Chứng nhân của những trang sách "chuyển màu"

Cập nhật, 09:08, Thứ Bảy, 20/04/2019 (GMT+7)

Với lời giải thích của các nhân viên Thư viện tỉnh: “Có ngày nào mà cô Nguyệt Ánh hổng qua thư viện đâu”, tôi mới hết tò mò về mối duyên gặp cô quá nhiều lần ở thư viện. Đạp chiếc xe cọc cạch, mang theo cái ba lô dây rút lúc nào cũng có sách bên trong, cô Lê Thị Nguyệt Ánh (82 tuổi) xem những quyển sách là người bạn tri kỷ.

Bất kỳ sự kiện về sách nào ở Thư viện tỉnh cũng không thiếu vắng cô Ánh (bên phải).
Bất kỳ sự kiện về sách nào ở Thư viện tỉnh cũng không thiếu vắng cô Ánh (bên phải).

Mọi người nói vui, cô Ánh là chứng nhân của những quyển sách “chuyển màu”, bởi cô “đồng hành với sách từ những ngày trang giấy vàng hoen màu mực đến những trang giấy in bắt mắt hôm nay”.

Cô Ánh kể, tình yêu dành cho sách vở được nhen nhóm nhiều nhất từ những ngày lê la học ở thư viện Trường ĐH Sư phạm Sài Gòn. “Từ năm 1961, tôi hay vào thư viện và ở lì trong đó cả ngày. Làm sao mà không choáng ngợp khi bắt gặp những tài liệu ra đời gấp mấy lần tuổi của mình, cứ thế mà tôi đọc rồi chép ra, chép ra hết những điều thấy thích thú”.

Với cô Nguyệt Ánh, tất cả thăng trầm của cuộc đời đều có sách bên cạnh bầu bạn, để thấy mình khiêm tốn hơn, bao dung hơn, điềm đạm hơn. Tuổi tác không xóa đi sự minh mẫn và những ghi chép giúp cô làm đầy thêm những trải nghiệm của mình.

Ngồi trầm ngâm hồi lâu, đôi mắt thoáng buồn, cô nhớ lại lần khiến cô buồn nhất, là “sự cố” khiến toàn bộ sách vở của cô bị cháy hết. Bây giờ thì gia tài sách của cô còn khoảng 100 quyển, “mà cũng không đếm được, vì tôi “dụ” nhỏ em gái vốn không ưa cầm quyển sách lên đọc, giờ thấy sách hay nên em cũng lấy sách của tôi đọc, các học trò của tôi cũng đọc”.

Lý giải vì sao lại yêu sách đến vậy, “rảnh thì đọc sách, đọc quên ăn quên ngủ, đọc đến không còn thở nữa thì thôi”, cô Ánh nói thêm: “Quyển sách hay là cả một công trình mà tác giả chắt chiu tâm huyết, được hưởng thành quả đó thì chúng ta quá hạnh phúc.

Sách hay hun đúc tinh thần chúng ta, cứ đọc nhiều và tự nó sẽ hình thành trong tiềm thức những kiến thức, cách ứng xử với cuộc đời, thể hiện qua việc suy nghĩ, nói năng”. Cô Ánh cười sảng khoái, “đó là lý do từ còn nhỏ mà ai đọc sách nhiều thì bị gọi là… bà cụ non”.

“Khi thấy được cái hay từ việc đọc sách thì các bạn trẻ sẽ đọc thôi. Còn làm sao để thấy được cái hay thì mỗi người lớn có trách nhiệm tạo thói quen để con trẻ được tiếp cận sách. Các em sớm tiếp cận Internet là một lợi thế để truy cập và đọc sách dễ dàng… Tôi cũng phải học các em sử dụng máy tính thôi”- cô Ánh cười, chia sẻ.

Có những ngày trái gió, cô Ánh mệt hay có việc bận cô không đến thư viện, góc đọc sách bỗng trống trải lạ thường. Những nhân viên thư viện lại mong ngóng cô cho đến khi thấy bóng dáng gầy gầy ngồi trên xe đạp, cô xuất hiện với đôi mắt cười và cái ba lô dây rút có đầy sách, thì mọi người mới yên tâm.

Đến tuổi này, chuyện cô còn có thể làm là chia sẻ những điều hay từ sách cho những người xung quanh: “Ghi chép lại những điều hay mà chỉ một mình mình biết thì uổng phí lắm”- cô nói.

Trang sách cũ giấy vàng hoen màu mực dần được thay thế bằng quyển sách đầy màu sắc, hình ảnh đẹp. Cách đọc sách truyền thống cũng dần dà được thay thế bằng những trang sách được số hóa, “click chuột” là có ngay.

Nhịp sống nhanh hơn, chúng ta cũng ngày càng giàu có hơn nhưng có lẽ sẽ là một mất mát lớn nếu một ngày vắng bóng “những quyển từ điển sống” như những ông bà của chúng ta, như cô Nguyệt Ánh.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY