Sách đến homestay- chuyền tay những trang sách quý

Cập nhật, 06:52, Chủ Nhật, 21/04/2019 (GMT+7)

 

Kệ sách của anh Lê Hồng Phú ở Phương Thảo homestay.
Kệ sách của anh Lê Hồng Phú ở Phương Thảo homestay.

Khởi động từ tháng 3/2018, Thư viện tỉnh Vĩnh Long đã mang những quyển sách ngoại văn đến phục vụ tại homestay ở các xã cù lao An Bình (Long Hồ). Thư viện truyền thống đang trên hành trình “chạy đua” để bắt kịp những đổi thay của cuộc sống mới. Và cách “đưa sách đến tận người đọc” của Thư viện tỉnh đã tạo được những hiệu ứng tích cực.

Trang sách cũ bừng sức sống

Homestay Út Thủy nằm giữa khu vườn yên tĩnh, cây xanh tỏa bóng mát. Trong không gian ngôi nhà mang dáng dấp của người Nam Bộ xưa, có một góc đọc sách với hơn 50 quyển viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Khi được chúng tôi giới thiệu góc sách này, gia đình cô Brigitte đến từ Pháp đã vô cùng thích thú. Nâng niu giở từng trang về một quyển sách giới thiệu văn hóa Pháp rồi đọc to, cô Brigitte vui vẻ nói:

“Đáng quý biết bao khi đến Việt Nam lại bắt gặp quyển sách viết bằng ngôn ngữ quê nhà của tôi”. Khi biết được quyển sách ra đời từ năm 1960, vợ chồng cô Brigitte và 2 cô con gái trầm trồ và cứ thế chuyền tay nhau ngắm nghía quyển sách “quý”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga- Phó Giám đốc Thư viện tỉnh- cho biết: “Thư viện đã mang đến 5 homestay ở các xã cù lao An Bình, mỗi nơi 50 đầu sách.

Những quyển sách này trước đây chúng tôi chỉ cho mượn đọc tại thư viện do sách ngoại văn có khá ít bản và có từ lâu đời. So với việc để ở thư viện và không nhiều người đọc, thì mang đến các homestay là điểm mới rất ý nghĩa, bởi sách phục vụ du khách, đồng thời tạo sự giao lưu, nối kết văn hóa”.

Trước khi được Thư viện hỗ trợ sách, Nam Thanh homestay và Phương Thảo homestay đều gặp khó khăn khi tìm sách phục vụ du khách. Mở Nam Thanh homestay từ năm 2008, chị Nguyễn Thị Hiền Ngoan nhớ lại những ngày đầu phải lặn lội đến hiệu sách cũ tìm sách về để ở mỗi phòng ngủ cho khách đọc.

Chị nói: “Đến để trải nghiệm văn hóa miền Tây nên du khách rất tò mò hỏi cách người dân sống thế nào, những làng nghề hoạt động ra sao, lịch sử vùng đất,… Chúng tôi chưa hiểu hết thì cũng phải tìm hiểu để giải thích cho họ và muốn có những điều đó viết trên sách thì rất khó tìm bản ngoại ngữ”.

Anh Lê Hồng Phú ở Phương Thảo homestay thì cho biết, khách nước ngoài rất thích đọc sách, nếu họ lưu trú dài ngày, có nhiều thời gian rảnh thì có đến 60- 70% người đọc sách.

“Du khách để sẵn sách trong ba lô, đọc bất kỳ lúc nào, nằm võng đọc, ngồi chờ xe đọc, về phòng đọc,… Khi họ hỏi chúng tôi có sách không, lúc đấy mới chạy tìm mua nhưng chỉ có sách tiếng Việt với một vài tạp chí. Mô hình thư viện đem sách về cù lao này rất hay”- anh Phú chia sẻ.

Sách kết nối để ta xích lại gần nhau

Chị Lê Bích Thủy- Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành du lịch (Công ty CP Du lịch Cửu Long) cho biết: “Khi nghe có mô hình đưa sách đến tận người đọc qua việc mang đến homestay tôi đã rất vui. Thư viện rất mở để đến gần với mọi người hơn. Đã từng có du khách người Anh yêu cầu có góc đọc sách vì đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ với họ”. 

Trong một lần tiếp đoàn khách Đức, chị Nguyễn Thị Hiền Ngoan cũng bối rối khi khách đã đọc một quyển tạp chí và hỏi địa chỉ để tìm mua, họ giải thích: “Không chỉ cung cấp thông tin mà những quyển này là món quà du lịch để mang về”.

Những kệ sách ở các homestay rất đặc biệt. Số lượng sách ở đây không giảm đi mà kệ sách lại ngày càng đầy bởi du khách đọc xong sách của mình sẽ gửi tặng lại cho người đọc sau. Những quyển sách cũng được đổi mới liên tục bởi khi du khách thích quyển sách của người khác để lại thì dùng quyển sách của mình để đổi lấy.

Đối với chị Lê Bích Thủy, những quyển sách này rất quý: “Ra thư viện, ra hiệu sách tìm không có những quyển này. Sách quý ở chỗ có sự sẻ chia và tình cảm của những người đã từng đọc nó.

Mặc dù phương tiện truyền thông hiện đại nhưng nhiều người, trong đó có tôi vẫn thích truyền thống khi cầm quyển sách đọc, được ngửi mùi giấy mới và nhất là có thể gửi tặng, chia sẻ cho người khác. Sách giấy có thể mang ra nghiền ngẫm lại, dễ thẩm thấu hơn. Mang sách qua homestay còn ở sự giao lưu, kết nối với các nền văn hóa khác nhau”.

Du khách Pháp thích thú với góc sách ở Út Thủy homestay.
Du khách Pháp thích thú với góc sách ở Út Thủy homestay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga cho biết, thời gian tới sẽ duy trì mô hình sách ở các homestay và bổ sung thêm nhiều báo, tạp chí. Còn một trăn trở mà các nhân viên thư viện sẽ nỗ lực tìm sách về văn hóa, đất nước, con người Vĩnh Long nói riêng hay Việt Nam nói chung bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để kết hợp quảng bá du lịch địa phương.

Việc phát huy văn hóa đọc trong xã hội hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn mà điểm nghẽn trước tiên nằm ở việc các thư viện chưa thể đem sách đến gần công chúng.

Những việc làm tuy nhỏ như “đưa sách đến tận người đọc” ở các homestay, đến quán cà phê, mang đến từng trường học bước đầu đã được đón nhận vì mô hình thư viện rất “mở”, rất gần gũi, không chỉ ở không gian, mà thời gian cũng “mở”.

Khi chào chúng tôi để trở lại Pháp, cô Brigitte đã viết mấy dòng cảm nhận về những giờ phút khó quên khi được trải nghiệm ở cù lao An Bì1nh, về quyển sách được cầm trên tay. Rời cù lao xanh mướt, chúng tôi vẫn còn lưu luyến tiếng cười giòn tan của gia đình cô Brigitte, nhớ mãi hành động khi họ chuyền tay nhau quyển sách.

Những quyển sách luôn giữ trong nó những trải nghiệm đặc biệt. Như hôm nay chúng tôi gặp được một người bạn Pháp và biết đâu ngày mai sẽ có những thay đổi tích cực hơn khi học được những điều hay từ trang sách.

Ông Lê Xuân Nghiêm- Giám đốc Thư viện tỉnh- cho biết: Thư viện đang phát triển nhiều mô hình đem sách phục vụ cộng đồng như cà phê sách, sách ở homestay, luân chuyển sách đến Bộ Chỉ huy Quân sự, phối hợp các ban ngành để đưa sách điện tử về địa phương, số hóa để phục vụ những người đọc trên Internet,… Năm 2018, hệ thống thư viện công cộng toàn tỉnh phục vụ 1.763.638 lượt bạn đọc với 1.889.548 lượt tài liệu (tăng 49,5% lượt bạn đọc so với năm 2017).

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY