"Vua" săn rắn đêm trên đồng lũ

Cập nhật, 11:52, Chủ Nhật, 05/11/2017 (GMT+7)

Màn đêm buông! Năm To (Huỳnh Văn Lớn, 45 tuổi, ngụ xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc- An Giang) điều khiển chiếc vỏ lãi lướt trên cánh đồng lũ biên giới Tịnh Biên và Châu Đốc “liền mí” quận Bray Chu Sa (tỉnh Tà Keo, vương quốc Campuchia) để bắt đầu hành trình mưu sinh với nghề săn rắn.

Trắng đêm săn rắn

Tiếng máy nổ chát chúa đẩy chiếc vỏ lãi “bay” trên đồng nước trắng xóa như xé tan màn đêm cô liêu và buồn tẻ. Năm To đưa chúng tôi trải nghiệm với nghề săn rắn đồng.

Mùa này, cánh đồng biên giới “ngậm” nước bao la, có chỗ ngập tới đầu nên càng làm chúng tôi tăng thêm cảm giác háo hức và thích thú.

Bất chợt trời nổi gió xào xạc, chiếc vỏ lãi vẫn cứ rẽ sóng ràn rạt, nước văng tứ bề, làm cả nhóm ước nhem.

Dù vậy, Năm To vẫn cố ghì chặt chiếc máy đuôi tôm hướng thẳng về cánh đồng xa còn nhiều lau sậy, cây cỏ um tùm. Se lạnh. Mọi người run bần bật.

Năm To nói lớn, cố nói át tiếng máy: “Sóng vầy còn nhỏ. Tới mùa gió bấc, sóng cao tới cả thước sẽ nhấn chìm xuồng ghe nếu người lái yếu tay chân”.

Để trấn an mọi người, Năm To chỉ tay về cánh đồng nói tiếp: “Chút xíu nữa là tới nơi rồi. Mùa nước nổi về, chỗ nào còn cỏ, cây cối là chuột, rắn trú ẩn nhiều vô kể. Nếu mình không bắt thì uổng lắm”.

Đến đoạn giáp mí với nước bạn Campuchia, Năm To tắt máy, nhanh tay cầm mũi chĩa có tra cán dài khoảng 3,5m (dụng cụ để bắt chuột, rắn).

Đây được xem là “bửu bối” và cũng là công cụ để Năm To chống chiếc vỏ lãi cho mỗi chuyến săn rắn. Xa xa là những bờ đê bị nước dìm ngập và lũ chuột, rắn tìm bụi cây, cỏ làm ổ để trú ẩn.

Nhìn thấy lũ chuột đồng trú trên ổ cỏ, nhanh như cắt Năm To lao chiếc chĩa tóm gọn được 5 con. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước tài “thiện nghệ” ấy.

Hơn 30 năm mưu sinh bằng cái nghề “bà cậu” nên Năm To rất am hiểu thời điểm nào có chuột, rắn trú ẩn nhiều tại cánh đồng biên giới này.

Năm To săn rắn trên cánh đồng biên giới.
Năm To săn rắn trên cánh đồng biên giới.

Năm To bồi hồi kể, thuở nhỏ theo một lão “cự phách” săn rắn đồng ở xóm. Sau đó, anh xuôi ngược miền biên giới làm ăn và săn rắn đồng, riết rồi thạo nghề.

Mỗi lần rọi chiếc đèn pha đến bụi cây, hễ thấy rắn đồng thì anh biết chắc chắn đó là loại rắn gì.

“Hổ đất cặp mắt phản chiếu với ánh đèn có màu đỏ. Hổ hành cặp mắt có màu sáng xanh giống mắt mèo. Hổ ngựa và hổ mây có màng trắng…”- Năm To giải thích.

Có kinh nghiệm trong nghề hạ bạc nên Năm To được dân trong xóm ví von là tay “thiện xạ” xếp vào hạng bậc nhất trong giới săn rắn đồng.

Trên đồng lũ, hễ thấy rắn đồng bò nơi thấp thì anh nhanh nhảu dùng tay chụp ngay. “Những con rắn trú ẩn trên cây cao thì mới đâm bằng chĩa. Còn con rắn nào bò dưới thấp thì dùng tay bắt cho nhanh”- Năm To chỉ cách săn rắn.

Thấy chúng tôi nhiều lần khen ngợi, Năm To khoe: “Cả xóm này có lắm người đi săn rắn đồng, nhưng ít ai có biệt tài vô đối. Tôi nhiều lần đi săn cùng cả chục người trong xóm. Khi về, tôi bắt vài chục ký chuột, rắn. Còn những người khác thì bắt khoảng hơn chục ký là cùng…”

 Nghề nguy hiểm

Mùa này hay xuất hiện những cơn mưa bất chợt trên đồng trống cũng đủ để làm ướt sũng chiếc áo cũ rích của Năm To. Tấm bạt đem theo vỏ lãi, Năm To dành phần cho chúng tôi che chắn.

Còn anh thì dầm mưa suốt đêm dài để mong có được nhiều “chiến lợi phẩm”. Nhìn bàn tay chai sần với làn da đen nhẻm của Nam To cũng đủ biết anh cơ cực cỡ nào.

Dẫu biết bắt rắn đêm thâu trên cánh đồng vắng là đồng nghĩa với chuyện gặp nhiều điều bất trắc, nhưng anh vẫn cứ cầm chĩa, vẫn cứ đi… “Sống trong cảnh khổ đã lâu nên quen rồi. Tôi có 4 đứa con trai, cố gắng làm để lo cho gia đình”- Năm To bày tỏ.

Nghề săn bắt rắn được người xưa xem là nghề nguy hiểm, nhất là trong những lần chạm trán với rắn hổ đất, hổ mây hoặc những con “rắn thầy”.

Nếu sơ ý bị chúng cắn thì sẽ mất mạng trên đồng vắng. Nghe Năm To kể đến con “rắn thầy”, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và lấy làm lạ.

Bởi, xưa nay đi nhiều ở vùng Thất Sơn, nhưng chưa hề nghe các lão sơn dân nhắc đến loài rắn này. “Nếu bắt không khéo bị rắn hổ đất táp thì toi mạng.

Còn bắt rắn hổ mây phải nắm thật mạnh tay ở phần cổ, vì răng chúng mà chạm vào tay thì xem như mất mạng. Còn “rắn thầy” là loại rắn đột biến, thân hình nhỏ bằng cườm tay, phần đầu to như chiếc quạt.

Giới đi săn rắn quan niệm, hễ gặp loài này thì bỏ chạy, nếu không sẽ bị mất mạng hoặc bị xui xẻo. “Rắn thầy” được mệnh danh là chúa tể của các loài rắn độc”- Năm To nói.

Mưa tạnh. Giữa cánh đồng nước mông quạnh tiếng ếch nhái xướng lên bài ca não nề và buồn bã. Chiếc đèn soi của Năm To liên tục “nhá” vào những cây lau, sậy để tìm những con chuột đồng, rắn đồng. Nghề này, bữa trúng bữa thất.

Có hôm đi vài cây số, Năm To săn được cả chục ký rắn. Còn hôm nào gặp trời mưa to thì rắn đồng leo lên đọt cây cao, rất khó bắt.

Năm To thổ lộ: “Mùa nước nổi, rắn đồng ú mập do có nhiều thức ăn. Trước đây, dùng chĩa bắt rắn là phổ biến nhưng bạn hàng chê rắn bị thương, bán không ai mua nên giá rất thấp.

Vì vậy, tui mới chuyển sang bắt tay, rộng sống. Ban đầu cũng ngán lắm chứ! Bắt riết quen nên gặp rắn là tóm cổ bằng tay không, còn khi nào rắn nằm trên cây cao thì mới bấm bụng dùng chĩa.

Mỗi đêm, tôi bắt khoảng 3-4 kg rắn nước, ráo trâu, chuột, bán với giá dao động từ 120.000- 200.000 đ/kg, bỏ sở hụi kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng”.

Nghề hạ bạc là vậy, bữa trúng bữa thất. Hôm nào thu hoạch được nhiều “chiến lợi phẩm”, bán được nhiều tiền thì vui. Còn hôm nào trời giông bão không đi săn được thì xem như đói.

Mùa nước cũng là mùa săn rắn, kéo dài chỉ hơn 1 tháng. Cuối mùa nước Năm To chuyển sang nghề giăng lưới, cắm câu để mưu sinh…

Trời vừa tỏ mặt, Năm To nhanh tay lái chiếc máy đuôi tôm mang “chiến lợi phẩm” từ biên giới về bán chợ xa. Ngày nay, rắn đồng được xem là món ăn đặc sản, dân dã do thiên nhiên hào phóng ban tặng trong mùa nước nổi.

Sau đêm dài vất vả, Năm To chừa lại vài ký rắn để thết đãi anh em. Chia tay Năm To, chúng tôi nhớ mãi những con người đồng quê chất phác và hào sảng ở miền biên viễn xa xôi này.

Ông Bành Thanh Hùng- Trưởng Phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm An Giang) nói rằng: “Các loại rắn thông thường như rắn nước, bông súng, ráo trâu, ri voi, ri cá… không nằm trong danh mục cấm săn bắt. Tuy nhiên, loài rắn hổ mang được bảo tồn nên nằm trong danh mục cấm săn bắt. Do đó, ngành chức năng lưu ý, nếu phát hiện bà con săn bắt, nuôi nhốt trái phép loài rắn nằm trong danh mục cấm săn bắt sẽ bị xử phạt theo quy định”.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH