Đem yêu thương "đi tìm đồng đội"

Cập nhật, 07:58, Chủ Nhật, 29/07/2018 (GMT+7)

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhiều cá nhân tâm huyết, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai hiệu quả Đề án Tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ (LS). Nhiều mộ LS đã được tìm thấy, cất bốc và tổ chức an táng chu đáo, trang nghiêm.

Cô Út Lài lưu giữ nhiều hình ảnh về quá trình đi tìm đồng đội và xem đó là trách nhiệm của mình. Ảnh: NGUYỄN THỊNH
Cô Út Lài lưu giữ nhiều hình ảnh về quá trình đi tìm đồng đội và xem đó là trách nhiệm của mình. Ảnh: NGUYỄN THỊNH

Đi tìm đồng đội

Năm 2014, Tổ Hỗ trợ gia đình LS tỉnh Vĩnh Long được thành lập với hơn 50 thành viên. Theo cô Nguyễn Ngọc Lài (Út Lài, 64 tuổi)- tổ phó, hầu hết thành viên trong tổ từng công tác trong các đơn vị quân đội và trải qua nhiều chiến trường ác liệt nên luôn đau đáu vì còn nhiều đồng đội hy sinh nhưng đến nay chưa tìm được hài cốt.

Vậy là, các thành viên nhất trí xuất tiền túi, không quản công sức lặn lội khắp nơi thu thập thông tin, đến tận các vùng hẻo lánh, hoang vu tìm kiếm dấu tích về nơi chôn cất LS. Khi xác định được hài cốt LS, các cô chú lại tiếp tục cùng cơ quan chức năng tổ chức cất bốc và đưa đồng đội về an táng tại nghĩa trang.

Các cô chú xem đó vừa là trách nhiệm, vừa là sự đền đáp công lao to lớn của các đồng đội đã dành trọn tuổi thanh xuân, sinh mệnh của mình đóng góp cho sự nghiệp cách mạng. “Mình còn sống đây, được Đảng và Nhà nước chăm lo, còn đồng đội hy sinh đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Đó là điều day dứt và cũng là động lực thôi thúc chúng tôi không ngại khó khăn, quyết tâm phải tìm được đồng đội”- cô Út Lài nói.

Đến nay, Tổ Hỗ trợ gia đình LS đã tiếp nhận hàng trăm thông tin quý giá về mộ LS còn thất lạc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và cùng cơ quan chức năng tổ chức cất bốc, an táng hơn 20 hài cốt LS tại các nghĩa trang.

Theo cô Út Lài, hầu hết thông tin tiếp nhận được đều liên quan đến các LS từng chiến đấu trong đội hình các đơn vị chủ lực của Quân khu. Có trường hợp từ lúc tiếp nhận thông tin đến khi đưa được hài cốt về an táng tại các nghĩa trang phải trải qua nhiều giai đoạn, thủ tục, mất ít nhất cũng vài năm.

Như trường hợp 2 phần mộ LS trên đất của gia đình bà Đoàn Thị Hoa (xã Hậu Lộc- Tam Bình). Bà Hoa chỉ cung cấp được thông tin đây là phần mộ 2 LS của đơn vị bộ đội chủ lực hy sinh trong thời kháng chiến chống Mỹ.

Thông tin quá ít ỏi, ngay cả tên tuổi và đơn vị cũng không xác định được nên việc tổ chức cất bốc không thể thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập thông tin, một người dân địa phương xác định tại địa điểm trên từng có 2 bộ đội hy sinh và được chôn cất tại đất của bà Hoa.

Thông tin được Ban Liên lạc Trung đoàn 1 cung cấp cũng trùng khớp các nhân chứng khác đã giúp việc cất bốc là tổ chức an táng hài cốt LS được tiếp tục thực hiện.

Thông tin về mộ LS là rất quý giá

Theo BCĐ Quốc gia về tìm kiếm và quy tập hài cốt LS (BCĐ 1237), từ năm 2012 đến nay, cả nước đã tìm kiếm, quy tập hơn 8.000 hài cốt LS.

Đồng Nai, Quảng Trị và các tỉnh thuộc Quân khu 4, Quân khu 9 được đánh giá đã chủ động khai thác, xử lý thông tin và tìm kiếm được nhiều khu mộ tập thể giúp quy tập được nhiều hài cốt LS.

Các địa phương này đã tổ chức lực lượng trực tiếp xuống cơ sở, tiếp nhận được nhiều thông tin có giá trị và tổ chức đối chiếu, xác minh, hoàn thiện hồ sơ công nhận LS.

Bộ Quốc phòng cũng triển khai chương trình “Đi tìm đồng đội” và đã hoàn thành cơ bản việc giải mã trên 208.000 thông tin đơn vị quân đội trong chiến tranh, cập nhật gần 300.000 hồ sơ LS.

Bộ cũng tổ chức tập huấn toàn quân về rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách LS và hướng dẫn sử dụng, quản lý phần mềm cơ sở dữ liệu về LS. Hội Cựu chiến binh Việt Nam thu thập trên 36.000 thông tin về LS, trên 2.000 phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất LS.

Theo cô Út Lài, trong kháng chiến, có thời điểm Vĩnh Long trở thành chiến trường chủ lực của quân khu nên sự hy sinh là vô cùng lớn.

Nhiều nhân chứng trước đây từng chôn cất bộ đội nhưng đã mất hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nên việc thu thập thông tin không phải dễ. Ngoài ra, địa hình nơi chôn cất LS đã thay đổi rất nhiều theo thời gian nên để tìm được địa điểm chính xác là rất khó khăn.

Việc tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ được các địa phương trong tỉnh tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Ảnh: Tư liệu
Việc tìm kiếm, quy tập, an táng hài cốt liệt sĩ được các địa phương trong tỉnh tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Ảnh: Tư liệu

Theo kết quả khảo sát giữa Hội Cựu chiến binh tỉnh với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, hiện toàn tỉnh có trên 16.000 LS, trong đó có trên 10.000 mộ LS nằm trong các nghĩa trang và hơn 1.000 mộ LS chưa xác định được danh tính. Vũng Liêm, Tam Bình và Mang Thít là những địa phương đã ghi nhận được nhiều thông tin chính xác về mộ LS.

Việc tìm kiếm và quy tập hài cốt LS thời gian qua đã được lồng ghép với chương trình tổng rà soát thực hiện chính sách người có công với cách mạng. Các đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh cũng từng bước hoàn thiện hồ sơ, danh sách LS đang quản lý, xác định danh sách LS của từng đơn vị trong chiến tranh.

Ông Võ Văn Lùng cho rằng, để thực hiện tốt việc tìm kiếm và quy tập hài cốt LS phải tổ chức thu thập thông tin thật bài bản từ mọi tầng lớp nhân dân. Quá trình thu thập thông tin, đến tìm kiếm và quy tập phải thực hiện thật nghiêm túc, kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể.

Cô Út Lài cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục xác minh thông tin một số LS quê Vĩnh Long từng chiến đấu trong đội hình các đơn vị chủ lực và hy sinh trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tiếp tục vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình LS khó khăn, giúp họ ổn định cuộc sống, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, có điều kiện đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương.

NGUYỄN THỊNH