Lòng trắc ẩn

Cập nhật, 22:26, Chủ Nhật, 28/10/2018 (GMT+7)

Nhà tôi ở cù lao nằm bên dòng sông Cổ Chiên, nước ngọt quanh năm, cây cối xanh mát. Thời Pháp thuộc, ông bà tôi tản cư đến nơi này, vì ở đây thanh bình.

Lúc ấy dân cư còn thưa thớt, sông nước bốn bề, không có chợ nên người dân chủ yếu tự trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp thức ăn hàng ngày, mùa nào thức nấy.

Ba tôi là dân chài, ngoài công việc đồng áng, ba tôi cùng chiếc xuồng khi đầu cồn, khi cuối bãi, bắt tôm cá làm thức ăn cho gia đình. Má tôi chăn nuôi, trồng tỉa, quanh quẩn ở nhà với đàn con đông đúc.

Ba má tôi rất hiền, có lẽ cách ứng xử của ba má với mọi người trong cuộc sống hàng ngày chính là những bài học đầu đời quý giá mà chúng tôi lấy đó làm hành trang mang theo suốt cuộc đời.

Bà mẹ quê nhân hậu.
Bà mẹ quê nhân hậu.

Còn nhớ lúc đất nước mới giải phóng, có 2 mẹ con rất nghèo ở Sài Gòn về quê cù lao tá túc. Đất rộng, người thưa nên dân ở đây cũng thương, cho đất bà cất tạm mái nhà lá để ở. Bà có một người con trai gần bốn mươi tuổi bị tâm thần, lúc nào cũng mặc đồ tu, khi thì màu nâu, khi thì màu vàng, màu xám nhạt.

Vì vậy bọn trẻ con gọi ông là “ông thầy chùa khùng”. Nhà mẹ con bà ở ven con đường chúng tôi đi đến trường. Những bận đến trường hay tan trường về, bọn tôi sợ nhất là phải đi ngang nhà bà. Bởi vì “ông thầy chùa khùng” cứ đứng đó sát con đường, chờ bọn tôi đi qua để với tay chạm mỗi đứa một cái.

Có đứa ông chưa chạm được thì ông đuổi theo, đứa nào, đứa nấy “chạy xanh mặt” để thoát khỏi ông. Bọn tôi chia làm 2 nhóm, nhóm nhút nhát thì đi đường vòng xa hơn, nhóm dạn dĩ thì cứ đi ngang qua nhà ông.

Chỉ một tuần sau, các bạn nhóm dạn dĩ mách bảo, thật ra ông rất hiền, không lên cơn hay phá phách bất cứ việc gì. Chỉ cần đi ngang qua ông, bọn trẻ con chúng tôi xòe bàn tay nhỏ xíu cho ông vỗ nhẹ vào lòng bàn tay một cái là ông cười thích thú, ông chẳng làm gì tổn hại đến ai. Từ đó, chúng tôi đường hoàng đi học ngang qua nhà ông.

Khi đến chỗ ông, chúng tôi tự giác xòe tay cho ông vỗ nhẹ, rồi tiếp tục đi, để lại sau lưng những tràng cười vô thức của ông. Lâu dần thành quen, tôi không còn sợ nữa vì ông chẳng gây nguy hiểm gì cho bọn tôi. Đôi lúc tôi còn ngoái lại xem gương mặt của ông đang cười vô tư như một đứa trẻ mà cảm thấy tội nghiệp.

Bà mẹ của ông mới hơn 60 tuổi nhưng trông già lắm, gầy ốm. Nghe kể lại, trước khi về đây, 2 mẹ con bà ở Sài Gòn, bà đi làm thuê để nuôi người con mất trí này, cũng đón nhận được lòng từ thiện bao bọc của mọi người, nhưng sau này bà lớn tuổi hay bệnh nên không làm thuê nữa mà về cù lao này tá túc.

Hàng ngày, bà đi xin ăn, có người cho gạo, muối, nước mắm,… một ít thôi để chia sẻ hoàn cảnh với bà chớ dân ở đây cũng còn nghèo, ai cũng phải lao động vất vả để tìm miếng cơm cho gia đình. Phần bà thì xin được gì ăn nấy, bà cũng phải lội xuống ao, mương bắt ốc, cá, hái rau để ăn qua ngày.

Trong tâm trí của đứa trẻ chưa lên mười, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ. Bà ấy có dáng cao cộng thêm gầy nên trông bà càng khẳng khiu, mảnh khảnh. Lần đó, bà mặc chiếc áo đen có nhiều mảnh vá, tay cầm một cái bị vải đến nhà tôi để xin gạo.

Từ nhà bà đến nhà tôi khoảng hơn cây số, nhưng bà yếu nên không đi xa, hầu như bà chỉ xin quanh quẩn ở xóm bà ở.

Đây là lần đầu tiên bà lên xóm tôi để xin. Khi bà khép nép trước sân nhà tôi, tôi nói với má: “Bà đó là má của ông thầy chùa khùng đó má!” Má tôi chỉ biết ông thầy chùa khùng vì ông hay đi lang thang, có khi đi lên xóm tôi, còn bà mẹ tội nghiệp này thì má tôi chưa gặp lần nào.

Nghe tôi nói là má của ông thầy chùa khùng, má tôi vội vã đón bà vào nhà. Bà ngại ngùng nói vài lời để xin một ít gạo. Má tôi đỡ lấy cái bị vải từ tay bà vào nhà đong gạo cho bà, khoảng hai phần ba cái bị.

Bà cảm ơn xong rồi đi, má tôi tựa cửa nhìn theo dáng khắc khổ của bà, má nói nhỏ nhưng tôi vẫn nghe rõ: “Ăn hết rồi lại phải đi xin nữa mới có mà ăn”. Nghĩ vậy, má tôi kêu bà lại, đong thêm cho bà một lần gạo nữa cho đầy bị, rồi để cho bà đi. Mắt má tôi đỏ hoe.

Má tôi là người nhiều cảm xúc và rất thương người. Tôi ngơ ngác nhìn má không hiểu vì sao má “làm phước” cho người ta mà lại khóc. Như đọc được suy nghĩ của tôi, má tôi nói rằng: “Thương người như thể thương thân con à! Con nhìn bà đó đi, già rồi bệnh hoạn mà vẫn phải lặn lội đi xin về nuôi con. Con cậy cha, già cậy trẻ, nuôi con để già còn có con chăm sóc lại, mà bà vô phước có đứa con như vậy, mai mốt bà không còn đi xin nổi nữa thì ai nuôi bà?”

Thật ra gia đình tôi cũng chẳng khá giả gì, ba má tôi làm lụng chẳng chút ngơi tay. Hết trên bờ rồi lại xuống sông. Hàng ngày, ngoài giờ đến trường, tôi theo má đi rọc lá chuối, cắt lá môn nước phơi cho héo rồi xếp lại từng xấp chèo qua 2 con sông mới đến chợ bán cho tiểu thương để họ gói đường, đậu, bánh, trái,… để kiếm ít tiền.

Nhưng với tấm lòng thương người, ba má tôi rất hay giúp đỡ người khác bằng tất cả những gì ba má có với sự đồng cảm chân thành xuất phát từ trái tim nhân hậu. Đó là bài học quý giá mà chúng tôi có được từ gia đình.

Cũng từ đó, mỗi khi gặp hoàn cảnh kém may mắn, tôi luôn nhớ đến bài học đầu tiên về lòng trắc ẩn mà má tôi đã dạy: “Thương người như thể thương thân”.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN