Vén màn bí ẩn cổ vật trong lòng đất

Cập nhật, 05:17, Thứ Sáu, 08/02/2019 (GMT+7)

Nhiều cổ vật quý giá trong lòng đất, lòng sông, thậm chí nằm đâu đó trong ruộng vườn, đã được người dân phát hiện và đem trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Vén màn những câu chuyện bí ẩn cổ vật, càng nghe càng hấp dẫn, càng nhìn ngắm càng toát lên vẻ đẹp độc đáo của một kiệt tác…

Nhờ cơ duyên mà chúng tôi tiếp nhận nhiều hiện vật quý, có nhiều chuyện hay lắm. Tình cờ như bỗng dưng một ngày…”- ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- bắt đầu “vén màn” dẫn dắt chúng tôi khám phá những câu chuyện ly kỳ.

Du khách tham quan hiện vật kỳ lân ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Hiện vật do ông Huỳnh Văn Biểu ở ấp Một (xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm) phát hiện trong lúc đào mương hồi tháng 4/1997.
Du khách tham quan hiện vật kỳ lân ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long. Hiện vật do ông Huỳnh Văn Biểu ở ấp Một (xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm) phát hiện trong lúc đào mương hồi tháng 4/1997.

Khi cổ vật lên tiếng

“Bỗng dưng một ngày, chúng tôi nhận được điện thoại người dân bàn giao hiện vật họ vừa phát hiện, mà không đặt điều kiện, mua bán gì hết”- ông Nguyễn Xuân Hoanh bảo, từng hiện vật được Bảo tàng tỉnh tiếp nhận là tấm lòng vô giá của người dân.

Có những cổ vật nằm lăn lóc ở ruộng vườn, như trụ đá nhiều người nghĩ bình thường, nhưng khi “thằng em học khảo cổ phát hiện trụ đá giống Linga ở ngoài đồng”- ông Xuân Hoanh kể cơ duyên mà khi xuống xem xét và ngỏ lời xin- thì gia đình ông Lê Minh Trí ở thị trấn Cái Vồn (TX Bình Minh) đã tặng luôn cho Bảo tàng.

Sau này, Hội đồng Thẩm định hiện vật đã thống nhất gọi trụ đá là Mukhalinga là Linga có mặt thần Shiva, niên đại thế kỷ VI- VII, thuộc văn hóa Óc Eo.

Tuy vậy, câu hỏi “vì sao Linga lại nằm ở Cái Vồn?” vẫn còn là vấn đề của các nhà nghiên cứu. Hay chuyện tấm đá cũ kỹ nằm trên ruộng của ông Huỳnh Văn Biểu (xã Tân Quới Trung- Vũng Liêm), đã được các nhà khoa học nhận định: “Tấm đá sa thạch, là đà ngang của cửa, là cổng đền tháp như di tích Gò Xoài (tỉnh Long An), mô tả giống cửa tháp Sanchi của Ấn Độ”.

“Hoanh ơi có cái này. Hoanh ơi có cái kia hay lắm”- ông Nguyễn Xuân Hoanh nói thường nhận được nhiều cú điện thoại của người dân thông báo đào được vật này, vớt được cái kia vậy đó.

Như một hôm, điện thoại kêu “véo véo” anh em cho hay trên sông Cổ Chiên, người dân vớt được chiếc thuyền độc mộc. Khi chạy xuống và xác định “đồ quý lắm nghe” thì ông Lê Văn Phối (chủ một doanh nghiệp) đã tặng cho Bảo tàng mà không cần suy nghĩ, đắn đo.

PGS. Lê Xuân Diệm- Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh cho rằng các vết đẽo còn in trên thân bên ngoài, hông thuyền bị cong, chứng tỏ chưa được làm hoàn thiện và chưa xác định niên đại.

Còn PGS.TS Đặng Văn Thắng- Giám đốc Bảo tàng Lịch sử- Văn hóa, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh- thì cho rằng: “Đây là thuyền lớn thuộc loại hiếm, được làm bằng gỗ cây sao, loại gỗ làm thuyền rất bền. Đây là thuyền thời kỳ Chân Lạp thế kỷ XIV”.

“Vẫn còn rất nhiều câu chuyện bí ẩn, nhiều di vật phát hiện trong dân gian, trong lòng đất, lòng sông… cho thấy Vĩnh Long có những vùng đất mà giá trị khảo cổ rất lớn”- ông Nguyễn Xuân Hoanh bảo.

Nữ thần dưới... đáy sông

Thuyền độc mộc được trục vớt dưới lòng sông Cổ Chiên, dấu vết cho thấy thuyền đã nằm dưới lòng sông rất lâu.
Thuyền độc mộc được trục vớt dưới lòng sông Cổ Chiên, dấu vết cho thấy thuyền đã nằm dưới lòng sông rất lâu.

Đó là tượng thần Vishnu được ông Lê Hùng Tiến (chủ một doanh nghiệp) phát hiện ở độ sâu 1,2m khi đào đất thi công phần móng cụm văn hóa xã Trung Nghĩa (Vũng Liêm) vào tháng 7/2002. Ngay sau đó, ông Tiến đã chở thẳng đến tặng Bảo tàng tỉnh.

Tượng bằng đá sa thạch rất đẹp và được xác định là “đồ thật, đồ quý”. PGS.TS Đặng Văn Thắng đã gợi ý “nên lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia”.

Trong lao động, sản xuất, người dân phát hiện nhiều hiện vật và đã tự nguyện tặng cho Bảo tàng. Nghĩa cử, tấm lòng đó thật vô giá.

Để đến hôm nay, người dân, khách tham quan Bảo tàng Vĩnh Long còn được chiêm ngưỡng bức tượng nữ thần Saraswati, mà chúng tôi gọi nôm na là nữ thần ở dưới… đáy sông!

Còn tượng nữ thần được ông Lê Văn Thông phát hiện dưới lòng sông Cổ Chiên- một nhánh sông Tiền chảy qua tỉnh Vĩnh Long- trong quá trình khai thác cát trên đoạn sông thuộc xã Trung Thành Đông (Vũng Liêm) vào tháng 11/2016.

Sau khi phát hiện pho tượng, ông Thông đã ủy thác pho tượng cho Đại đức Thích Đức Hiền- trụ trì chùa Phước An- và Đại đức đã trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long hồi tháng 4/2017.

PGS.TS Đặng Văn Thắng nhận xét: “Đây là tượng nữ lạ. Khung đỡ tượng hình chữ U rất hiếm. Đây là hiện vật quý, là tượng nữ thần đầu tiên tìm thấy được ở nước ta”.

Ý kiến của PGS. Lê Xuân Diệm- Hội Khoa học Lịch sử TP Hồ Chí Minh, chuyên gia giám định cổ vật- lại cho thấy nhiều thú vị: “Tượng do sông nước bùn làm đen, tay gãy nhìn sắc cạnh, chưa thấy tài liệu về tượng này, có thể là nữ thần sông Hằng. Tượng nữ thần quý, đặc biệt là tượng nữ thần sông. Có thể vì sự cố nào đó mà người xưa đem giấu đi hoặc đền thờ nằm gần sông nên bị sụp lở, tượng rơi xuống sông”. 

Ngày 9/11/2018, Đại đức Thích Đức Hiền- trụ trì chùa Phước An- và ông Lê Văn Thông đã được nhận phần thưởng 75 triệu đồng và bằng khen của UBND tỉnh cho công phát hiện, bàn giao cổ vật. Tượng được xác định giá trị 7,5 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Hội đồng Thẩm định hiện vật, nữ thần Saraswati là vợ của thần Brahma, tượng có kiểu tóc xoăn, bồng bềnh, khung đỡ tượng hình chữ U, chắc chắn; tay trái cầm bình kendy đựng nước thánh, mang ý nghĩa tạo mầm sống, mang đến sự tốt lành cho cư dân và rửa đi mọi tội lỗi cho con người.

Đề nghị công nhận bảo vật quốc gia

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đã lập danh mục hồ sơ 2 hiện vật đề nghị công nhận bảo vật quốc gia.

Theo hồ sơ hiện vật, tượng thần Vishnu bằng đá sa thạch, có niên đại cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tượng được tạc ở tư thế đứng thẳng trên một bệ trơn, hình chữ nhật, cao 102cm, nặng 41kg.

Đây là hiện vật gốc, độc bản, là tác phẩm điêu khắc cổ với nghệ thuật tạo hình độc đáo, một kiệt tác đã hội đủ những giá trị cao về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, thẩm mỹ tiêu biểu về điêu khắc.

Tượng nữ thần Saraswati bằng đá sa thạch, có niên đại thế kỷ VI-VII, thuộc nền văn hóa Óc Eo. Tượng được tạc liền khối, tư thế đứng thẳng trên bệ trơn có khung đỡ hình chữ U, cao 113cm. Đây là hiện vật gốc độc bản, rất độc đáo, cực kỳ quý hiếm.

Tác phẩm được chạm khắc đạt đến trình độ kỹ thuật và nghệ thuật hoàn mỹ, được xem là một trong những pho tượng đẹp nhất của văn hóa Óc Eo, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu về điêu khắc.

Gốm Óc Eo tại di chỉ khảo cổ học Thành Mới

Trải rộng trên địa bàn ấp Ruột Ngựa, ấp Bình Phụng (xã Trung Hiệp) và ấp Bình Thành (xã Trung Hiếu) thuộc huyện Vũng Liêm, di chỉ Thành Mới đã được các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện từ đầu thế kỷ XX.

Năm 1944, ông Louis Malleret- nhà khảo cổ người Pháp nổi tiếng- đã đến nghiên cứu Thành Mới và mang về Sài Gòn nhiều hiện vật quý, trong đó có pho tượng Phật và tượng Vishnu bằng đá.

Qua 2 lần khai quật vào các năm 1998-1999 và 1999-2000, các nhà khảo cổ học phát hiện các di vật quý bằng các chất liệu: gạch, gốm,… Gốm với các chủng loại: thứ nhất là gốm mịn có 2 loại màu trắng và màu đỏ, còn có tên gọi “gốm nhân kẹp bánh mì” vì bên ngoài đỏ hoặc trắng nhưng xương gốm thì đen.

Thứ hai là gốm thô có áo gốm màu đỏ và màu trắng, nhưng lớp áo mỏng rất dễ bong. Cả 2 loại gốm này đều có xương gốm màu đen, cùng với nhiều bã thực vật. Ngoài ra còn có gốm pha cát.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC