Nhà thơ Song Hảo

Một đời người, một đời thơ

Cập nhật, 07:09, Thứ Bảy, 03/03/2018 (GMT+7)

Ngày Tết Nguyên tiêu, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Song Hảo- người con của đất cù lao An Bình (Long Hồ). Chị đã song hành cùng những biến thiên, thăng trầm của thơ ca Vĩnh Long qua nhiều thập kỷ, cũng là một trong các nhà thơ nữ tiêu biểu cho thi đàn Việt Nam đương đại.

Dân tộc Việt vốn yêu thơ ca và đã có truyền thống thơ ca từ hàng ngàn năm nay. Do đó, dù cuộc sống có ngày càng nhanh, càng gấp gáp hơn, thì một ngày riêng để cùng lắng đọng, tưởng nhớ, tôn vinh những tác phẩm và những cuộc đời thơ ca là đáng quý, tự hào biết bao.

 

Nhà thơ Song Hảo (trái)- một trong các nhà thơ nữ tiêu biểu cho thi đàn Việt Nam đương đại, song hành cùng bao thăng trầm của thơ ca Vĩnh Long. Trong ảnh: Nhà thơ dự Hội Báo Xuân Vĩnh Long năm 2018.
Nhà thơ Song Hảo (trái)- một trong các nhà thơ nữ tiêu biểu cho thi đàn Việt Nam đương đại, song hành cùng bao thăng trầm của thơ ca Vĩnh Long. Trong ảnh: Nhà thơ dự Hội Báo Xuân Vĩnh Long năm 2018.

“Hồn nhiên” viết, “hồn nhiên” yêu

Khoảng thập niên 1990 đến năm 2000, không khí văn nghệ Vĩnh Long nhộn nhịp, vui vẻ và đầy sinh khí. Thời ấy lực lượng sáng tác vừa đông vừa sung sức, “anh em văn nghệ sĩ từ miền Bắc, miền Trung và các tỉnh ĐBSCL cũng xúm xít về “mái nhà văn nghệ” Vĩnh Long rất vui vẻ, đầm ấm”.

Các nhà văn lớn thỉnh thoảng đến nói chuyện về văn chương và truyền cảm hứng cho rất nhiều tác giả cho ra đời tác phẩm hay. Những bài thơ tiêu biểu của Song Hảo cũng ra đời trong giai đoạn này từ những trại sáng tác và duyên đến khi các nhạc sĩ bắt gặp những bài thơ hay và phổ nhạc, trở nên “đình đám” một thời.

Song Hảo bồi hồi nhớ lại, ngày ấy những nghệ sĩ rất nghèo nhưng chan hòa, hồn nhiên. Sống hồn nhiên nên viết cũng rất hồn nhiên.

Chị chắt chiu từng phút, từng giây để sáng tác: “Thức đêm thức hôm, để sẵn giấy viết trong mùng, suy nghĩ gì thì bật dậy viết. Hai tập thơ đầu tiên ra đời ở… chái bếp, nằm sấp viết, hồn nhiên chứ không chắt lọc và suy tư điều gì”.

Chị nhận thấy sự thay đổi khi đất nước mở cửa, văn hóa nước ngoài du nhập vào Việt Nam, người viết được tiếp cận cái mới, nghiệp viết từng bước được nâng lên theo xu thế mới, cũng từ đó mà văn chương bị chi phối, tác động bởi nhiều thứ. Có lẽ đôi lúc, đôi nơi, thơ ca dường như “hụt hơi” trong dòng chảy sôi động, ồn ào của nhịp sống mới.

Song Hảo cho rằng, văn nghệ sĩ là người rất nhạy cảm, vui buồn trên đời này họ đều bị tác động. Chị ví họ như một sợi dây đàn, chạm nhẹ một cái sẽ rung lên, lúc rất trầm, lúc cao bổng. Thanh âm đó lan sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc đời, vì thế mà thơ tìm thấy tiếng nói đồng cảm từ nhiều tầng lớp trong cuộc sống.

Do đó, chị tin rằng sự trầm lắng thơ ca không hẳn là sự yếm thế, mà nó như mạch sống ngầm lặng lẽ song hành cùng đất nước và thời đại, nhưng nó cần có một sự chuyển mình mạnh mẽ để phù hợp và đuổi kịp những xu thế mới.

Nói về quan điểm sáng tác, nhà thơ Song Hảo khẳng định, mọi sáng tác đều bắt nguồn từ cuộc sống: “Có tích cực, càng không thể tránh khỏi tiêu cực. Thấy điều gì đó sai trái giống như con sâu đang đục thân cây, nếu không bắt con sâu đó thì sẽ làm chết cây. Trách nhiệm của người viết là góp phần làm đẹp cho đời”.

Đối với chị, vai trò của người sáng tác là đi theo kịp thời đại, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ thì người cầm viết cũng phải mở rộng tầm nhìn…

Nhạc sĩ Trần Tiến từng nói: “Đời nghệ sĩ như cỏ tự mọc, như hoa tự thơm ở đâu đó. Hồn nhiên”. Khi va vào đời, lại rất khó giữ được hồn nhiên. Người sáng tác thì rất cần “hồn nhiên”. “Hồn nhiên” sống và “hồn nhiên” viết.

Song Hảo tên thật là Lê Thị Tố Lan, sinh năm 1951, tại xã An Bình- Long Hồ. Chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Song Hảo: tập thơ “Khoảng trời nhiều gió”, “Dòng sông của em”,…

Suy tư quanh quẩn nghiệp thơ

Khi nói về thế hệ tương lai, nhà thơ Song Hảo nhận xét tuổi trẻ bây giờ viết rất sáng tạo và tư duy, trình độ thưởng thức văn học nghệ thuật cũng được nâng lên. Tuy nhiên, lực lượng kế thừa còn khá mỏng. Phải biết cách đầu tư chất xám mới có tác phẩm hay.

Đó là quá trình dài hạn, đòi hỏi văn nghệ sĩ phải có cảm xúc thật, được nuôi dưỡng, tạo điều kiện, khả năng của từng người cần phải được khơi dậy, tìm hướng đi cho họ bằng cách mời nhà văn có tên tuổi, có kinh nghiệm để chia sẻ cách viết, cách tư duy, nắm bắt đề tài, bộc lộ cảm xúc, chọn lọc. Và hơn hết là người viết phải đi… để tạo cảm xúc.

Giá trị sáng tác phải công bằng, đồng tiền tương xứng với giá trị tác phẩm thì người nghệ sĩ sẽ làm việc cật lực, đầu tư chất xám nhiều hơn để có tác phẩm chất lượng. Mọi người không tập trung tư duy để làm nên một tác phẩm tốt vì tự tạo cho mình cái nếp qua loa đại khái và giới hạn mình ở đó.

“Những chuyến đi sáng tác ngoài tỉnh tạo cảm xúc mới, đi để nhìn lại mình, so sánh để phấn đấu hơn. Đi thực tế sáng tác, đi nhiều mới có cảm xúc nhiều, xem người ta sống thế nào rồi mình cảm nhận cuộc sống, chọn lọc rồi viết”- nhà thơ Song Hảo suy tư.

Chị nhớ sau mỗi chuyến đi thực tế sáng tác, mọi người có rất nhiều tác phẩm hay. Song Hảo là người tổ chức chuyến đi sáng tác xuyên Việt đầu tiên ở ĐBSCL.

Chị cho rằng phải tranh thủ từng chút, tìm hiểu kỹ điểm đến xem nơi đó có gì đặc trưng, chọn đi vào những sự kiện văn hóa tiêu biểu: tham gia lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, ghé Ngã ba Đồng Lộc, đến nghĩa trang Trường Sơn, sống cùng Hội An đêm trăng rằm, thăm quê Bác, dự hội đền Hùng,… Những chuyến đi làm mới cảm xúc, làm mới bản thân.

Khi nhắc đến Song Hảo, người yêu thơ luôn nghĩ về một hồn thơ đôn hậu. Hồn thơ như khuôn trời biếc, là cánh diều chao nghiêng ngoài trời xanh, là cơn gió mát lành mang theo hương thơm của cây trái miệt vườn nhưng không thiếu phần tinh tế, đượm tình.

Lại thêm một mùa Nguyên tiêu đầy ý nghĩa, Song Hảo lại bồi hồi nhớ về những mùa Nguyên tiêu của năm nào. Đó là khoảng thời gian mà nhiều năm liên tiếp, Song Hảo cùng những người bạn ngồi trên ghe lang thang ngắm cảnh sông nước, đọc thơ, kể chuyện đời.

Ấn tượng của chị về “Ngày thơ” đầu tiên được tổ chức ở Vĩnh Long vẫn còn vẹn nguyên vì hôm ấy không chỉ có thơ, có nhạc mà còn tổ chức tọa đàm, triển lãm tranh ảnh. Họ viết thơ lên bất cứ vật liệu nào có thể viết: viết trên gốm, hòn đá, dải lụa. Anh em nghệ sĩ từ các tỉnh cũng tụ họp về ngâm thơ, chia sẻ tình yêu thơ, thật đầy cảm xúc đầm ấm yêu thương như một “gia đình thơ”.

Trong đêm trăng tròn đầu tiên của năm mới, chúng tôi muốn gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến nữ nhà thơ và những người xem thơ ca là cả cuộc đời. Song Hảo hỏi chúng tôi “làm sao giữ được mãi hồn nhiên?”- chẳng cần giữ gì cả vì chúng tôi tin ở câu nói của nhạc sĩ Trần Tiến: “Đời nghệ sĩ như cỏ tự mọc, như hoa tự thơm ở đâu đó. Hồn nhiên”

Người yêu nhạc biết nhiều đến Song Hảo khi bài hát “Mùa xuân bên cửa sổ” được nhạc sĩ Xuân Hồng phổ thơ. Nhà thơ Văn Công Hùng (ở Tây Nguyên) đã nhận xét: “Nhớ cái hồi ca sĩ Ái Vân đang nổi với bài hát có cái câu: “Mặt đất còn chông gai/cuộc đời còn bão tố/bao giờ anh đau khổ/hãy tìm đến với em…” (Tâm hồn, tháng 2/2009) làm xốn xang bao trái tim chả cứ đàn ông, mà cả đàn bà…


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY