Dòng tộc họ Lưu ở Tam Bình

Cập nhật, 07:05, Thứ Tư, 23/01/2019 (GMT+7)

Họ Lưu có thể được xem là một dòng họ đặc biệt ở Tam Bình vì có gia phả, từ đường và hội khuyến học dòng họ. “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”, từ đường ngày giỗ tổ chính là nơi những người trong họ cùng tề tựu để tăng mối thâm tình trong gia tộc, giúp đỡ nhau những lúc khó khăn… Nhờ đó, con cháu tự hào về truyền thống ông cha, cố gắng cống hiến cho xứng đáng.

Toàn cảnh bên ngoài từ đường nhà họ Lưu.
Toàn cảnh bên ngoài từ đường nhà họ Lưu.

Thăm từ đường, xem gia phả

Một ngày cuối năm, chúng tôi men theo những con đường nhựa nhỏ về xã Tường Lộc (Tam Bình), những con đường ngoằn ngoèo đưa tới từ đường họ Lưu. Đường tuy hơi khó đi nhưng cứ hỏi thăm thì ai cũng biết. Đó là khoảng đất rộng rãi, có cửa rào đang khép hờ, cây bàng sừng sững trước hàng rào, bên trong là từ đường như một cái tháp, dãy nhà ăn, nhà của người giữ từ đường.

Mỗi bên của từ đường đều có 2 ngôi mộ được xây từ khi chưa có từ đường này. Các ngôi mộ đều có hình rùa. Ông Lưu Vĩnh Bình- Trưởng tộc- hướng về những ngôi mộ cổ hơn phía tay trái, cho biết: “Những ngôi mộ này được trùng tu, giữ nguyên hiện trạng cũ”.

Trong gia phả của dòng họ Lưu ghi: Họ Lưu lập gia phả từ ông Thủy tổ rồi đến Cao tổ và đến thời điểm hiện nay là 13 đời. Trước năm 1760, có 3 anh em họ Lưu từ miền Trung vào miền Nam lập nghiệp, họ chia nhau đi 3 nơi là Bến Tre và Long Hồ, Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long.

Người tên Lưu Văn Phụng (tự là Đức Loan) là thủy tổ dòng họ Lưu ở Tam Bình. Đây cũng chính là người được sắc phong thờ ở đình Tường Lộc hiện nay, trong sắc thần có ghi “Thôn chủ kỷ cương thần chủ”.

Tuy nhiên, gia phả họ Lưu được lập vào khoảng năm 1860 bởi cụ Lưu Tánh Thiện (sinh năm 1823). Cụ Lưu Tánh Thiện là Tri phủ thời Nguyễn, đỗ cử nhân vào đời thứ 4 trong phổ hệ Lưu gia. Lúc bấy giờ phổ hệ Lưu gia được viết bằng chữ Nho trên vải lụa, mực đen.

Những ngôi mộ hình rùa, ý nghĩa mang sinh khí, tài lộc, thịnh vượng cho con cháu về sau.
Những ngôi mộ hình rùa, ý nghĩa mang sinh khí, tài lộc, thịnh vượng cho con cháu về sau.

Ông Lưu Thành Công- Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, Hội trưởng Hội Khuyến học họ Lưu, thành viên họ tộc đời thứ 9- cho biết: Từ đường xây dựng cách đây khoảng 15 năm. Từ đường là nơi tập trung bà con dòng họ. Mùng 2 tết hàng năm được chọn làm ngày giỗ hội, cúng những người đã khuất. Giỗ Thủy tổ vào mùng 10 tháng Giêng, giỗ Cao tổ 19- 20/6 âl.

Gia phả lúc đầu được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, qua thời gian, chiến tranh rồi lưu lạc, hiện nay có những bản trên máy tính, bản in, bảng gỗ đỏ chữ vàng. Hàng năm đến ngày giỗ tổ, trách nhiệm của những người trong họ là sinh con phải đến đăng ký.

Chỉ vào cây gia phả trong nhà mình, ông Lưu Vĩnh Bình giải thích: “Cây gia phả này rất dễ nhìn, từ ông thủy tổ chia ra các người con rồi những người con chia ra cháu chắt,… Nhìn vào đây, những người họ Lưu sẽ biết mình đời thứ mấy, ông cố, ông sơ là ai…”.

Ông Lưu Thành Công cho biết: Mong muốn của dòng họ là dạy con cháu biết uống nước nhớ nguồn, xây dựng một nề nếp để con cháu gắn với gia đình, với dòng họ, dù ở đâu, đi đâu, làm bất cứ việc gì thì con cháu nhớ về quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. Để rồi điều này gieo trong con cháu tình cảm, thấy được dòng họ có truyền thống, từ đó cố gắng học tập, trau dồi nhiều hơn để xứng đáng với những gì dòng họ đã cho mình, rồi nối tiếp truyền thống.

Khuyến học, khuyến tài

Cả nước hiện nay có Lưu tộc hoạt động khá lớn ở các tỉnh- thành. Ông Lưu Thành Công nói: “Anh em gắn kết, những người ở Hà Nội cũng vào Vĩnh Long giỗ tổ hàng năm. Dòng họ Lưu có nhiều người ra làm quan đến tri phủ, tri huyện… không quên nhắc tới là anh hùng Lưu Văn Liệt, thành viên đời thứ 7; Lưu Đình Ngoạn- Tri phủ Định Tường, người khởi xướng phong trào Đông Du…”

Điểm đặc biệt của dòng họ Lưu là hình thành hội đồng gia tộc, giải quyết tất cả những mâu thuẫn trong dòng họ trước khi đưa ra chính quyền.

“Những mâu thuẫn về hôn nhân, về đất đai, những quan hệ khác trong xã hội thì Hội đồng gia tộc đến từng gia đình động viên, khuyên can, có thể hỗ trợ luôn cho việc làm ăn. Cho nên trong Hội đồng gia tộc có rất ít tranh chấp với nhau, chỉ giải quyết dứt điểm trong họ tộc, rất ít trường hợp không giải quyết được”- ông Lưu Thành Công nói. Đây cũng là một điều hỗ trợ rất lớn trong ổn định trật tự an toàn xã hội, an ninh ở địa phương.

Ngoài ra, trong Hội đồng gia tộc có nguồn quỹ làm nhiệm vụ khi bà con thân tộc qua đời hoặc trường hợp quá khó khăn thì giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở, về phương tiện sản xuất, giống cây trồng,…

Bảng gia phả trước đây và sau này.
Bảng gia phả trước đây và sau này.

Hội Khuyến học họ Lưu ra đời cách đây khoảng 15 năm, giúp cho các học sinh nghèo trong họ có đủ điều kiện đến trường, hỗ trợ cho các em học giỏi có điều kiện học cao hơn, thậm chí có thể hỗ trợ các em đi du học.

“Đã 15 năm đều đặn phát thưởng cho các em vào ngày giỗ tổ, mỗi năm khoảng hơn 100 em. Phần thưởng không nhiều nhưng giúp các em ý thức được truyền thống của dòng họ, động viên các em nỗ lực học tập”- ông Lưu Thành Công cho biết. Chương trình được chính quyền địa phương, xã hội rất là hoan nghênh, ủng hộ cho Hội Khuyến học và hoạt động của Hội đồng gia tộc. Hội đồng gia tộc còn hỗ trợ luôn những người ngoài họ có điều kiện quá khó khăn.

Trong sự phát triển của công nghệ và thế giới ảo, văn hóa dòng tộc là nền tảng và là bệ đỡ giúp thế hệ trẻ ý thức sâu sắc hơn về gia đình dòng họ. Qua đó, tạo nên một bản lĩnh văn hóa tiêu biểu văn hóa Việt Nam trong hành trình hướng tới tương lai.

Hội đồng gia tộc Lưu gia được thành lập vào năm 1991 do ông Lưu Thanh Mậu đời thứ 7 làm Hội trưởng.“Hoạt động của Hội đồng gia tộc là trung tâm đoàn kết của tộc họ, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau, nhất là bảo vệ các di tích, trùng tu mồ mả, đồng thời tìm tung tích người thân tộc ở nhiều nơi để bổ sung cho danh sách được hoàn chỉnh, đầy đủ hơn”- ông Lưu Vĩnh Lịch, đời thứ 8- đã nói.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY