"Đánh cược" với tử thần

Cập nhật, 17:06, Thứ Hai, 18/06/2018 (GMT+7)

Đê biển Tây những năm gần đây luôn trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt là những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thời tiết diễn biến hết sức phức tạp, gây sạt lở biển ngày một nhanh hơn.

Người dân cất nhà sinh sống khu vực ngoài đê biển Tây (phía trong kè cơ bản), khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh.
Người dân cất nhà sinh sống khu vực ngoài đê biển Tây (phía trong kè cơ bản), khu vực vàm Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh.

Dưới sự tác động trực tiếp của sóng biển khiến rừng phòng hộ biển Tây ngày càng thu hẹp dần và có nguy cơ vỡ đê. Thế nhưng, ở đây có những con người vì mưu sinh phải sống bám khu vực phía ngoài đê, bất chấp nguy hiểm chực chờ.

Hiện tại, những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất trên tuyến đê biển Tây có thể kể đến là vàm Tiểu Dừa, thuộc Ấp 11, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Hiện nhiều đoạn phần rừng phòng hộ phía trong kè bảo vệ đê hoàn toàn biến mất, sạt lở tiến sát thân đê. Theo nhận định của ngành chức năng, điểm sạt lở này đặc biệt nguy hiểm, có khả năng gây vỡ đê rất cao, đe doạ trực tiếp đến đời sống người dân.

Giỡn mặt tử thần

Chỉ tay về một cồn đất nhỏ choi loi, xung quanh toàn nước, phía ngoài đê, trên ấy có mấy căn nhà xiêu vẹo như trên một đảo nổi. Anh Phạm Văn Cường, Ấp 11, xã Khánh Tiến, nói tỉnh bơ: “Nhà tôi trước ở đó, mới bị sập nên thuê trên này cất được mấy tháng nay. Hôm đó mưa dông, sóng lớn lắm, nó bưng nguyên căn nhà quăng đi chỗ khác. Thấy không ổn mới dời vô đây! Sống ngoài đó cả chục năm rồi, năm nào cũng lở, tới mùa thì nước ngập hơn nửa ống chân, nhưng năm nay không dám ở dưới nữa”.

Vàm Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh bị sạt lở nghiêm trọng
Vàm Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh bị sạt lở nghiêm trọng

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sợ như anh Cường. Mặc dù họ biết nguy hiểm nhưng vì nhiều lý do, mà sâu xa vẫn là mưu sinh, họ sẵn sàng chấp nhận đánh đổi hiểm nguy cho miếng cơm, manh áo.

Mới vừa kéo điện chia hơi từ phía trong đê ra căn nhà của mình được ít lâu, chị Trần Mỹ Nương, Ấp 10, xã Khánh Tiến, vội vã hỏi: “Ủa, quay phim, chụp hình làm gì vậy chú, có lập biên bản gì không”. Biết được lý do chúng tôi đến, chị mới thoải mái trải lòng: “Ở đây có cả chục hộ cất nhà, nhiều nhất là ở Ấp 11. Sống ngoài này đến mùa mưa vất vả lắm, có khi nước ngập đến đầu gối. Khi có dông, sóng lớn thì hồi hộp từng cơn, nhưng biết sao được, nhà nghèo, không đất sản xuất, chỉ biết sống dựa vào nghề biển. Nếu lên bờ thì lấy gì mà sống đây. Mỗi mùa mưa đến, mấy anh kiểm lâm tới nhà vận động lên bờ liên tục, có khi một ngày mấy bận nhưng đành nín thinh làm lì. Cũng tội cho mấy anh ấy”.

Hiện tại, đoạn đê khu vực vàm Tiểu Dừa, cả bờ Bắc và bờ Nam đang sạt lở nghiêm trọng với chiều dài trên 80 m, ở trong khu vực kè cơ bản, có thể dẫn đến vỡ đê bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, người dân vẫn bất chấp sống quanh khu vực ngoài đê. Người vì mưu sinh, người đã được bố trí tái định cư nhưng không chịu di dời, do vẫn chưa thống nhất mức hỗ trợ bồi thường khi bị ảnh hưởng từ dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đê biển Tây trên địa bàn xã Khánh Tiến.

Ông Lâm Thanh Phong bày tỏ: “Trước khi đi nhận tiền, họ ghi rõ số tiền được nhận là hơn 41 triệu đồng. Lần đầu đến, họ hoãn lại không cấp, đến lần 2 họ chỉ cấp có 7 triệu đồng. Họ nói là bù vào phần được nhận đất tái định cư”. Vợ ông Phong cũng bức xúc: “Bù là bù thế nào, đất tái định cư là được xét cấp, còn được hỗ trợ di dời mà nói thế thì ai mà chịu. Khi nào cấp đủ số tiền trên chúng tôi sẽ dời liền, cấp lúc nào dời lúc đó”.

Thực tế trên địa bàn xã Khánh Tiến cũng vì lý do bồi hoàn không thoả đáng mà nhiều hộ nhất quyết ở lại, không chịu di dời lên khu tái định cư hoặc nơi khác.

Bảo vệ đê và bảo vệ dân

Ông Lâm Văn Vốn, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, cho biết, đoạn đê biển Tây thuộc địa bàn xã đi qua 8 ấp với chiều dài trên 17 km, có 44 hộ dân sống ở khu vực ngoài đê, làm ảnh hưởng đến rừng phòng hộ cũng như việc bảo vệ thân đê. “Mấy năm nay xã Khánh Tiến không xảy ra tình trạng vi phạm trên tuyến đê, cũng như lấn chiếm hành lang bảo vệ đê. Về số hộ sống ngoài đê, xã giữ ổn định những hộ đã sinh sống trước đây, không để phát sinh thêm”, ông Vốn cho hay.

Thế nhưng, thực tế tình hình các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến đê biển Tây rất phức tạp, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, nhiều phương tiện ghe, tàu neo đậu trong phạm vi công trình này. Hiện trên địa bàn xã Khánh Tiến, khu vực cống Tiểu Dừa, có 4 hộ kinh doanh cất nhà trên phà thu mua hải sản phía ngoài cống. Họ vi phạm là thế, nhưng đến nay vẫn chưa thể vận động được để các hộ này di dời vào phía trong.

Về tình hình người dân cố tình cất nhà ở phía ngoài đê, ông Lâm Văn Vốn cho biết: “Đa số những hộ này kinh tế khó khăn, không đất sản xuất. Họ đã hết hợp đồng thuê đất rừng phòng hộ, một phần được bố trí vào khu tái định cư, một số hộ đã vận động nhiều lần nhưng không chịu dời vào”.

Khi được hỏi về trường hợp người dân không thống nhất mức bồi thường đã qua, ông Vốn nhận xét: “Thực tế mức bồi thường của mỗi dự án khác nhau, do người dân không biết và một phần là khi điều tra áp giá bồi thường không chính xác. Sau khi rà soát lại mới đưa ra giá thống nhất. Người dân thấy giá bồi thường lúc đầu đưa ra thấp hơn nên mới xảy ra khiếu nại, không đồng tình”.

Rõ ràng, dù bất cứ lý do gì thì ngành chức năng cần phải có biện pháp giải quyết thoả đáng để ngăn chặn tình trạng người dân lấn chiếm, cất nhà dọc theo hành lang bảo vệ đê. Điều này không chỉ bảo vệ đê biển Tây không bị sạt lở, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển mà còn bảo vệ tài sản, tính mạng người dân. Ngành chức năng cần nhìn lại mức độ hiệu quả của các dự án di dời dân, nhất là các khu tái định cư hiện nay./.

Theo Báo Cà Mau