Hành trình về với Trường Sa

Kỳ 2: Nặng tình Nam Yết, Sơn Ca

Cập nhật, 05:26, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Cách nhau chỉ 12 hải lý, Sơn Ca và Nam Yết tựa “cặp đôi” đẹp thơ mộng như 2 công viên xanh nhẹ nhàng trồi lên từ biển. Cây lá như tấm áo khoác mát dịu, như… tự nhiên mà có, miên man trải dài và bao trùm lên toàn đảo, tạo nên bức tranh đẹp ngỡ ngàng, tiếp nối giữa các mảng màu: xanh trời- xanh biển- xanh cây, càng làm bật lên nét duyên mịn màng của nền cát trắng san hô như bừng lên giữa trời hè rực nắng.

Đến thăm Sơn Ca, Nam Yết không chỉ có vẻ đẹp của thơ mộng, mà còn có chút lâng lâng say, ấm áp tình của những nụ cười rám nắng, có bất chợt niềm vui hội ngộ người lính “đồng hương” Trà Vinh- Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp.

Dâng hương tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Dâng hương tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đảo cát Sơn Ca

Đúng 21 giờ ngày 3/5, tàu KN 491 nhổ neo tiếp tục hải trình hướng về đảo Sơn Ca. Tàu dần rời xa Song Tử Tây trong đêm, cảm giác những ngọn đèn “còn thức” trên đảo như những ánh mắt trông theo.

Ánh sáng cuối cùng có thể nhìn thấy, là ánh chớp xuyên đêm của ngọn hải đăng đang thức gác cùng những người lính đảo.

Gió lồng lộng giữa trời đêm mênh mông mang chút se se lạnh thật dễ chịu. Những con sóng chồm lên tràn vào 2 bên mạn tàu phả nồng nàn mùi vị mặn mòi của biển cả.

Còn tôi sẽ thức cùng biển đêm với sự háo hức của điểm đến phía trước, khi bình minh lên sẽ là điểm dừng chân nơi đảo cát Sơn Ca.

Bữa ăn sáng diễn ra thật chóng vánh, chẳng ai có thể “bình tâm” khi mà Sơn Ca đã trước mặt kia rồi. Đảo nhỏ, có hình bầu dục xa trông cái màu xanh của cây cối nhô lên khum khum như con rùa biển, 2 doi cát trắng xóa ở 2 đầu đảo vươn ra thật xa, ở một góc đảo nổi bật kiến trúc của ngọn đèn biển đứng vượt lên cao như thu hút mọi ánh nhìn.

Sơn Ca là đảo đặc biệt có khuôn viên rộng chừng 100m2 và tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bên cạnh âu tàu ngó mặt về hướng Tây- là phía đất liền, xung quanh là những loại cây tự nhiên trên đảo như: cây tra, bàng vuông, phong ba, xen lẫn bóng dừa và nhiều loài hoa đủ sắc màu được đưa ra từ đất liền; trong đó, có cây kim giao được lấy từ ngôi nhà số 30, phố Hoàng Diệu, Thủ đô Hà Nội- ngôi nhà của Đại tướng.

Việc quan trọng đầu tiên trên đảo của đoàn là cùng dâng hương, dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh của người giữa địa đầu biển, đảo này đã trở thành chỗ dựa của niềm tin, tăng thêm sức mạnh, tinh thần của mỗi chiến sĩ.

Cho nên, như một lẽ tự nhiên, khuôn viên này được tất cả những người lính đảo đặc biệt quan tâm. Từng hạt giống, mầm cây, mớ đất từ đất liền được mang ra sau mỗi chuyến về phép, cũng như nhận từ những đoàn khách ra thăm, là tấm lòng, tình cảm của chiến sĩ trân trọng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Để thấy được trọn vẹn vẻ đẹp của đảo, tôi đi dọc theo kè chắn sóng dẫn đến ngọn đèn biển Sơn Ca, không khó lắm để leo lên tầng trên cùng.

Từ đó sẽ thấy sự thích nghi của thiên nhiên, cũng như sinh hoạt của con người tùy theo mùa gió thổi, mà dân đảo quen gọi là mùa chạy gió.

Tùy theo hướng gió mà bãi cát bồi cũng thay đổi, đối với Sơn Ca, người lính cũng phải che chắn di dời những vườn rau tùy theo hướng gió, ở đây chỉ cần một cơn sóng biển ập lên là bao nhiêu rau xanh sẽ héo úa không còn một cọng.

Là đảo nhỏ không có nước ngọt, không có đất mà chỉ toàn cát trắng trộn lẫn san hô vụn và… sỏi đá, vậy mà từ đâu màu xanh ngút ngát, có cả cây trái của đất liền cũng góp mặt ở đây? Đây cũng là câu hỏi của tất cả người đất liền: “Ngoài đảo có cây cối gì không?”

Có lẽ, biển đảo Việt Nam cũng mang phẩm chất con người Việt Nam vậy, càng khắc nghiệt thì chí càng cao, tinh thần càng vững chãi.

Cây cối cứ vươn lên trên nền cát trắng, giông bão có quật ngã bật gốc bao hàng cây cổ thụ, chiến sĩ lại nâng cây lên và cây lại điềm nhiên đứng dậy mà tiếp tục tỏa xanh.

Thực tế, đó là cả một quá trình cải tạo từng chút, từng chút, nâng niu từng bao đất từ trong nhà ra, lính đảo đi gom lá, lớp mùn phân chim lá mục, để chăm bẵm từng mầm cây, hạt giống.

Qua bao thế hệ đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, trên đảo mới có được như thế đó. Cho nên cái màu xanh ấy là hình ảnh của sự quyện chặt, kết tinh công sức, tình yêu giữa đất liền và biển, đảo.

“Người lính 3 đảo” quê Trà Vinh

Đồng chí Trương Văn Sáu (phải)- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, Phó trưởng đoàn công tác số 12- thăm hỏi, động viên Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp trên đảo Sơn Ca.
Đồng chí Trương Văn Sáu (phải)- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, Phó trưởng đoàn công tác số 12- thăm hỏi, động viên Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp trên đảo Sơn Ca.

Trong suốt hành trình lên thăm mỗi đảo, đoàn Vĩnh Long luôn nhận được lời dặn dò cẩn thận của đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long, Phó trưởng đoàn công tác số 12: “Anh em lên thăm đảo, nhớ chú ý hỏi thăm có chiến sĩ đồng hương để kịp thời thăm hỏi, động viên”.

Cuộc hội ngộ bất ngờ với Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp- mà chúng tôi xin phép gọi vui là “người lính 3 đảo”- diễn ra thật ấm áp.

Mọi người đều muốn trò chuyện thật lâu, hỏi thăm thật nhiều với Thượng úy Nghiệp dù anh quê ở Trà Vinh. Nhưng với người Vĩnh Long, Trà Vinh là “một nhà” mà, cũng từ tỉnh Cửu Long mà thôi và truyền thống 2 tỉnh còn gắn bó biết bao tình.

Ngay trước cột mốc chủ quyền đảo Sơn Ca, đồng chí Trương Văn Sáu vui mừng, nắm tay thăm hỏi Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp, đồng thời trao riêng món quà nhỏ động viên tinh thần cố gắng rèn luyện, học tập tiếp tục đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp giữ gìn biển, đảo vinh quang.

Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp mời một số anh em đoàn Vĩnh Long về phòng. Trên bàn trà, có cả… phin cà phê tựa hồ như “treo nỗi nhớ” trước mắt dân miền Tây vậy.

Suốt buổi trò chuyện, Thượng úy Nghiệp luôn cười rạng rỡ, giọng nhỏ nhẹ, từ tốn. Người chiến sĩ ấy đã có thâm niên 14 năm trong quân chủng Hải quân; đặc biệt vinh dự là anh lính miền Tây ấy đã được luân chuyển qua 3 đảo trong thời gian gần 3 năm được phân công ra huyện đảo Trường Sa.

Thượng úy Nghiệp cho biết, từ năm 2005 được phân công công tác thuộc Lữ đoàn Hải quân 101, đóng quân ở TP Cam Ranh (Khánh Hòa), vào giữa năm 2015 là một vinh dự bất ngờ khi được ra công tác tại đảo Trường Sa Lớn, sau đó là đảo Nam Yết và hiện là Thượng úy phụ trách khẩu đội pháo của đảo Sơn Ca.

Phút thư giãn lính đảo Sơn Ca xem biểu diễn văn nghệ.
Phút thư giãn lính đảo Sơn Ca xem biểu diễn văn nghệ.

Luôn nở nụ cười hiền lành, song ánh mắt ẩn chứa bên trong sự gan lì và mỗi câu nói vừa đủ thể hiện sự bản lĩnh, rất nhẹ nhàng Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp chia sẻ: “Nếu có hy sinh để giữ đảo là chuyện rất bình thường, tất cả mọi chiến sĩ ở đây đều xác định rất rõ ràng.

Ngay trước mặt mình là đảo Ba Bình do Đài Loan chiếm giữ trái phép, đảo lớn nhất quần đảo Trường Sa. Tuy Sơn Ca là đảo nhỏ, nhưng phía sau là cả quân chủng Hải quân, cả quân đội anh hùng và 90 triệu người dân Việt Nam. Đảo của mình, đó là lẽ phải làm nên sức mạnh quan trọng nhất”.

Ở tuổi 32, nhưng mãi đến tháng 6 tới đây, Thượng úy Nguyễn Văn Nghiệp mới có niềm vui làm cha đứa con đầu lòng. Và phải đến đầu năm 2019 mới có phép về thăm nhà- “Lúc đó, con gái em được 8 tháng rồi”- Nghiệp cười giòn, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Thương người lính đảo, mọi tình cảm riêng tư phải lùi lại cho nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, nhưng vinh quang này không phải ai cũng có được.

Chúng tôi cứ nắm tay, dặn dò hẹn gặp nhau ở đất liền. Tạm biệt Sơn Ca, chúng tôi có cuộc di chuyển ngắn đến thăm đảo xanh Nam Yết.

Nam Yết xứng đáng được mệnh danh là đảo xanh, khi ngay trung tâm đảo là chòm cây cổ thụ rợp bóng mát. Riêng cây bàng vuông cổ thụ với 9 ngọn bung tàng được công nhận cây di sản đã che mát một khoảng sân rộng mênh mông.

Ở Nam Yết, có rất nhiều loại cây ăn trái quen thuộc của Nam Bộ, từ mít, xoài, đu đủ, mãng cầu, cho đến hàng dừa dọc hai bên đường dẫn ra đến mép biển.

Trong khi các anh chị em nghệ sĩ Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp An Giang chuẩn bị cho buổi giao lưu văn nghệ, tôi cùng vài người bạn trong đoàn thả bộ theo con đường dẫn ra cuối đảo.

Nằm lặng lẽ dưới bóng dừa là một nghĩa trang với 5 ngôi mộ xếp hàng như đội hình, trong đó có những cái tên chưa tròn tuổi đôi mươi.

Các anh đã hy sinh trong thời buổi hòa bình và giờ tiếp tục nằm lại nơi đây cùng với đảo, cùng với bao đồng đội tiếp tục nhiệm vụ người lính biển.

Những nén nhang thành kính và phút giây lắng lại bùi ngùi, tri ân sự hy sinh những người lính trẻ. Tiếng chuông chùa Nam Huyên kề bên ngân nga, chạy dài trên sóng, như ru các anh dịu dàng giấc ngủ quê hương.

Tại tòa nhà Trung tâm Văn hóa đảo Nam Yết, bà Đoàn Thị Hậu- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn- xúc động bày tỏ tình cảm cùng các chiến sĩ: “Ở nơi biển đảo xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió với trăm ngàn thiếu thốn, khó khăn này, các anh đã lặng lẽ công tác, lặng lẽ làm việc và chính điều đó, làm cho các anh lặng lẽ tỏa sáng”.

Đảo Nam Yết có diện tích khoảng 10,4ha thì cây xanh chiếm tới gần 2/3. Trong đó, ngoài các cây phong ba, bàng vuông, tra thì dừa là loại cây được trồng nhiều nhất, cũng bởi vậy mà người ta còn đặt cho đảo cái tên thân thương: “đảo dừa”. Gần như trong khuôn viên, dọc các đường đi, lối lại trên đảo đều được trồng dừa. Cây dừa xuất hiện ở đây từ lâu, nên thân to, sần sùi, ngọn cao chót vót.

Kỳ 3: Nước mắt Gạc Ma

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG