Đến Vĩnh Long- viếng tiền nhân, tham quan di tích dọc sông Long Hồ

Cập nhật, 09:25, Thứ Hai, 22/04/2019 (GMT+7)

Vĩnh Long là một trong những địa điểm tham quan mà khách du lịch trong và ngoài nước thường xuyên ghé thăm. Vùng đất này thuộc khu vực ĐBSCL nên không chỉ hấp dẫn bởi cảnh đẹp của miền sông nước, vườn cây ăn trái trĩu quả; mà còn sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng có từ lâu đời, đã cuốn hút du khách tham quan.

Đặc biệt là dọc theo tuyến sông Long Hồ có biết bao là di tích lịch sử, danh thắng, đình chùa xưa… đang đón chào du khách đến tham quan và thưởng lãm.

Viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.Ảnh: VINH HIỂN
Viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.Ảnh: VINH HIỂN

Viếng tiền nhân

Vĩnh Long là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL không chỉ có trái ngọt mà còn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Đến Vĩnh Long ngoài du lịch sông nước miệt vườn, du khách sẽ được ghé thăm khu di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long nằm bên bờ sông Long Hồ (thuộc Phường 4- TP Vĩnh Long). Đây là một trong ba văn thánh miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ cùng với Văn Thánh miếu Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai) và Văn Thánh miếu Gia Định (Sài Gòn ngày nay).

Là một trong những điểm tham quan khá thú vị không thể bỏ qua, bởi đến Vĩnh Long du khách sẽ tận hưởng được sự yên bình, mát mẻ, vừa thư giãn tinh thần, vừa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ xưa, được hiểu thêm về văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam.

Di tích Văn Thánh miếu Vĩnh Long được xây dựng từ năm 1864 -1866. Người khởi xướng xây dựng Văn Thánh miếu Vĩnh Long là cụ Phan Thanh Giản và cụ Đốc học Nguyễn Thông. Công trình này gồm có Văn Miếu và Văn Xương các.

Bên trong Văn Thánh miếu có điện thờ Khổng Tử, thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của nho giáo đến người dân các tỉnh Nam Bộ.

Trong khuôn viên di tích còn có 3 tấm bia đá dựng để kỷ niệm những người có công với nơi này như Phan Thanh Giản, Tống Hữu Định và Trương Thị Loan.

Ngoài ra, còn có một công trình văn hóa đặc sắc làm nên diện mạo riêng của Văn Thánh miếu Vĩnh Long đó là Văn Xương các, nơi thờ các thần văn học và danh sĩ như Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản,... những người có công đối với nền giáo dục của nước nhà. Vì thế, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia, vì nơi đây gìn giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị.

Văn Thánh miếu là một di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có giá trị và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Đồng thời cũng trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương đến thăm viếng và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân.

Rời khu di tích Văn Thánh miếu, du khách đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, thắp nén nhang thay cho lời tri ân gửi đến đồng chí Phạm Hùng- một người đã hết lòng vì dân vì nước.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng nằm bên rạch Ông Me (một nhánh rẽ của sông Long Hồ, thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước-Long Hồ). Khu lưu niệm có khuôn viên thoáng rộng với tổng diện tích khoảng 3,2ha, được thiết kế hài hòa và xây dựng nhiều hạng mục như nhà lễ tân là nơi đón đoàn khách tham quan, nhà lưu niệm là nơi đặt di ảnh và để du khách thắp hương tưởng nhớ đến vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, nhà trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật thể hiện thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phạm Hùng. Ngoài ra, khu lưu niệm còn có các hạng mục được xây dựng ngoài trời như:

Phòng biệt giam đồng chí Phạm Hùng tại Côn Đảo từ 1934 đến 1945, ngôi nhà làm việc của đồng chí Phạm Hùng tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam từ năm 1967 đến 30/4/1975 và căn phòng làm việc của đồng chí Phạm Hùng ở Hà Nội giai đoạn 1958- 1967 và giai đoạn 1978- 1988.

Tất cả đều được thể hiện rất rõ nét, khái quát được từng giai đoạn đồng chí Phạm Hùng sinh sống và làm việc.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia năm 2012. Ngày nay, khu lưu niệm được nhiều tổ chức, cá nhân, du khách tham gia các tour du lịch thường xuyên đến tham quan, thưởng lãm.

Tại địa điểm này, ngoài viếng thăm người con ưu tú của đất nước; du khách sẽ cảm nhận được sự thiêng liêng, không khí trang trọng, đồng thời cảm phục sự hy sinh to lớn của đồng chí Phạm Hùng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương.

Tham quan di tích

Sau khi viếng thăm các bậc tiền nhân, du khách sẽ đến tham quan các di tích lịch sử văn hóa như đình Long Thanh, đình Long Hồ… nằm dọc theo tuyến sông Long Hồ. Đây là những ngôi đình được xây dựng ở thế kỷ thứ XVIII, cho đến nay trải qua nhiều năm tháng biến động của lịch sử, nhưng vẫn tồn tại trên vùng đất này và đem tới giá trị tâm linh vô cùng to lớn trong văn hóa người Việt Nam.

Khách tham quan đến đây không chỉ với lòng đầy ngưỡng mộ, tự hào mà còn được học hỏi truyền thống hào hùng, để sống và làm việc xứng đáng hơn với những gì cha ông để lại.

Các ngôi đình được xây dựng theo kiểu kiến trúc đặc trưng của các ngôi đình ở miền Tây Nam Bộ, gồm có 3 phần: phía trước là võ quy và võ ca, chính giữa là chính tẩm và phía sau là nhà bếp.

Sân đình còn có đàn thờ Thần Nông, hai miếu thờ thần Bạch Hổ và Ngũ Hành nương nương. Hầu hết đình làng ở Nam Bộ đều thờ Thành hoàng làng, các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai phá đất đai, lập làng mạc, xây dựng và phát triển làng xóm.

Đến tham quan các ngôi đình, du khách được ngắm nhìn những chi tiết trang hoàng đẹp mắt, tinh xảo. Các bao lam, hoành phi, câu đối,… đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, những họa tiết đều được chạm trổ tinh xảo.

Qua bao thăng trầm, mấy cuộc chiến tranh, các ngôi đình vẫn được bảo quản tôn tạo tốt, trở thành nơi tập trung nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội của cộng đồng cư dân địa phương. Các điểm di tích lịch sử văn hóa đình làng là điểm hẹn hấp dẫn, không thể thiếu với du khách khi về Vĩnh Long.

Ngoài ra trên tuyến sông Long Hồ, khách tham quan còn được chiêm ngưỡng nét đẹp cũng như tập tục tín ngưỡng của người Hoa khi đến thăm di tích Minh Hương hội quán, Thất Phủ miếu (chùa Ông), Thiên Hậu miếu (chùa Bà Thiên Hậu).

Đây không chỉ là nơi thờ tự tâm linh của người Hoa (Minh Hương) và các tín đồ thập phương đến cúng bái, cầu nguyện; mà còn là nơi được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo, đẹp mắt, thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa của người Hoa ở Vĩnh Long.

Thời gian vẫn cứ lặng lẽ trôi, các di tích đình làng, chùa, miếu ở Vĩnh Long vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo, dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Và vẫn mãi là chốn tâm linh, sinh hoạt văn hóa, là điểm tựa tinh thần có ý nghĩa to lớn với người dân nơi đây. Còn với khách tham quan, đây là những địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến du lịch về Vĩnh Long của mình.

Hãy đến Vĩnh Long, du khách sẽ được tham quan nhiều điểm du lịch thú vị- nhất là viếng thăm các di tích lịch sử, văn hóa của vùng đất Long Hồ dinh xưa, vừa thư giãn tinh thần, vừa chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ, được hiểu thêm về văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người Vĩnh Long. Khi nào đến Vĩnh Long, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá những điểm đến lý tưởng này nhé.

NGUYỄN CHIẾN