"Tôi yêu tiếng nước tôi"

Cập nhật, 05:27, Thứ Bảy, 09/12/2017 (GMT+7)

Ngoài tiếng Việt, không biết trên thế giới này có ngôn ngữ nào chỉ cần học 3- 6 tháng là có thể đọc được, viết được, hiểu được không? Tiếng Nhật phải mất 12 năm phổ thông mới tạm gọi là “xóa mù”, do đó họ phải in loại báo riêng cho học sinh tiểu học, THCS thì các em mới đọc được- vì nỗi khổ “Hán tự” (kanji).

Người nước ngoài học tiếng Việt nhận xét: Tiếng Việt líu lo như có nhạc, có thơ vậy. Tôi tự hào về điều này!

Tiếng Việt- phong phú và đa dạng- niềm tự hào của người Việt Nam. Trong ảnh: Các em ngoài đảo xa học Tiếng Việt. Ảnh: VINH HIỂN
Tiếng Việt- phong phú và đa dạng- niềm tự hào của người Việt Nam. Trong ảnh: Các em ngoài đảo xa học Tiếng Việt. Ảnh: VINH HIỂN

Tôi đi học tiếng Việt

“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”.

Đoạn mở đầu trong bài “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh là một “nỗi ám ảnh đẹp” đã vỡ lòng trong tôi về sự du dương, mềm mại, êm đềm của tiếng Việt, cũng đã góp phần giằng xé mỗi khi tôi phải suy nghĩ nên học Văn hay học Toán, học Hóa?

Trước đó, là bài học thuộc lòng tôi lên trả bài với cô Trường hồi lớp 1: “Trâu ơi, ta bảo trâu này. Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta…”.

Lớn lên một chút, tôi nhớ câu này: “Mỗi câu nói của tiếng Việt luôn có nhạc, có thơ trong đó, các em viết văn hay dở gì chưa biết, trước hết là phải êm tai cái đã”- đó là câu nói của cô giáo dạy Văn hồi cấp III- Nguyễn Thị Bạch Yến.

Cô là người ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Ngoài ra, hồi lớp 11 tôi may mắn được thầy Nguyễn Ngọc Diễm (con nhà văn, học giả Nguyễn Văn Hầu- An Giang) có tiết dạy thay ngay bài Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lần đầu tiên tôi được nghe “ca Kiều” mà cả cuộc đời nhớ mãi. Giờ đây mỗi lần gặp lại thầy, tôi vẫn thường nhắc lại tiết học đó.

Dễ như tiếng Việt- bài học đánh vần đầu tiên tiếng Việt. Ảnh: Internet
Dễ như tiếng Việt- bài học đánh vần đầu tiên tiếng Việt. Ảnh: Internet

Vài nét chấm phá, về cái nguyên nhân “đưa đẩy” tôi vào Khoa Văn, Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.

Ở đây, giai đoạn 1986- 1990, đời sinh viên lớp chúng tôi may mắn được tiếp cận những người thầy vô cùng đáng kính.

Đó là các thầy dạy văn chương như: GS Hoàng Như Mai, GS Nguyễn Lộc, GS Lê Đình Kỵ, GS Bùi Hữu Tá, GS Trần Thanh Đạm, thầy Lê Trí Viễn…

Các thầy dạy Hán văn: thầy Trần Trọng San, thầy Huỳnh Minh Đức, thầy Nguyễn Tri Tài (cháu Nguyễn Tri Phương), thầy Nguyễn Văn Rật (tiếng Nôm), đến các thầy dạy ngôn ngữ tài năng, đức độ như GS Nguyễn Đức Dân…

Nhờ đó, tôi mới hiểu phần nào vẻ đẹp lung linh, ảo diệu của tiếng nước tôi, tiếng tổ tiên, ông bà tôi, trải qua biết bao lần thăng trầm, “thoát xác” trở nên lộng lẫy, thêu hoa dệt gấm như ngày nay.

Đó là một gia tài vừa gần gũi máu thịt, vừa đồ sộ nguy nga như những cung điện huyền ảo trong “1001 đêm” vậy!

Và hạnh phúc thay, khi chúng tôi như những đứa trẻ run rẩy mà hồn nhiên, được các thầy “dắt” những bước chân đầu tiên vào ngôi đền văn chương, được xây dựng nên từ những “viên gạch” tiếng Việt tuyệt ảo của dân tộc.

“Mùa xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vàibông hoa”.

Truyện Kiều (Nguyễn Du)

Những câu thơ như thế này, dù có đọc cả ngàn lần vẫn cảm thấy tâm hồn mình tràn ngập niềm rung cảm, trước cảnh sắc mùa xuân và nhạc điệu ngôn ngữ, nhảy múa du dương như những giọt đàn miên man, sâu lắng.

Mà trong cả Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có đến hàng trăm, hàng ngàn câu, từ lung linh như thế. Xin thưa, dù là bậc thầy dịch thuật cũng không thể chuyển tải hết cái hồn cốt, tinh hoa của một tác phẩm bất hủ như thế ra với thế giới bên ngoài được đâu.

Có một người thầy dạy Truyện Kiều đã gây “cú sốc văn chương” êm ái trong suốt cuộc đời tôi, đó là thầy Lê Trí Viễn; bởi khi đứng trên bục giảng không phải thầy giảng Kiều mà là thầy “sống” với Truyện Kiều. Nó cuốn hút tâm hồn chúng tôi vào niềm khoái cảm đến mụ mị luôn. Tôi yêu Truyện Kiều và tôi yêu tiếng nước tôi.

Chỉ riêng Truyện Kiều thôi, chúng tôi van xin, khẩn cầu, đừng có một sự “cải biên”, “cải tiến” nào làm hỏng cái “tòa ngôn ngữ” nguy nga, lộng lẫy như thế. Đừng làm “kẻ đốt đền thiêng” của di sản dân tộc. Còn nếu cải tiến đối với nền ngôn ngữ tiếng Việt… thì tôi không dám nghĩ đến cái “thảm họa diệt ngôn” đó!

Tôi đi học tiếng Nhật

Khó như tiếng Nhật- Bộ 3 từ điển tiếng Nhật: Kanwa (Hán- Nhật), Kokkugo (quốc ngữ) và Katakana (từ điển ngoại lai ngữ- Gairaigo). Ảnh: NGỌC TRẢNG
Khó như tiếng Nhật- Bộ 3 từ điển tiếng Nhật: Kanwa (Hán- Nhật), Kokkugo (quốc ngữ) và Katakana (từ điển ngoại lai ngữ- Gairaigo). Ảnh: NGỌC TRẢNG

Tôi đi học tiếng Nhật hồi ở TP Hồ Chí Minh chưa có trung tâm tiếng Nhật nào, tôi học những tiếng Nhật đầu tiên bằng mẫu tự romaji (La tinh), do thầy Rật là thầy dạy tiếng Nôm cho tôi.

Sau đó, mới có Trung tâm Nhật ngữ Đông Du của thầy Hòe và Trung tâm Nhật ngữ Sakưra của chị Thủy và anh Trường từ bên Nhật về mở.

Tôi đi học trầy trật hoài mà không qua khỏi sơ cấp, vì học cóc nhảy, học lén bởi một khóa hồi đó là 90.000đ, hơn 1 chỉ vàng.

Nhưng tôi không bỏ cuộc, vì thầy Rật nói: “Phải học tới nơi, tới chốn tiếng Hán, tiếng Nôm và cả tiếng Nhật, sẽ hiểu thêm cái hay, cái đẹp của tiếng Việt mình”.

Dù hoàn toàn khác nhau về hệ ngôn ngữ, nhưng có cùng hoàn cảnh lịch sử là cả tiếng Việt và tiếng Nhật đều bị ảnh hưởng thâm căn cố đế của Hán tự.

Nhưng tiếng Việt thì “thoát xác” bằng cái vỏ ngôn ngữ La tinh, dễ đọc, dễ ráp vần; còn tiếng Nhật thì ảnh hưởng Hán tự (kanji) mãi mãi và mãi mãi.

Tiếng Nhật có 3 hệ thống chữ viết, nên người học phải sử dụng cả 3 hệ thống từ điển. Riêng tiếng Hán là chua nhất, làm cho lớp trẻ ngày nay nếu không học tới nơi, tới chốn sẽ không đọc được.

Trong khi đó, sách vở lên cao phải sử dụng khoảng 70% kanji, rất nhiều dự án, kế hoạch để thoát ra khỏi “kiếp nạn” đó mà người Nhật không thể nào thực hiện được.

Bởi thay đổi sẽ tạo ra sự gián đoạn, sự “đứt gãy” của quá trình ngôn ngữ và hầu như đoạn tuyệt với tàng thư tịch cổ, lịch sử… cùng rất nhiều vấn đề xã hội gây ra sự hỗn loạn, đảo lộn trong sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, khi một “sinh ngữ” bị biến thành “tử ngữ”.

Đặc biệt, trong thời buổi khoa học hiện đại, mọi hoạt động ngân hàng, tài chính, mã hóa, mã số mật mã trong kinh tế, quân sự, giao thông, an ninh… không thể “dừng lại” dù chỉ một giây.

Cho nên, người Nhật đành phải “ngậm bồ hòn” mà học kanji. Riêng cái sự tốn kém khủng khiếp của “cải tiến” chữ viết, cường quốc Nhật Bản còn phải chịu thua, ai dám bảo là “tiết kiệm”.

Trong khi tiếng Việt chỉ cần ráp vần đơn giản, trong vòng 6 tháng là có thể biết đọc, biết viết; tiếng Việt lại còn quá đẹp từ những lời ru đầu đời, cho tới những áng thiên cổ hùng văn, lồng lộng vẻ đẹp quyến rũ vậy, làm ơn đừng “cơi nới” thêm hay “cắt xén” bớt cái gì nữa cả.

Nghiên cứu thì cứ tiếp tục… trong phòng nghiên cứu, nhưng hãy luôn đặt nó trong cả dòng chảy ngàn đời của dân tộc và tham chiếu nó trong sự vận động bên cạnh những dòng chảy không ngừng nghỉ của thế giới xưa và nay.

NGỌC TRẢNG