Kỳ mộc gỗ lũa ngọc am

Cập nhật, 19:38, Chủ Nhật, 01/04/2018 (GMT+7)

Trong lần lên thăm Đồng Văn (Hà Giang), một người bạn ở Hà Nội giới thiệu tôi tìm gặp anh Ngọc Tuấn là người dân tộc Tày- gia tộc anh mấy đời đi buôn hàng từ Hà Giang về Hà Nội, anh Tuấn là người khá sành về gỗ ngọc am (còn gọi là hoàng đàn). Lần đó, anh Tuấn giúp tôi mua được 3 tác phẩm gỗ lũa ngọc am, cũng là duyên may.

Những tác phẩm gỗ lũa ngọc am mà tác giả đã mua từ Đồng Văn (Hà Giang).

Những tác phẩm gỗ lũa ngọc am mà tác giả đã mua từ Đồng Văn (Hà Giang).

 

Tại hội chợ thương mại- nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Long vừa qua, có dịp “hội ngộ” loại kỳ mộc này, càng hiểu thêm giá trị của loại gỗ được mệnh danh là “ngọc bích” của núi rừng Hà Giang.

Gian hàng chuyên đặc sản của tỉnh Hà Giang, trong đó phần lớn là các sản phẩm từ gỗ quý ngọc am, một loại gỗ hầu như đã tuyệt chủng, nên ngày nay chỉ còn có thể sưu tầm phần lũa gốc còn sót lại chôn vùi trong đất sâu hay khe suối trên núi cao mà thôi.

Vì gỗ quý hiếm nên cũng dễ bị giả mạo trên thị trường mà giá thì rất đắt. Tại gian hàng đặc sản Hà Giang, những gốc lũa nhỏ thôi cũng tầm 4- 5 triệu đồng, có gốc trên chục triệu nhưng có lẽ do nhiều người dân miền Tây chưa hiểu hết giá trị của loại gỗ quý này cũng như chưa quen chơi gỗ lũa, nên theo chủ gian hàng thì những ngày hội chợ không bán được bao nhiêu.

Ngọc am là kỳ mộc với rất nhiều đặc tính hiếm có, mà điểm nổi bật là tỏa ra mùi thơm độc đáo mà đã ngửi một lần là khó quên được.

Trong phòng khách, chỉ cần đặt một gốc lũa ngọc am sẽ luôn tràn ngập mùi hương làm sảng khoái tinh thần và còn có tác dụng xua đuổi ruồi muỗi, côn trùng. Chính đặc tính này, mà ngọc am luôn bị (hay được) săn lùng ráo riết.

Anh Ngọc Tuấn (Đồng Văn- Hà Giang) cho biết, theo lời kể của ông mình thì nhiều năm trước người Trung Quốc đã săn lùng mua gỗ lũa dữ lắm, nên ngày nay khó tìm được bóng dáng cây này trên rừng núi Hà Giang mà đa số chỉ còn lại phần gốc còn sót bị vùi sâu trong đất. Tuy nhiên, phần gốc mới chính là nơi tập trung tinh dầu, hương thơm nhiều hơn phần thân cây.

Gian hàng gỗ lũa ngọc am Hà Giang tại hội chợ ở tỉnh Vĩnh Long vừa qua.
Gian hàng gỗ lũa ngọc am Hà Giang tại hội chợ ở tỉnh Vĩnh Long vừa qua.

Đối với người dân Hà Giang thì gỗ ngọc am được ví như viên ngọc mà thiên nhiên đã dành tặng con người, quý hiếm tới mức ngày xưa chỉ có những bậc vua chúa, đế vương mới được sử dụng.

Nghệ nhân sẽ thực hiện đẽo gọt tạo ra các đồ vật khác nhau như giường, bồn tắm, ốp tường, ghế, thùng xách nước… trong cung cấm. Nếu tắm bằng bồn gỗ ngọc am sẽ giúp lưu thông khí huyết, thải bỏ độc tố ra ngoài cơ thể.

Bên cạnh đó, sản phẩm này còn ngăn chặn rôm sảy đối với trẻ nhỏ, giúp tinh thần thoải mái, tỉnh táo hơn. Đặc biệt, hương thơm mà gỗ ngọc am sở hữu cũng khiến ruồi muỗi tránh xa. Tinh dầu gỗ ngọc am có tác dụng trong việc cải thiện, làm chậm quá trình lão hóa da, cải thiện tình trạng nám, tàn nhang cực kỳ công hiệu.

Ngày nay, các đại gia săn lùng ráo riết cũng vì chúng sở hữu những công dụng tuyệt vời đối với sức khỏe như trên.

Người dân Tây Bắc cho rằng, ngọc am được giới nhà giàu săn tìm ráo riết một thời gian dài vì nó còn là biểu tượng của tâm linh. Những tràng hạt, tượng gỗ, gối đầu… được làm bằng gỗ ngọc am đều có tác dụng trong việc trừ tà khí, mang tới thịnh vượng cho gia chủ.

Do đó, để thể hiện được đẳng cấp, địa vị của mình, “dân chơi thứ thiệt” đều săn tìm và mua cho bằng được những khúc gốc, gốc cây, bức tượng được chế tác từ gỗ quý của núi rừng.

Một gốc lũa ngọc am có giá 5 triệu đồng.
Một gốc lũa ngọc am có giá 5 triệu đồng.

Từ những gốc lũa tìm được trên rừng sâu, núi cao, được sự sáng tạo, trí tuệ và bàn tay khéo léo của những nghệ nhân mà gỗ lũa ngọc am có thể đục chạm, điêu khắc để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật cực kỳ độc đáo, ấn tượng.

Để từ đó, gỗ lũa ngọc am sẽ có cuộc đời thứ hai ý nghĩa và bền chắc hơn. Nó mang nặng sự hoài niệm, gửi gắm tình cảm, tình yêu bền vững, trí tưởng tượng của nghệ nhân.

Anh Ngọc Tuấn giải thích rằng, trên thị trường người ta giả mạo gỗ ngọc am bằng cách tẩm ướp mùi thơm; do đó, khi mua nên cẩn thận dùng dao vạt sâu vào thân gỗ mới có thể kiểm tra thật giả. Khi dùng khăn ướt lau lên thân gỗ, lập tức mùi hương sẽ tỏa ra đậm đặc hơn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG