Những người hành khất về đâu?

Cập nhật, 15:04, Thứ Tư, 22/08/2018 (GMT+7)

 

Một ông cụ hành khất trên cầu Thành Lợi- giáp ranh TX Bình Minh và Bình Tân.
Một ông cụ hành khất trên cầu Thành Lợi- giáp ranh TX Bình Minh và Bình Tân.

Giữa phố thị xô bồ, thỉnh thoảng xuất hiện bóng dáng người hành khất. Nhiều trường hợp khiến người xung quanh cảm thương nhưng cũng có trường hợp gây nghi ngờ “có phải người hành khất thực sự?” Và, vấn đề đặt ra là nên cư xử với những người hành khất thế nào cho đúng?

Hành khất có biến tướng?

Một chiều tháng 8, gió lồng lộng thổi qua cầu Thành Lợi (cầu giáp ranh TX Bình Minh và huyện Bình Tân), một người hành khất trong bộ quần áo ngả màu ngồi sát lề giữa cầu, tay cầm chiếc nón kết chìa ra đường.

Chốc chốc, người qua đường dừng xe lại để tiền vào nón. Dường như họ đã quá quen với đoạn đường này, với ông cụ hành khất này nên đã chuẩn bị sẵn tiền cầm trên tay và cho xe giảm tốc từ xa.

Trao đổi với chúng tôi, ông cụ cho biết, ông tên Nguyễn Văn M. (88 tuổi) không phải người Vĩnh Long. Ở quê không còn người thân nên ông đến TX Bình Minh ở nhờ nhà người quen và đi ăn xin kiếm sống. Cũng không thường xuyên vì “lâu lâu hết tiền, hết gạo tui mới ra đây ngồi một chút”…

Câu chuyện ông kể chúng tôi nghe thấm đẫm nỗi cô đơn, khổ sở của một kiếp người. Nói xong, ông đứng dậy ra về với lý do “trời sắp tối rồi”.

Dáng ông gầy nhỏ, lom khom in vào trời chiều khiến chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Đâu đó, giữa phố thị xô bồ, thỉnh thoảng lại xuất hiện những người hành khất. Mỗi người một “tạo hình” và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh những hoàn cảnh đáng thương thật sự, cũng có trường hợp khiến người ta nghi ngờ “ăn xin giả”.

Chị Trương Thị Tuyết Nhung (xã Thạnh Quới- Long Hồ) là công nhân Khu công nghiệp Hòa Phú cho biết: Trước đây, quanh khu công nghiệp có rất nhiều người ăn xin, đông nhất vào giờ tan ca, nhiều người cao tuổi, trẻ em… có hoàn cảnh rất đáng thương.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị nghi do lười lao động nên “giả dạng”. Riêng chị cũng rất cảnh giác bởi một số người bán hàng quanh khu công nghiệp cảnh báo “đừng cho tiền, tui thấy rõ ràng hắn tự chạy xe đậu ngoài đường mà vô tới chỗ đông người lại ra… tàn phế”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Kiều Trinh (Phường 4- TP Vĩnh Long) kể: “Mấy năm trước, có thời điểm tui phát hiện một số góc đường của thành phố xuất hiện ăn xin theo kiểu cặp đôi: một người bệnh nằm vật vã, người khỏe hơn đi cùng khóc than người thân bệnh nặng, lỡ đường hết tiền đi xe về quê… mong cô bác thương tình!

Tuy nhiên, chính vì chứng kiến tới mấy cặp đôi đều bệnh nặng, lỡ đường… như vậy; có khi thì cùng một người “xỉu” hết đường này sang đường khác nên chị cho rằng đó là chiêu trò lừa gạt.

Ông Lê Sơn Dũng– Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long- cho biết:

Sau 3 năm thực hiện chủ trương “thu gom”, hiện số người ăn xin, người bệnh tâm thần lang thang… trên địa bàn đã giảm hẳn. Số trực tiếp lê lết, giả dạng ăn xin thỉnh thoảng vẫn còn nhưng rất hiếm. “Khi có người ăn xin, lang thang… xuất hiện trên địa bàn, sẽ mời làm việc ngay”- ông Lê Sơn Dũng nói.

Những người hành khất về đâu?

Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long, nhằm duy trì bảo vệ tình hình an ninh, trật tự địa bàn từ tình trạng như: người già, trẻ em, người khuyết tật ăn xin, người bệnh tâm thần lang thang đường phố, hàng năm, phòng lập kế hoạch phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các phường- xã tập trung các đối tượng này lại, phân loại để có biện pháp giáo dục và quản lý.

Theo đó, người ăn xin thì cho làm cam kết và tạo điều kiện cho về địa phương nếu là người từ nơi khác đến; giao gia đình và đoàn thể bảo lãnh, địa phương quản lý giáo dục nếu là người sống tại địa phương.

Bên cạnh, người già, người khuyết tật và trẻ em vô gia cư thì lập hồ sơ đưa vào Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh nuôi dưỡng (nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật).

Trong khi đó, đối tượng là người bệnh tâm thần lang thang sau khi phân loại, lập hồ sơ đưa vào Bệnh viện Tâm thần điều trị ổn định xong, đưa vào Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đối với đối tượng chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đối tượng ở địa phương thì giao về gia đình quản lý.

Sau một buổi hành khất, cụ ông bước liêu xiêu trở về căn nhà- nơi ông đang ở nhờ.
Sau một buổi hành khất, cụ ông bước liêu xiêu trở về căn nhà- nơi ông đang ở nhờ.

Theo ông Lê Sơn Dũng, trước đây, quanh trung tâm thành phố có khoảng 5- 7 người ăn xin- hầu hết từ tỉnh khác đến xuất hiện thường xuyên: một chú chỉ còn 1 chân, bà cụ cao tuổi ngồi ở dốc cầu Lộ…

Hiện thì cũng có vài ba người nhưng xuất hiện không thường xuyên. Tuy vậy, theo ông Lê Sơn Dũng đây là những “ca” khó, tập trung thu gom thì họ khóc lóc, năn nỉ; đưa vô trung tâm vài ba ngày lại thấy trở ra và “hành nghề” cũ.

Cụ M. (90 tuổi)- một hành khất quê ngoài tỉnh- cho biết, nhiều lần ngành chức năng đưa cụ vô trung tâm công tác xã hội ở quê nhưng vài bữa cụ lại trở ra vì “sống tự do quen rồi, không thích trong đó buồn, cơm thì nhiều mà đồ ăn lại ít...”.

Ông Lê Sơn Dũng cho biết thêm, ngoài đối tượng ăn xin thì đối tượng tâm thần trên địa bàn thành phố phát sinh nhiều do thành phố mình có bệnh viện, bến xe… Số người này khi lên cơn thì rất nguy hiểm nên khi phát hiện, phòng kết hợp với các ban ngành hữu quan có biện pháp “giải tán” ngay.

Thiết nghĩ, tập trung người ăn xin, tâm thần lang thang… để có biện pháp quản lý, giáo dục là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị; đảm bảo cho họ được chăm sóc, no ấm…

Tuy nhiên, rất cần tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của mỗi người, đặc biệt đối với những người hành khất cao tuổi để có những cách cư xử hoặc điều chỉnh quy trình chăm sóc cho phù hợp, tránh gây phản cảm.

Nói như nhà thơ của Trần Minh Nhuận trong bài “Dặn con” thì: “Chẳng ai muốn làm hành khất/ Tội trời đày ở nhân gian/ Con không được cười giễu họ/Dù họ hôi hám úa tàn/ Nhà mình sát đường, họ đến/ Có cho thì có là bao/Con không bao giờ được hỏi/ Quê hương họ ở nơi nào…"

Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP Vĩnh Long, năm 2017, đã tập trung 18 người và trong 6 tháng đầu năm 2018, đã tổ chức thu gom tập trung ăn xin, lang thang 17 người. Trong đó, 9 người được cho làm cam kết về địa phương, 6 người được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long và 2 người được đưa vào Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh nuôi dưỡng. Thời gian còn lại từ sau các đợt tập trung đến cuối năm, nếu các phường- xã phát hiện người ăn xin, bệnh tâm thần lang thang đường phố thì điện thoại báo cho phòng để phối hợp giải quyết.


Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN