Một thuở trầu cau

Cập nhật, 19:30, Thứ Ba, 20/02/2018 (GMT+7)

 

Mâm lễ vật trầu cau.
Mâm lễ vật trầu cau.

Rồi sẽ có một ngày không xa, chúng ta sẽ bắt đầu kể chuyện ăn trầu của ông bà mình bằng cái câu: “Ngày xửa, ngày xưa…” y như câu chuyện cổ tích “Trầu cau” vậy.

Hỏi có buồn không? Biết nói sao đây, chỉ thấy lòng gợn lên niềm luyến tiếc, bâng khuâng khi một nét đẹp văn hóa phải nhường bước trước sự xáo trộn, lấn át của những dòng chảy thời đại.

Đó là quy luật của cuộc sống mà chúng ta phải biết bình tĩnh chấp nhận và an nhiên sống trong cái tâm thế “gạn đục khơi trong” để cố giữ gìn vốn quý của dân tộc bằng cách này hay cách khác. Vậy thôi!

Tiếng vọng ngoái trầu trong cõi nhớ

Nhớ lắm những trưa hè tĩnh lặng, gian nhà yên ắng đến chừng như rộng ra thênh thang, thỉnh thoảng tiếng thằn lằn trên kèo nhà tặc lưỡi, vẫn nghe nổi rõ mồn một tiếng ngoáy trầu đều đều của nội, thong thả như nhịp gõ của cái đồng hồ hiệu ODO treo trên vách.

Và thường, ăn trầu giác trưa của nội bao giờ cũng có bà Năm thả bộ lại chơi, nội ngồi trên tấm phản ngựa bằng gõ đen bóng, dáng ngồi “nửa xếp bằng” (chân nằm, chân đứng) là cái dáng ngồi nền nã, bắt buộc với phụ nữ xưa, trên vai vắt cái khăn rằn để lau miệng.

Nếu có đứa cháu nào ở đó, thế nào nội cũng “nói Nho” bằng những câu chuyện của Bách gia chư tử để răn dạy cháu con.

Hình ảnh vườn trầu cũng không còn nhiều.
Hình ảnh vườn trầu cũng không còn nhiều.

Bà ngoại tôi thì ăn trầu cách khác, mà tôi gắn liền với ngoại nhiều kỷ niệm hơn. Tiếc là đâu khoảng năm 75- 76 tuổi gì đó, răng ngoại cứ thay nhau rụng trên, rụng dưới xệu xạo cả.

Mỗi lần ăn trầu hay nhễu nhão, ngoại nói: “Ăn trầu là noi theo tục ông bà xưa cho đẹp, cho giữ lễ nghĩa, còn ăn mà thấy ghê, thấy xấu quá thì thôi”. Vậy là ngoại dứt cái một, cái ô trầu bằng đồng với đầy đủ bộ sậu cất vô góc tủ, còn tôi… hết được đi mua trầu cho ngoại.

Mới kể có 2 người đã là 2 “cá tính” ăn trầu khác nhau, cho nên chúng ta thấy tục ăn trầu của dân tộc hay lắm, vừa mang đậm nét văn hóa chung của dân tộc, lại vừa thể hiện cái phong thái, cái nết ăn trầu rất riêng của từng người.

Tự ngàn xưa và từ Bắc chí Nam, tục ăn trầu đều giống nhau với trầu, cau, vôi, thuốc xỉa; đều chuyển tải cái triết lý và ý nghĩa lễ nghi như nhau, nhưng đồng thời nó thể hiện cái riêng không ai giống ai.

Người thích têm thiệt nhiều vôi, người xỉa cục thuốc rê bự chảng độn lận vành môi trên, người phải xấp lần 2- 3 lá trầu ăn mới đã, người thì bạ đâu nhổ toẹt đó, người luôn phải có cái ống nhổ trầu cho sạch sẽ…

Mà hễ ai ăn trầu thì cũng đều vắt vai cái khăn rằn lau miệng; dù thỉnh thoảng cũng có bà cong đôi ngón tay trỏ và tay cái bo tròn theo vành môi hoặc kéo ống quần lên lau miệng. Thiệt tình, hồi xưa nhìn quen mắt cũng thấy cái nét này… hay hay, ngộ ngộ.

Mai này, còn ai ngoáy trầu không?

Giờ đây mỗi khi ngang qua chợ lớn nhỏ nào đó, nhìn những quầy hàng bán trầu cau thấy thương làm sao ấy, bởi nó không còn xôm như hồi xưa, vun đầy như thuở nào nữa rồi.

Theo mấy chị bán trầu cau, giờ đây chủ yếu là người ta mua để cúng kiếng hay đặt vào những dịp lễ hỏi, lễ cưới hoặc để dựng nêu trong ngày tết cổ truyền.

Như vậy, mừng là dù không còn song hành trong đời sống sinh hoạt ngày nay thì tục ăn trầu vẫn chưa hết vai trò của nó trong đời sống văn hóa, tâm linh người Việt.

Mai này, có còn ai ngồi ngoái trầu không?- Ảnh: Bà Ba (96 tuổi) ở Vũng Liêm.
Mai này, có còn ai ngồi ngoái trầu không?- Ảnh: Bà Ba (96 tuổi) ở Vũng Liêm.

Tục ăn trầu có từ bao giờ? Theo bà Nguyễn Thị Thắm- Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ: Tương truyền tục ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với câu chuyện cảm động về tình cảm anh em, vợ chồng. Từ đó, tục ăn trầu đã trở thành tập quán không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Việt Nam.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện giúp con người gần gũi, cởi mở với nhau hơn, miếng trầu tượng trưng cho tình yêu chung thủy lứa đôi, là chiếc cầu kết nối nam nữ nên duyên vợ chồng. Miếng trầu còn là biểu tượng cho sự thành kính của thế hệ sau với thế hệ trước qua mâm cỗ thờ cúng gia tiên, tế lễ thần linh.

Tục ăn trầu không còn phổ biến nhưng những vật dụng dùng trong tục ăn trầu vẫn còn nguyên giá trị, là dấu ấn của một phong tục tập quán mà người dân Việt Nam lưu giữ từ ngàn đời nay.

Cuộc trưng bày vừa qua của Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khiến chúng tôi không khỏi xúc động, khi gặp lại hình ảnh 2 bà cụ ngồi têm trầu trên bộ ván trải chiếu bông.

Đồng thời, có hơn 240 tư liệu ảnh, hiện vật trưng bày chủ đề “Tục ăn trầu các dân tộc Việt Nam” với những bộ sưu tập bình vôi, chìa vôi, ống nhổ, khay trầu, dao bổ cau, ống ngoáy trầu với chủng loại đa dạng về hình dáng và chất liệu.

Bà Nguyễn Thị Mai (73 tuổi, hiện ở Phường 5- TP Vĩnh Long), sinh ra ở Campuchia và cùng cha mẹ trở về Việt Nam năm 1970. Bà kể, hồi đó ngoại ăn trầu nên má cũng ăn theo từ nhỏ. Má nhờ têm trầu nên cũng mon men ăn thử riết ghiền.

Quét một lớp vôi lên đuôi lá trầu, cho thêm miếng cau (cau vừa cứng mới dẻo và ngon nhưng người già không có răng nên thường ăn cau non) rồi bỏ vào ống ngoáy.

Ăn vào thấy nồng nồng cay cay, nếu không quen sẽ bị say. Ăn xong xài thuốc xỉa. Nhúm thuốc xỉa ngậm bằng môi trên ở một phía của miệng để xỉa thường xuyên trong lúc nhai trầu, ăn xong mới nhổ ra hết.

Tại Triển lãm trưng bày tục ăn trầu ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.
Tại Triển lãm trưng bày tục ăn trầu ở Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long.

Còn bà Nguyễn Thị Đê (63 tuổi, Phường 3- TP Vĩnh Long) thì cho biết: “Ăn từ hồi 10 tuổi lận. Má ăn, rồi tui cũng ăn theo, ngồi ngoáy cho má nên bắt chước ăn theo luôn. Má không cho ăn vì má nói con gái ăn xấu. Hồi đầu phải chui vô kẹt tủ ngồi ăn. Vật dụng ăn trầu giữ như báu vật tới giờ này là kỷ niệm về má”.

Mai này, còn ai ngoáy trầu không? Chắc rằng là không rồi! Dù hiện tại vẫn chưa mất đi hẳn tục ăn trầu khi nó vẫn còn hiện hữu trong những nghi thức thờ cúng, cưới xin.

Và cũng rất hiếm hoi bắt gặp hình ảnh những bà cụ còn thong thả ngoáy trầu, ở một góc miền quê nào đó; để ai đó đứng lặng bồi hồi nhớ lại dáng má, dáng bà ngồi nhai trầu bỏm bẻm, rồi rề rà giọng kể cho con nghe những câu chuyện đời xưa.

Trong đó, có những lời dạy thiệt nhẹ nhàng, mà nó cứ lặng lẽ thấm vào máu thịt tự hồi nào hổng biết và nó tự nhiên chừng như hơi thở, chừng như nhịp đập của trái tim, cứ theo ta đến suốt cuộc đời này.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY