"Tết sách" của thầy Thế

Cập nhật, 05:15, Thứ Hai, 20/11/2017 (GMT+7)

Chúng tôi tìm đến nhà Ths. Huỳnh Văn Thế- giáo viên dạy Ngữ văn ở Trường THPT Mang Thít vào một buổi chiều lất phất mưa.

Nhà thầy Thế lọt thỏm bên con đường đá phẳng phiu, 2 hàng cau vua chạy dọc điểm xuyết vài khóm hoa mười giờ. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, thầy Thế dành một phần cho sách, những quyển sách thầy mua hoặc xin được để “nuôi dưỡng tâm hồn” cho trò.

Dù bận rộn đến mấy, mỗi ngày thầy Thế vẫn dành thời gian đọc sách.
Dù bận rộn đến mấy, mỗi ngày thầy Thế vẫn dành thời gian đọc sách.

Từ chuyện làm “Tết sách”

Khoảng 15 năm về trước, thầy Thế tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn- Trường ĐH Cần Thơ và về dạy tại Trường THPT Mang Thít. Thầy còn nhớ nụ cười niềm nở của thầy Hiệu trưởng Võ Văn Bon, ánh mắt thơ ngây của học sinh vùng quê đã níu chân mình lại nơi đây, bởi “tôi ở xã Hòa Phú (huyện Long Hồ) và tôi từng ước mơ được về quê hoặc ra đảo Phú Quốc dạy học”.

Thương học trò không biết đọc sách gì ngoài sách giáo khoa, thương những bài kiểm tra sai chính tả be bét… Thầy Thế luôn canh cánh bên lòng ước mơ tặng sách cho học trò.

Vốn ham đọc sách từ nhỏ, thầy Thế luôn mong muốn truyền được tình yêu đó đến với trò. Nhìn học trò ở quê đứa nghèo thì không có sách, đứa có điều kiện thì cũng chưa biết thích sách, nên thầy càng muốn làm gì đó để sách đến được với các em.

Hai từ “Tết sách” được thầy góp nhặt từ những cuộc hội thảo khoa học và về triển khai ở trường mình. Năm 2015, “Tết sách” được thực hiện lần đầu ngay đúng ngày Sách Việt Nam, với 100 quyển sách thầy Thế mua và vận động giáo viên, phụ huynh trong trường cùng giúp sức.

Thầy Thế còn nhớ năm đầu tiên ấy, không ít người đã nghĩ thầy làm chuyện phí thời gian, nhưng thầy chưa bao giờ chán nản.

Thầy kiên trì viết thư xin sách qua nhiều năm liền, đến nay chương trình “Tết sách” đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều cá nhân, nhà xuất bản lẫn nhà thơ, nhà văn, phụ huynh cho đến học sinh.

Đến năm 2017 này, số sách thầy Thế xin được đã lên đến 900 quyển. “Học sinh thích đọc sách thì tự chọn mỗi em một quyển”- thầy Thế nói thêm- “Tôi chỉ là cầu nối vận động mọi người tặng sách cho học sinh vùng quê”.

Giở thử những quyển sách, hầu hết đều có chữ ký của người tặng. Thầy Thế giải thích: “Tôi nhờ người cho ký tên vào quyển sách như vậy, vì tôi muốn học sinh phải tri ân người đã tặng sách cho mình”.

Cách xin sách của thầy Thế cũng “không giống ai”, bởi thầy chỉ viết thư chứ không gọi điện thoại trực tiếp cho những cơ quan, đơn vị hay cá nhân thầy định xin sách. Thầy cho rằng: “Tôi viết thư dù biết mọi người có thể đọc hoặc không, họ có thể từ chối dễ dàng bằng cách im lặng. Bởi vì, tôi muốn người cho sách bằng cả tấm lòng, không miễn cưỡng ai”.

Đến “CLB sách và hành động Mang Thít”

Trong những câu chuyện mà thầy Thế nói, sách luôn là chủ đề và dường như cái gì thầy cũng quy ra… sách.

Khi “Tết sách” đã được tổ chức đều đặn và được nhiều người quan tâm thì thầy Thế lại mở rộng nó bằng cách thành lập CLB đọc sách. “Vì Tết sách mỗi năm chỉ tổ chức một lần thì ít quá”- thầy Thế nói. “CLB sách và hành động Mang Thít” được thành lập, nằm trong chuỗi CLB sách và hành động trong cả nước.

Thầy cùng học trò bàn về tác phẩm chuẩn bị giới thiệu trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ sắp tới.
Thầy cùng học trò bàn về tác phẩm chuẩn bị giới thiệu trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ sắp tới.

Những “hạt giống” cho CLB chính là học sinh giỏi Văn. Sinh hoạt CLB được thầy Thế lên chương trình sinh động nên thu hút nhiều người tham gia.

Bên cạnh, đưa sách cho học trò đọc trước và phân công người giới thiệu sách, CLB còn diễn kịch chủ đề liên quan, ca nhạc…

Ngoài hơn 20 thành viên, CLB còn mời nhà văn, nhà thơ, giáo viên và phụ huynh tham gia. CLB định kỳ mỗi tháng một lần và mỗi lần là một chủ đề khác nhau. Trong tháng 11 này, chủ đề được chọn: “Đời thầy là dòng sông”.

Để khuyến khích học trò đọc sách, trong chương trình Ngữ văn THPT, thầy Thế luôn liên hệ, so sánh với những tác phẩm văn học mới mình mới được tặng,… để học trò tìm đến mượn đọc.

“Tôi chỉ mong muốn việc làm của mình sẽ tác động được đến phụ huynh để họ quan tâm đến việc đọc sách của con em hơn và học trò phải đọc sách, có như vậy mới thay đổi được tư duy, tầm nhìn, bản lĩnh. Đồng thời, “tham lam” hơn một chút là mong việc làm nhỏ của mình có thể lan tỏa đến các vùng quê khác để trò ở nơi khác cũng có nhiều sách đọc”- thấy Thế cho hay.

Sách không chỉ cung cấp nguồn tri thức vô tận mà đọc sách còn để nuôi dưỡng tâm hồn, là cách giải trí khoa học và nhân văn. Bằng tình yêu sách, tình yêu học trò, thầy Thế đã và đang phát triển văn hóa đọc ở vùng quê này. Chúng tôi ra về, ước gì mỗi nơi đều có những ông thầy Thế- như thế!

Năm 2015, qua vận động, đóng góp, chương trình tết sách đã có khoảng 100 cuốn sách, tặng cho gần 100 học sinh. Năm 2016 vận động được hơn 300 cuốn sách, tặng cho hơn 200 học sinh. Tháng 4/2017, đã vận động được hơn 900 cuốn sách, tặng cho hơn 500 học sinh ở 2 điểm trường THPT Mang Thít và THPT Nguyễn Thông.

 

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- THẢO LY