Vĩnh biệt nhà tình báo anh hùng- Thiếu tá bị cưa chân 6 lần

Cập nhật, 16:21, Thứ Bảy, 18/08/2018 (GMT+7)

Nhà tình báo mà CIA đã lùng sục truy bắt và cho cưa chân tra tấn đến 6 lần- Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thương đã ra đi hồi 9 giờ 50 hôm 13/8/2018.

Cả đời ông đã vì cách mạng xông pha và cam chịu những đòn tra tấn tàn ác. Kẻ địch đã dã man cắt chân ông 6 lần nhưng không một lời khai báo nào chúng moi ra được từ người tình báo gan dạ này.

Mưu trí để vượt qua bao cạm bẫy kẻ thù

Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là Trưởng lưới tình báo H.63 trong khu nội thành Sài Gòn giai đoạn rất ác liệt.

Đại tá cho biết: Những năm 1960, khi tình hình rất cấp bách, sau khi có Nghị quyết 15 của BCH Trung ương Đảng (khóa II) và sau phong trào Đồng Khởi lan rộng như vũ bão, thì một trong những yêu cầu mà Bộ Chỉ huy Miền (B.2) và Quân ủy Trung ương giao, là rất cần để có nhiều tin tức tình báo cho Bộ Chỉ huy Miền, để báo cho Quân ủy Trung ương và Bộ Chính trị.

Tin tức phải có hàng tuần và rất sớm, kể cả có thời điểm hàng ngày và khi có là phải cấp tốc đi nhanh ra “cứ”.

Tổ chức đã phân nhiều nữ giao liên và ông Nguyễn Văn Thương thường xuyên túc trực (bằng ám hiệu) khi có tin tức quan trọng từ đồng chí Hai Trung (tức Thiếu tướng, Anh hùng Phạm Xuân Ẩn) cho chuyển ra là đến nhận ngay từ một điểm không có hẹn trước, cũng bằng ám hiệu và phải đưa ra “cứ” ngay lập tức trong ngày, không chậm trễ.

Khi ông còn mạnh khỏe, có lần tác giả theo chân các chú trong Hội Cựu Chiến binh TP Hồ Chí Minh đến thăm ông tại một căn nhà trong con hẻm nhỏ ở Phường 13, quận Bình Thạnh.

Với giọng ấm áp, nhẹ nhàng chất Nam Bộ, người tình báo nói về những kỷ niệm mà ông có cơ duyên đi vào phục vụ ngành tình báo cách mạng.

Bồi hồi nhớ lại chuyện năm xưa, ông kể: Cha ông là một chiến sĩ quân báo của Miền, bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù ở Tây Ninh năm 1959 mà gia đình không ai hay biết. Lúc đó, mẹ ông cũng là một nữ giao liên, là đảng viên hoạt động trong Hội Phụ nữ cứu quốc. Sau đó, bà cũng bị địch bắt, và tra tấn dã man. Chúng đày bà ra “chuồng cọp” Côn Đảo và hy sinh vào năm 1947.

Khi cha mất, cũng trong năm này, Nguyễn Văn Thương đã quyết chí tham gia quân đội. Qua thời gian huấn luyện tại vùng rừng Tây Ninh vào năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân, lúc đó là Bí thư T4- Thành ủy Sài Gòn- Gia Định).

Một thời gian sau khi đã quen công việc, quân ngũ, Nguyễn Văn Thương được tổ chức đưa sang hoạt động trong ngành tình báo, dưới sự huấn luyện trực tiếp của Đại tá Nguyễn Nho Quý (biệt danh là Mười Nho), lúc này là Trưởng Ban Tình báo Khu ủy Sài Gòn- Chợ Lớn.

Nhận nhiệm vụ, ông nhớ mãi lời dặn “Có bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm tao cho mày hết rồi đó. Chỉ có một điều phải luôn ghi nhớ trong tim không được nói ai: Tài liệu là điệp viên, mất tài liệu là mất điệp viên”. Đây là bài học đầu tiên, từ vị chỉ huy trước một nghề đặc biệt nguy hiểm, dễ bị dò la và sa vào tay giặc bất cứ lúc nào.

Và ngày 10/2/1961 là ngày rất có ý nghĩa đối với ông Nguyễn Văn Thương. Đồng chí Võ Văn Kiệt sau khi xem lý lịch đã đưa ông vào phục vụ trong Phòng Tình báo phía Nam, biệt hiệu D110.

Những năm này, tổ chức phân công ông nằm trong mũi tình báo giao thông A18 do đồng chí Hai Trung phụ trách ở nội ô Sài Gòn, nhằm chuyển tin tức mà đồng chí Hai Trung lấy được ra chiến khu và ngược lại.

Sau đó, ông được điều từ A18 sang A20, A22 rồi A36 dưới vỏ bọc mang tên “Đại úy Ngọc, đặc phái viên của CIA”.

Dưới vỏ bọc này, suốt trong nhiều năm liền ở các mũi xung kích, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Một mình ông với ám hiệu, giao kết của đồng chí Hai Trung, đã chuyển an toàn 900 chuyến tin tức tình báo của ông Ba Quốc (tức Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức) đang hoạt động trong Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn; của Cố vấn đặc biệt Phủ Tổng thống Vũ Ngọc Nhạ (Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ) từ Phủ Tổng thống và của đồng chí Hai Trung từ nội thành về “cứ” chiến khu. 

Vào năm 1969, ông bị lộ do tên Chiến Cá làm chỉ điểm. Điều nguy hiểm lúc này là ông đang chuyển rất nhiều, rất gấp các tài liệu mật từ nội ô Sài Gòn về “cứ”. Trên đường về, quân Mỹ phát hiện ra ông và cho trực thăng vây bắt.

Đến cánh đồng ấp Mỹ Phước (Bình Dương)- cách Sài Gòn 40km, máy bay trực thăng Mỹ hạ độ cao, cho quân Mỹ đổ bộ quyết bắt bằng được người tình báo giao liên, mà chúng đã theo dõi từ lâu này.

Khi còn sống, ông kể lại câu chuyện bị bắt giữa cánh đồng: “Khi đó, tôi đã giấu xong tài liệu vào luống cày vừa được lật lên rồi lấp đất kín, rồi lẻn nấp vào một chỗ khá kín đáo. Trong khẩu súng đem theo người chỉ còn vẻn vẹn 21 viên đạn.

Chờ cho kẻ địch tới gần khoảng 15m, tôi bắn 20 viên, tiêu diệt những tên lính Mỹ. Viên đạn cuối cùng tôi định tự sát, nhưng nghĩ lại lời thề đối với Đảng không được tự sát, tôi nghĩ cách dụ chúng đến gần để tiêu diệt và cướp súng của chúng.

Để đánh lừa bọn lính Mỹ, tôi vờ giơ hai tay đầu hàng, tiến về phía máy bay. Khi chúng hạ độ cao, hạ thang dây, tôi cướp súng của một tên Mỹ từ thang dây đeo bám đi xuống và bắn liên tiếp vào ổ chia lửa của chiếc máy bay này.

Một chiếc trúng đạn do tôi bắn và bốc cháy. Nhiều máy bay khác lao tới đổ quân bao vây. Lúc này tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tôi bị thương và bị chúng dùng báng súng đập gãy cánh tay, rồi ngất lịm”- người tình báo Nguyễn Văn Thương kể lại lúc còn khỏe.

6 lần bị cưa chân vẫn không khuất phục

Sa vào tay giặc, ông biết mình khó thoát khỏi những tra tấn đòn thù. Điều không may cho ông là có một tên chiêu hồi, đã quen biết mặt ông, nên CIA quyết khai thác lời khai của ông bằng mọi cách, kể cả dùng tiền, gái đẹp, chức vụ, xe hơi… để hòng moi tin từ ông.

Điều kỳ lạ là tất cả những mua chuộc của CIA Mỹ đều không thành, trước nghị lực phi thường của một chiến sĩ tình báo Quân giải phóng miền Nam. Từ đó, CIA cho dùng những màn tra tấn cực kỳ dã man đối với ông.

Chỉ trong 3 tháng đầu bị bắt, tất cả 10 ngón chân của ông lần lượt bị chúng dùng kềm bẻ gãy, còn đôi chân bị cưa 6 lần, cụt qua đầu gối, trong đó chân trái là bị chúng cưa gần sát háng.

Sau này, ông cho các cựu chiến binh đồng đội biết là: Dù rất đau mà phải cắn răng chịu đựng, với niềm tin vào Đảng, Bác Hồ. Tôi thà chết chứ nhất định không hợp tác với giặc, không bao giờ bán nước, không đầu hàng giặc”.

Cuối cùng, khi đã dùng đủ các chiêu trò từ tâm lý đến tra tấn mà không đạt được gì, chúng đưa ông về giam giữ tại Trại giam Hố Nai (Đồng Nai). Những ngày trong tù, ông vẫn không hề khuất phục, dù ông không đi lại được nữa.

Tại nhà tù ông tiếp tục đấu tranh, viết truyền đơn, phản đối những chính sách đàn áp tù nhân, đàn áp nhân dân, nên ông bị liệt vào dạng tù cấm cố, rồi bị chúng đày ra nhà tù Côn Đảo. Sau khi Hiệp định Paris ký kết, vào ngày 14/2/1973, kẻ địch trao trả tù binh và ông được tổ chức đưa đi an dưỡng.

Khi hòa bình, ông trở về đoàn tụ với gia đình. Ông làm việc tại Sở Lao động- Thương binh và Xã hội một thời gian, với tinh thần lạc quan, sống giản dị, khiêm tốn, tham gia nhiều hoạt động tình nghĩa của Hội Cựu chiến binh quận Bình Thạnh và Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh.

Ông luôn được đồng đội, bạn bè kính phục và thương mến đức tính hiền lành, giản dị của người lính, người tình báo.

Với những công lao trung kiên, bất khuất, những thành tích trong ngành tình báo kháng chiến, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương được Đảng, Nhà nước, Quân đội phong tặng Huân chương Độc lập hạng ba; Huân chương Chiến công hạng ba; Huân chương Quân công hạng ba;

Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3; 14 lần đạt danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ; Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Và ngày 6/11/1978, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Xin vĩnh biệt người tình báo anh hùng đã ra đi thật thanh thản như đang sống trong lòng đất mẹ miền Nam anh hùng!

PHẠM BÁ NHIỄU