Cái Nhum trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân

Cập nhật, 11:52, Chủ Nhật, 31/12/2017 (GMT+7)

Thời điểm năm 1968, huyện Mang Thít ngày nay có tên là Cái Nhum. Đây là địa bàn trọng yếu của tỉnh Vĩnh Long, trong đó sông Mang Thít là cửa ngõ chiến lược. Địch xác định muốn giữ được TX Vĩnh Long và không cho ta tiến công từ phía dưới lên thì phải cắt cho được tuyến sông này.

50 năm sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, thị trấn Cái Nhum đã là đô thị văn minh, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.
50 năm sau Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, thị trấn Cái Nhum đã là đô thị văn minh, đời sống người dân không ngừng được nâng lên.

Do đó, nơi này diễn ra những cuộc giằng co quyết liệt giữa ta và địch. Tuy gặp vô vàn khó khăn, nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Mang Thít đã anh dũng chiến đấu.

Giằng co từng tấc đất

Cái Nhum có vị trí chiến lược, lại có địa hình phức tạp nên việc lực lượng ta bám địa bàn hoạt động là vô cùng khó khăn.

Hơn nữa, nơi này hầu như không có vùng căn cứ, có chăng chỉ là vùng căn cứ do mở lõm, lực lượng cách mạng phải “ở đậu” nhà dân để chiến đấu với giặc.

Địch thì tìm mọi cách bình định cho được vùng trọng điểm sông Mang Thít, củng cố bổ sung đồn theo lộ 32 và các xã. Nơi đây, lúc ít nhất thì địch cũng có từ 700 đến 1.000 tên, cao điểm có 2.000- 3.000 tên, cộng với trên 1.000 bảo an dân vệ.

Chỉ tính riêng năm 1966, địch đã đổ quân ra bình định và đóng 6 đồn dọc tuyến sông Mang Thít và cứ 1km thì có 1 đồn. Địch cũng tổ chức canh giữ quyết liệt trên tuyến này để ngăn chặn quân chủ lực của ta từ Trà Vinh vượt sông lên TX Vĩnh Long.

Để chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô 1967- 1968, tháng 2/1967, đồng chí Nguyễn Ký Ức (Bí thư Tỉnh ủy) xuống Bà Giáo để uốn nắn tình hình của huyện.

Đến tháng 9 cùng năm, đồng chí Tư Rạng và đồng chí Tư Cẩn được Khu ủy và Tỉnh ủy cử xuống chỉ đạo địa bàn.

Đảng bộ huyện quyết tâm phải nhanh chóng làm thất bại âm mưu bình định cấp tốc của địch, bằng mọi cách phải phá kìm, phá lõm tuyến sông Mang Thít, đặc biệt là phải mở bằng được con đường từ Tân Long Hội về TX Vĩnh Long.

Trước khi bước vào Chiến dịch Xuân Mậu Thân, quân và dân Cái Nhum với “3 mũi giáp công”: vũ trang, chính trị và binh vận đã bứt rút được một số đồn dọc sông Mang Thít, cùng toàn bộ số đồn trên tuyến đường từ thị trấn đi Nhơn Phú- Cái Kè, tháo gỡ các đồn An Hương, Rạch Chùa, Cây Trôm, Cái Chuối và Miếu Trắng.

Lực lượng du kích các xã Hòa Tịnh, Bình Phước, Mỹ An, Long Mỹ, Chánh Hội kết hợp cùng nhân dân bứt hàng 2 đồn, bứt rút 2 đồn, diệt trên 30 tên ác ôn và phá hủy nhiều tàu.

Đóng góp của nhân dân

Trước khi bước vào Chiến dịch Xuân Mậu Thân, Cái Nhum chỉ có duy nhất xã Phước Chí là được giải phóng hoàn toàn, còn lại cũng không có xã nào giải phóng được “trọn ấp”.

Tình thế đó khiến lực lượng vũ trang khó bám trụ địa bàn nếu không có sự hy sinh, che chở quên mình của nhân dân.

Biết bao tấm gương sáng ngời như bà Hai Trầu đã vận động và dùng xuồng, ghe tiếp tế heo, gà, trâu, bò, bánh cho bộ đội.

Hoặc có bà con mượn được xe hơi nhưng không có xăng, không biết lái mà cũng hồ hởi đẩy xe từ thị xã về chở gà, vịt, cá, bánh,... chất đầy xe, rồi người cầm vô lăng, người xúm lại hì hục đẩy bộ.

Nhiều bà con sẵn sàng hiến tài sản, một phần ba hoặc gần hết số lúa, có gia đình hiến đến 50 giạ lúa, cả cái máy may cũng hiến cho cách mạng.

Từ sức mạnh to lớn của nhân dân, Huyện ủy Cái Nhum chủ trương đẩy mạnh hoạt động binh vận, bằng cách vận động gia đình, vợ con ngụy binh ra đứng xung quanh đòn bót kêu gọi người thân đầu hàng trở về với cách mạng.

Ban đêm thì cán bộ, du kích “bung” ra hoạt động xung quanh thị trấn khiến địch hoang mang, lo sợ, tạo tình thế vô cùng thuận lợi cho ta tháo gỡ đồn bót.

Vừa bao vây, cô lập, tuyên truyền, thuyết phục, vừa sử dụng lực lượng chủ lực, huyện Cái Nhum đã bứt rút được nhiều đồn bót dọc tuyến lộ 32, tuyến sông Mang Thít và hệ thống đồn bót ở các xã.

Theo đồng chí Trịnh Văn Lâu- nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, kết thúc chiến dịch, tuy bị tổn thất nhưng huyện Cái Nhum được Tỉnh ủy đánh giá là địa phương đã lập được nhiều thành tích toàn diện, cả về quân sự, chính trị, hậu cần và xây dựng lực lượng.

Về chính trị, huyện đã động viên được toàn dân tham gia, quân sự thì tấn công quyết liệt, binh vận thì làm rã ngũ và tiêu hao sinh lực địch, hậu cần cũng vượt trội hơn các huyện khác.

Sau khi kết thúc đợt 1 (gồm cao điểm 1 và cao điểm 2) của Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 11.000 tên địch, diệt và làm bị thương trên 9.000 tên, diệt 16 đại đội, đánh thiệt hại nặng 14 tiểu đoàn, bắn rơi và phá hủy 120 máy bay, 93 xe quân sự, bắn chìm và cháy 43 tàu chiến, dứt diệt 127 đồn bót. Ta giải phóng hoàn toàn và giải phóng cơ bản 15 xã, 319 ấp, 296.000 dân; thu hàng ngàn súng các loại.

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH

TIN LIÊN QUAN