Tản văn

Nắng dễ chịu làm sao

Cập nhật, 19:33, Chủ Nhật, 01/04/2018 (GMT+7)

Giữa trưa nắng nóng, lòng đang chật chội, vướng vít muốn tìm một chỗ ngồi thoáng đãng để tránh cái nóng dội vào căn phòng trọ. Vậy là dẫn chiếc xe ra chạy tìm đâu đó cho “vừa lòng”.

Nhìn hoa bằng lăng tím nở trên đường Nguyễn Huệ, bắt gặp hình ảnh dưới sắc hoa tím những cô cậu sinh viên ngồi ở hàng ghế đá trước cổng trường sư phạm. Trên đường Lê Thái Tổ, những bông hoa vàng nhỏ li ti rơi rụng.

Hoa điệp vàng rực rỡ ở một góc trời kia đã mang lại sự lãng mạn, nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhạc sĩ. Chẳng như Nguyễn Ngọc Thiện: “Cây điệp vàng trước nhà em mỗi tối/ Sắc hoa vàng rụng xuống kín chân tôi/ Không hò hẹn sao tôi còn mãi đợi/ Đứng lơ ngơ lóng ngóng dưới hiên đời”.

Và cây điệp vàng rực rỡ và đẹp nhất với lứa tuổi học trò. Phố đẹp và lãng mạn vậy mà ta nào có hay. Nhịp thời gian vội vã chảy qua, ta đã bỏ quên nét đẹp lãng mạn xung quanh ta.

Bỗng nghe tiếng rao bán bánh lá dừa phát từ chiếc xe gắn máy. Tôi tìm mua chiếc bánh, mua ký ức tuổi thơ của tôi. Những chiếc bánh thon dài, màu vàng bắt mắt. Chú ơi! Cho con xin tấm ảnh nhe.

Những chiếc bánh lá dừa thon dài, với màu vàng bắt mắt được treo đầy cổ xe.
Những chiếc bánh lá dừa thon dài, với màu vàng bắt mắt được treo đầy cổ xe.

Người bán bánh cười tươi, sẵn sàng cho tôi một tấm ảnh đẹp với cổ xe toàn bánh với bánh. Những chiếc bánh gói đẹp giống nhau, kích cỡ bằng nhau với màu vàng bắt mắt.

Và có giây phút tranh đấu với chính mình. Mình có nên hỏi ai gói bánh cho chú bán? Vợ chú chắc khéo tay lắm? Hay chú lấy bánh ở thủ phủ Bến Tre để bán?... Nhưng rồi lại thôi không hỏi. Vì tôi thích cái đẹp, tôi sợ chú kể nhà khó khăn, con đi học,...

Giữa cái nắng nóng tôi muốn tìm những điều đẹp nhất. Hãy để tôi tự tưởng tượng ra người vợ chú đang ở nhà lau lá, mở nắp khạp lấy ra những quả chuối chín, hái những trái dừa vừa khô tới chuẩn bị gói bánh để bán tiếp hôm sau.

Rồi chiều chú về, vợ chú ra xem trên xe chú bán bánh hết chưa. Rồi người vợ khen chồng mình bán giỏi quá… Viễn cảnh đẹp cho đời mình thêm vui. Tôi nghĩ, đôi lúc cũng nên nghĩ như thế để thêm yêu cuộc đời, để mọi điều mãi đẹp trong ta, để cái nắng trưa thêm phần dễ chịu.

Cầm chiếc bánh lá dừa, đây là món quà tuổi thơ, chiếc bánh thơm ngon trở thành đặc sản của vùng sông nước miệt vườn. Bánh lá dừa với miếng nếp dẻo, béo thơm vị cốt dừa mang đậm ký ức tuổi thơ của mỗi người dân xa quê.

Và người nước ngoài biết thưởng thức, đánh giá về nghệ thuật ẩm thực của chiếc bánh lá dừa. Vì vậy mà loại bánh này đã “cất cánh bay” sang Hàn Quốc theo đường “xuất khẩu”.

Chiếc bánh lá dừa làm tôi nhớ đến chị và đi tìm chị. Vì có lần chị kể cho tôi nghe mẹ chị ở quê làm bánh lá dừa bán ở chợ quê. Đã có lần chị rủ tôi và chỉ đường cho tôi đến nhà chị. Tôi đã đến được con hẻm chị chỉ.

Giữa phố thị hấp hải, tôi hỏi người trên phố tìm đến nhà chị. Tôi hỏi người thanh niên đang loay hoay với những dĩa cơm cho khách. Tay vừa cắt miếng sườn nướng vừa hướng dẫn đường tận tình. Đi thẳng bỏ mấy căn nhà, nhà phía trước có cây hoàng yến.

Ở một góc, tiếng cụ bà đang rửa dĩa chén: “Má bán cho. Con dẫn cô ấy đi đi, chớ nhà khít vầy cổ biết nhà nào”. Tháng 3 trời nắng chang chang mà sao thấy lòng mình mát rượi. Tôi thích nét đẹp ấy làm sao! Nhất là khi nét đẹp hiển hiện ở phố thị hối hả.

Nhờ anh bán cơm mà tôi tìm được đến nhà chị. Hai chị em ngồi chuyện gần chuyện xa. Đứa con gái chị nhận chiếc bánh lá dừa từ tay tôi ngắm nghía. Quay sang hỏi, “sao không gọi bằng tên gì khác mà gọi là bánh lá dừa vậy mẹ”.

“Vì nó được gói bằng lá dừa”. Vậy thôi. Chị giải thích thẳng đuột như chiếc bánh lá dừa. Và hình như tiếng lá dừa chạm vào nhau, tiếng khẽ ấy mô phỏng cả âm thanh giai đoạn tuổi thơ chị bên “vú”.

Chắc âm thanh ấy đã giúp trí não gợi lên những hình ảnh của “vú” chị đang ngồi nạo dừa, gói bánh, bắc nồi nước to đùng và ở phía dưới là cây trâm bầu to tướng, dài ngoằng đang cháy…

Chị đến bên bếp lấy ra 2 thanh tre dài và đen bóng, mòn ở đầu. Chị nói, “mấy thanh tre này “vú” tôi dùng để trộn nếp với đậu đen. “Vú” mất lâu rồi, tôi giữ chúng để làm kỷ niệm”.

Hình ảnh này y chang hình ảnh tuổi thơ tôi! Âm thanh ấy đã “kích hoạt” trí não của tôi quay về quá khứ như đã từng với chị. Có một người từng bảo với tôi, nghe mùi rơm rạ mà không thèm cá lóc nướng trui coi chừng tâm hồn đã bị “mọt ruỗng”. May cho tâm hồn tôi và chị!

Lòng chị sống ở phố mà không cần “trùng tu”, vì lòng chị “y nguyên” như thời ở với “vú” chị. Chị không trang điểm bề ngoài nhưng chị trang điểm cho tâm hồn mình mỗi ngày khi ở với phố.

Nắng hôm nay dễ chịu làm sao, nhờ những hình ảnh, âm thanh cứ đưa ta về khung trời kỷ niệm này đến vùng hồi ức kia như những cơn gió mát rượi thổi vào ta.

Bài, ảnh: MAI KHA