Cảm ơn những con đường tôi đã đi qua...

Cập nhật, 13:33, Thứ Năm, 21/06/2018 (GMT+7)

Tôi là một người may mắn vì tìm được việc làm yêu thích ngay sau khi ra trường. Gần 8 năm đi làm, nghề báo dạy cho tôi cách sống, cách yêu thương, chia sẻ. Nghề cho tôi những nụ cười, những giọt mồ hôi, nước mắt… 

Để rồi, những con đường công tác đã qua là bấy nhiêu kỷ niệm, bao lần vấp ngã để trưởng thành hơn và tuần nào không đi công tác xa là không chịu nổi, lòng cứ cồn cào...

Kỷ niệm cùng các chiến sĩ biên phòng ở Cửa khẩu Thường Phước.
Kỷ niệm cùng các chiến sĩ biên phòng ở Cửa khẩu Thường Phước.

Lớn lên qua những con đường

Tôi đến với nghề báo bằng ước mơ của một con bé nhà quê, được tư vấn chọn ngành bằng những cuốn báo cũ mua lại từ gánh ve chai và những bài báo làm tôi thích thú nên quyết định chọn nghề.

Có rất nhiều người và nhiều ý kiến khác nhau khi “tám” chuyện với tôi về nghề báo. Tôi nghĩ nghề nào cũng có những khó khăn riêng, nghề báo không chỉ là nghề lao động trí óc, cần kỹ năng mà còn cần cả lao động chân tay nữa!

Đó là những khi nhịn ăn cả buổi trưa để làm xong tin bài gấp, những ngày liên tiếp làm việc trên 12 tiếng đồng hồ,... Có những khi một mình chạy xe máy liên tục hàng trăm kilomet hay những chuyến hành trình dài ăn ngủ trong môi trường quân đội nơi heo hút với những chiếc giường đơn sơ, tắm nước sông, ngủ một mình ở đảo xa không có điện… Đôi khi vừa chạy xe vừa tủm tỉm cười vì mới gặp được một nhân vật hay, làm được đề tài mình mong ước.

Và mới đây thôi, con đường còn dạy tôi phải biết bảo trì xe, biết bình tĩnh trên đường tác nghiệp. Trong chuyến đi công tác từ xã Nhơn Bình- Hòa Bình (Trà Ôn) về trong mưa, tôi thấy xe tải từ trong đường nhỏ lao ra. Thắng. Lết bánh xe sau và… té.

Trong lúc chiếc xe và tôi văng ra giữa đường, tôi còn “hơi vui” vì mưa nên máy ảnh đã để an toàn trong cốp lại có bao chống sốc. Trong vòng 1 phút 30 giây với sự hỗ trợ của một người đi đường, tôi đã lên xe tiếp tục chạy về Vĩnh Long. Những con đường đã dạy cho tôi bài học ngoài thay nhớt, chiếc xe cần được kiểm tra thắng, bố,… cẩn thận định kỳ.

Tôi phát hiện ra mình bình tĩnh một cách lạ thường bởi cái suy nghĩ “suốt ngày đi ngoài đường, trầy sơ sơ vầy là may mắn lắm”.

Tôi cũng có những chuyến đi hãi hùng. Đó là con đường ngoằn ngoèo, tránh thị xã Vị Thanh (Hậu Giang) và toàn là đồng ruộng. Đến “cánh đồng chó ngáp” với những cung đường tên số 500- 700- 1000,… trời đổ mưa to. Vậy là mặc kệ tất cả, tôi nhanh chóng bỏ “đồ nghề” vào cốp xe và tiếp tục về Vĩnh Long. Bởi vì, tôi- nhà báo và là một người mẹ- xong việc muốn về ngay với đứa con nhỏ của mình.

Đó là những chuyến đò dọc qua cù lao Dài (Vũng Liêm) chông chênh vì mưa gió, đó là hôm đi tin tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo ở xã Thanh Bình, Quới Thiện. Với một người không biết bơi như tôi thì đó là một áp lực rất lớn. Mặc kệ ánh mắt của nhiều người qua phà, tôi… mặc áo phao.

Đó là lần đi Tây Nguyên, đi Côn Đảo theo đoàn mấy ngày đêm. Tin, bài luôn đều đặn dù đi hay ở và phải tranh thủ chiêm ngưỡng nơi mình đến để rồi “Nơi ta qua lòng bỗng thấy yêu hơn”…

Là phóng viên, vui chơi làm sao được khi đoàn đi mà bạn vừa đi theo để phỏng vấn rồi chụp ảnh. Ngoài ra, nhà báo còn phải quan sát xung quanh tìm thêm đề tài, tư liệu. Khi mọi người nghỉ ngơi, ăn cơm… nhà báo phải viết tin, bài gửi về.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Sau hơn 7 năm làm báo, tôi già lên trông thấy vì thường xuyên thức khuya dậy sớm và nước da đen hơn vì nắng. Nhưng hơn hết, tôi hạnh phúc với công việc và sự lựa chọn của mình.

Những con đường tôi đã đi qua cho tôi gặp được những con người, những bài học quý. Đó là những câu chuyện ngày xưa của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những tấm gương bình dị mà cao quý. Đó là những con người nghèo khó vẫn không nguôi khát vọng đổi đời,...

Nhờ đó, tôi có thêm những người bạn, những người thầy. Mỗi người dạy cho tôi một chút của họ, nhiều cái một chút đó giúp mình lớn hơn. Chúng tôi hiểu là cuộc sống cần phải cho đi, cần có một tấm lòng.

Những lần đi công tác về đề tài chất độc màu da cam hay giảm nghèo, chúng tôi thường chuẩn bị sẵn tiền vì biết chắc chắn rằng không thể cầm lòng khi gặp nhân vật.

Có khi, tôi không nén được những xót xa với cảnh đời không lành lặn và cố tìm cách vận động giúp đỡ họ. Nghề dạy cho tôi biết yêu thương cuộc sống, quý trọng gia đình, bản thân, công việc và hạnh phúc của mình.

Và rồi, sau những chuyến đi tôi lại học hỏi nhiều, biết nhiều hơn. Lại tiếp tục trăn trở khi đề tài còn dang dở, lại ngủ không yên vì kế hoạch công tác chưa lên hay đau đầu vì nghĩ ra hướng đi cho đề tài mới.

Nhà báo không phải là “thợ viết” cũng không phải “nhà văn”. Nhà báo cần viết bài đầy đủ theo trang, mảng mình phụ trách chớ không phải “đợi có cảm hứng mới viết” nhưng cũng không vì vội mà cho ra đời những tác phẩm vô tâm!

Vượt qua tất cả, tôi cảm ơn đời đã cho tôi chọn đúng nghề mà tôi yêu quý! Cảm ơn đã cho tôi làm việc ở một cơ quan luôn xem nhau như gia đình!

Cảm ơn những cô, chú biên tập luôn nhẹ nhàng góp ý, xây dựng cho chúng tôi trưởng thành hơn! Cảm ơn những anh chị em đồng nghiệp luôn hào phóng và sẵn lòng giúp đỡ! Cảm ơn gia đình đã là chỗ dựa vững chắc để tôi bước tiếp với nghề!

Bài, ảnh: CAO THỊ HUYỀN