Xuân đượm tình trên biển, đảo Tây Nam

Kỳ cuối: Hải trình chở nặng những yêu thương

Cập nhật, 05:54, Thứ Sáu, 17/01/2020 (GMT+7)

 

Các chiến sĩ vui mừng đọc thư chúc tết của các em nhỏ từ tỉnh Thái Nguyên.
Các chiến sĩ vui mừng đọc thư chúc tết của các em nhỏ từ tỉnh Thái Nguyên.

Đêm cuối cùng trên tàu 632, chúng tôi lại thao thức không ngủ, ra boong tàu bịn rịn nghe tiếng gió rít, ngắm ánh trăng bàng bạc trên đầu các con sóng nhấp nhô. Cách đây 2 năm, tôi đã từng đến Hòn Đốc và lần trở lại này đầy ngỡ ngàng khi hòn đảo đổi thay hơn nhiều.

Chuyến hải trình mang tình hậu phương ra biển đảo khép lại, xúc động ngay từ khoảnh khắc đầu gặp gỡ và để rồi nuối tiếc, nghẹn ngào trong giây phút chia tay. Kết thúc hành trình, những người con đến từ nhiều vùng miền gắn kết bởi một điểm chung, đó là niềm tự hào được sinh ra là con dân nước Việt.

Hòn Đốc- “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”

Tờ mờ sáng gần cảng Hòn Đốc, những trụ điện kéo từ Mũi Nai (TP Hà Tiên) sừng sững giữa biển chạy dài đến Hòn Đốc còn lấp lánh ánh đèn. Các xã đảo đang chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, một số đảo đã có trường học, trạm y tế, hồ chứa nước ngọt và hệ thống lưới điện quốc gia vừa vận hành vào tháng 10/2019 đã mang đến cho Hòn Đốc một diện mạo mới.

Ông Phan Hồng Phúc- Chủ tịch UBND xã Tiên Hải- cho biết, từ bao đời nay xã đảo Tiên Hải chỉ có điện từ máy phát điện bằng dầu diesel, cuộc sống người dân rất hạn chế và cũng chưa đủ nguồn điện phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đến ngày 22/10/2019, xã Tiên Hải chính thức có lưới điện quốc gia.

Chính quyền và nhân dân rất vui mừng phấn khởi, mơ ước từ bấy lâu nay thành hiện thực, tạo bước đệm phát triển kinh tế trong thời gian tới, cuộc sống người dân nâng lên rõ rệt.

Một số dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, các quán ăn phục vụ du khách đồng loạt mua sắm trang thiết bị, đảm bảo phục vụ du khách tốt hơn khi nghỉ lại qua đêm. Chủ tịch UBND xã Tiên Hải phấn khởi: “Xã đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và đầu năm 2020 sẽ được công nhận. Đây là một trong những xã đảo đầu tiên của tỉnh Kiên Giang hoàn thành tiêu chí nông thôn mới”.

Nhà cách UBND xã không xa, bà Nguyễn Thị Ngô (70 tuổi) đang ngồi coi ti vi trong căn nhà tình nghĩa khang trang, được xã hỗ trợ xây dựng từ 4 năm trước. “Có điện vui hết biết, chứ ngày xưa cúp rồi tắt theo giờ, mùa hạn mà 11 giờ đêm mất điện là phải thức quạt tới sáng, nóng đổ bệnh luôn”- bà Ngô chia sẻ.

Nằm cạnh con đường trải nhựa quanh đảo, nhà ông Hoàng Trung Luyện là một trong những căn khang trang “nhứt xứ”. Ti vi màn hình phẳng, tủ lạnh to, nồi cơm điện… nhà ông được xem là không thiếu thứ gì.

Ông Luyện cười tươi, cho biết: “Hồi xưa điện yếu lắm, sắm đồ điện cũng không xài được vì lúc có điện lúc không thì hư hết. Tui thì ghiền coi đá banh mà mấy trận quốc tế phát lúc 1 giờ sáng thì bó tay vì có điện đâu mà coi. Giờ thì thoải mái, vợ chồng có thể coi ti vi sáng đêm mà không lo nữa”.

Chuẩn bị đón cái tết thứ 30 trên đảo, ông Luyện phấn khởi: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”, nông thôn mới thì cái gì cũng mới: điện, đường, trường, trạm, con người văn minh hơn, đoàn kết cùng xây dựng xã đảo này. Ông lên kế hoạch cho năm mới: “Thời gian tới, tui sẽ mua máy về làm bún, cho con cháu qua phụ làm, vừa đỡ buồn tuổi già, vừa có thêm thu nhập. Có điện rồi thì còn ngại gì nữa!”

Hàng bán tạp hóa của chú Lương Văn Sơn thì có thêm một góc bán đồ điện: bóng đèn, quạt, nồi cơm điện… Chú Sơn tâm sự: “Từ hồi có lưới điện quốc gia, nhập đồ điện về bán đắt như tôm tươi. Trong cuộc đời khó mà quên ngày tháng 10 năm ngoái, chiếc tàu chở khách thường ngày cập cảng mà không có một hành khách nào vì… nó chất đầy đồ điện”. Khu nhà nghỉ LyLy của con gái chú Sơn quản lý cũng vừa lắp dàn máy lạnh “sẵn sàng đón khách dịp tết”.

Mang tình hậu phương ra biển đảo

Trong cái giá rét cuối đông, các phóng viên từ cực Bắc của Tổ quốc như Lai Châu, Hòa Bình, Thái Nguyên… vượt đường xa đến với biển đảo Tây Nam. Hành trang mang theo của nhà báo Lê Thanh Nga (Đài Phát thanh- Truyền hình Thái Nguyên) còn là những bức thư được viết bởi các em nhỏ Thái Nguyên gửi các anh chiến sĩ.

Đâu đó ở trên các đảo tiền tiêu, chúng tôi không chỉ cảm phục trước ý chí kiên cường của các cán bộ, chiến sĩ Hải quân, mà còn cảm phục trước tình cảm của những người dân dành cho đảo. Chú Lê Trường Giang, vợ chồng anh Đinh Trung Tín (đảo Thổ Chu), “chúa đảo” Hòn Chuối Lê Văn Phương…

Tất cả đều là những người bám đảo với nghĩa tình sâu nặng, giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương. Làm sao quên những chiến sĩ Hải quân, biên phòng bình dị như Trung tá Lê Văn Khiêm, Thiếu tá Nguyễn Minh Dũng, thầy giáo “bất đắc dĩ” Lê Hon Đa...

Sức sống mới đang “đâm chồi nảy lộc”, các đảo đang thay đổi từng ngày bắt nguồn từ chính sự gắn kết, sẻ chia của tình quân dân, để rồi họ cùng nhau kề vai, sát cánh bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những phần quà từ hậu phương mang mùa xuân về đảo, mong muốn động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, bảo vệ biên cương.
Những phần quà từ hậu phương mang mùa xuân về đảo, mong muốn động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua khó khăn, bảo vệ biên cương.

Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long- cho biết:

“Vùng đất này còn quá nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các anh em vẫn lạc quan, kiên trường bám trụ.Cần phải tuyên truyền, giáo dục cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thấy được, hiểu được cuộc sống, sự hy sinh đó, để làm sao để cả xã hội chung tay hướng về biển đảo. Ngoài cơ sở vật chất thì rất cần tình cảm để anh em có đủ niềm tin, nghị lực vượt qua khó khăn. Năm 2020, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung tuyên truyền sâu hơn về biển đảo, ngoài các tài liệu thì chúng tôi có thể mời một số cán bộ, chiến sĩ Hải quân làm báo cáo viên để người thật, việc thật sẽ mang đến câu chuyện sinh động hơn”.

Nhà báo Phạm An (Đài Tiếng nói Việt Nam) thì chia sẻ: “Từ đất liền không quen sóng gió, lại tác nghiệp trong điều kiện khó khăn, chúng tôi rất cảm động khi được các thủy thủ, các anh em chiến sĩ trên tàu chăm sóc rất tận tình. Cảm động hơn khi thấy bất kỳ hoàn cảnh nào, mặc dù rất mệt nhưng các phóng viên vẫn cố gắng có khuôn hình, tấm ảnh, câu chuyện xúc động nhất, bất cứ góc nào cũng thấy được nhân vật để khai thác. Trách nhiệm tuyên truyền về biển đảo là của toàn dân, đặc biệt là các phóng viên góp phần rất lớn để người dân hiểu và hướng về biển đảo”. 

Nhà báo Phạm An có một mong muốn duy nhất: “Tình cảm trong những chuyến đi có thể vượt sóng đảo xa đến với các chiến sĩ, nhân dân ở biên cương. Mong rằng các anh chắc tay súng để làm chỗ dựa vững chắc cho bà con đất liền, và bà con đất liền cũng luôn ở bên các anh”.

Mong muốn lớn nhất của đoàn công tác là các chiến sĩ chắc tay súng để làm chỗ dựa vững chắc cho bà con đất liền, và bà con đất liền cũng luôn ở bên các anh.
Mong muốn lớn nhất của đoàn công tác là các chiến sĩ chắc tay súng để làm chỗ dựa vững chắc cho bà con đất liền, và bà con đất liền cũng luôn ở bên các anh.

Một tuần giữa trùng khơi cũng đủ để chúng tôi lưu lại tình cảm thắm thiết giữa tiền tuyến- hậu phương. Nắng xuân đang ngấp nghé. Hành trang khi trở về của tôi nặng hơn nhiều vì chất đầy hình ảnh, tình cảm của chiến sĩ, của nhân dân đảo xa.

Cạnh chiếc bàn làm việc của tôi có thêm một con ốc gai thật đẹp, cảm động biết bao khi ngồi ở đất liền có thể nghe tiếng sóng vỗ, có thể thấy hình ảnh vợ chồng chú Nguyễn Đức Thắng ở bè cá Thổ Chu chạy với theo mà tặng con ốc cho mấy anh em ra thăm bè.

Bác Hồ đã từng căn dặn: “Ngày xưa ta có đêm, có rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn và phát huy nó…” Đối với người chiến sĩ nơi biển đảo, cuộc đời là để sống và bảo vệ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc… Những mất mát của các anh đôi khi chúng ta không thể nói bằng lời. Dân tộc Việt Nam anh hùng là thế đó, đất nước chúng ta luôn có những con người “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Phải làm gì mới đủ đáp đền nghĩa tình đó, làm gì để cùng các anh bảo vệ biển trời này, xây dựng đất nước này đây…

Đại tá Nguyễn Đăng Tiến- Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân- cho biết, những năm qua, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của các cấp ủy, các cơ quan, ban, ngành các tỉnh- thành trên cả nước. Bằng những tình cảm tốt đẹp và sâu nặng, các đồng chí đã mang hơi ấm của đất liền, của hậu phương đến với quân, dân vùng biển đảo Tây Nam. Đây là sự cổ vũ, động viên rất lớn, tiếp thêm cho các đơn vị trên đảo Tây Nam sức mạnh để vượt qua khó khăn, yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY