau về sống chung với nhau thì phải có chung trách nhiệm, đừng coi công việc nhà là của vợ. “Thấy vợ mình bận rộn mà mình nằm đọc báo, coi ti vi sao vui được”- thầy lại nói- “Nhưng vợ cũng nên tâm lý đừng càm ràm khi chồng lười, nhẹ nhàng mượn anh ơi làm cho em cái này, cái kia… thì ông nào cũng làm thôi”.

Nói về người con duy nhất của thầy- là con trai nhưng từ nhỏ đã được cha mẹ dạy làm việc nhà, cho đi làm thêm ở nhà hàng để tích lũy vốn sống- thầy Túy khoe: “Con làm thêm trong nhà hàng xong thì thích nấu ăn, giờ con tôi cũng làm thầy giáo đi dạy về là vợ chồng cùng làm việc nhà chăm con. Nhìn con hạnh phúc mình cũng vui”.

Có lẽ sự sẻ chia, tình yêu thương trong gia đình đã được nuôi nấng từ đại gia đình lớn. 8 anh em của thầy Túy luôn hòa thuận vui vẻ với nhau. Khi một gia đình có hữu sự thì các anh em quây quần giúp đỡ, thỉnh thoảng các anh em tụ họp tại quán cà phê để chia sẻ đủ thứ chuyện gia đình. “Đặc biệt, trước lễ giỗ ba má một ngày, anh em tôi giữ thói quen quây quần bên nhau, ăn mâm cơm đại gia đình, hôm sau mới mời thêm khách khứa, bạn bè”- thầy Túy chia sẻ.

Chia sẻ chút quan niệm hạnh phúc, thầy Túy cho rằng: “Hạnh phúc ở trong lòng hai bàn tay mình, phải nâng niu và trân trọng nó, không buông xuôi cũng không bóp quá chặt. Hạnh phúc với cái mình đang có và giờ đây, khi vợ tôi đang trị bệnh mãn tính thì tôi thấy hạnh phúc khi được sống cùng vợ mỗi ngày”.

Lắng nghe hạnh phúc quanh mình

Hạnh phúc là hành trình chúng ta đang đi, đơn giản là trân trọng giữ gìn những gì mình đang có. Chị Nguyễn Thị Nhất Phương (xã An Phước- Mang Thít) cho rằng, trong xã hội hiện đại, con người bị nhiều áp lực dẫn đến căng thẳng thì chính gia đình là nơi đem lại sự cân bằng, bình yên, thanh thản cho mỗi thành viên gia đình. “Gia đình hòa thuận, ấm êm là hạnh phúc, là cái nôi đùm bọc, che chở cho mỗi người”- chị Nhất Phương nói.

Với chú Lâm Su Pha (52 tuổi, quê ở xã Tân Mỹ- Trà Ôn) thì quan niệm, hạnh phúc không ở đâu xa, chỉ là những điều gần gũi nhất với mỗi người mà có khi mỗi người không nhận ra.

Chú Su Pha chia sẻ: “Có nhiều gia đình mong muốn có nhiều tiền để cho gia đình hạnh phúc, cũng có những gia đình chỉ mong cuộc sống đủ ăn, đủ mặc, mọi người trong gia đình được bình an là hạnh phúc. Gia đình tôi hiện tại hạnh phúc vì vợ chồng luôn tôn trọng, yêu thương và chia sẻ mọi vui buồn với nhau, khó khăn cùng nhau giải quyết; con cái khỏe mạnh, chăm ngoan, học giỏi”.

Chú cười tươi cho biết 2 con chính là niềm hạnh phúc và động lực để phấn đấu của mình, đồng bào dân tộc Khmer còn khá nhiều khó khăn nhưng cho con đi học là cách để có tương lai tốt đẹp hơn. “Con gái Lâm Thái Nguyệt là cô giáo mầm non và con trai Lâm Sung thì còn đi học”- chú Su Pha tự hào kể.

Những buổi tọa đàm, chia sẻ về cách giữ hạnh phúc gia đình giúp mọi người trân quý hơn giây phút được gần gũi bên nhau.
Những buổi tọa đàm, chia sẻ về cách giữ hạnh phúc gia đình giúp mọi người trân quý hơn giây phút được gần gũi bên nhau.

Để chạm đến cái đích hạnh phúc trong hôn nhân, để “con lắc yêu thương” có đủ động lực được truyền đi giữa muôn vàn những hỷ nộ ái ố trong cuộc sống gia đình, mỗi vợ chồng phải luôn có sự chia sẻ, tin yêu, quan tâm, bao dung và chấp nhận từ cả hai.

Đối với gia đình cô Nguyễn Thị Bé Tư (xã Phú Quới- Long Hồ) thì gia đình hạnh phúc khi không có sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái.

“Vợ chồng chúng tôi đều yêu thương các con như nhau, nuôi dạy và chăm sóc như nhau vì đều là tình yêu, là đứa con mà mình mang nặng đẻ đau. Nếu cho con trai 10 đồng, thì con gái cũng sẽ là 10 đồng, gia đình tôi có 10 công ruộng, khi con ra riêng thì cho mỗi đứa 2 công làm vốn”- cô Bé Tư chia sẻ.

Nhân ngày Hạnh phúc, dành một chút thời gian lắng nghe hạnh phúc quanh mình, một niềm vui nhỏ chắt chiu sẽ thành hạnh phúc lớn, tập sống ngay từ bây giờ, nơi gia đình mình, biết trân trọng những gì đang có. Vì, hạnh phúc không ở đâu xa!

Liên Hợp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 là ngày Quốc tế Hạnh phúc. Và ngày Quốc tế Hạnh phúc hay là ngày Hạnh phúc (International Day of Happiness) là ngày 20/3 hàng năm, kể từ năm 2013. Mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày của hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên Trái đất. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tích cực trong việc hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Bài, ảnh: HUYỀN THÚY