Sề bánh dân gian ở phố

Cập nhật, 20:04, Chủ Nhật, 15/10/2017 (GMT+7)

 

Chiếc bánh gói cục mịch sau tấm áo lá chuối, nhưng ẩn bên trong tấm lá chuối ấy là miếng bánh trắng tinh, thơm mùi, béo vị.
Chiếc bánh gói cục mịch sau tấm áo lá chuối, nhưng ẩn bên trong tấm lá chuối ấy là miếng bánh trắng tinh, thơm mùi, béo vị.

Sống ở chợ, ở thành nhưng không khó bắt gặp những sề bánh dân gian. Những sề bánh ấy đã tưới tắm những tâm hồn đang đói khát hồn quê.

Tuổi thơ ai mà không gắn với miếng bánh chuối, bánh bèo, bánh bò, bánh lá… cơ chứ? Nhất là những người lớn tuổi gắn bó một thời với quê, giờ vì con, vì cháu, vì hoàn cảnh phải sống ở phố.

Chỉ nhìn thấy cái sề thôi cũng đủ gọi dậy cả miền ký ức tuổi thơ. Nhớ cái sề đan bằng tre, với những mắt thưa, lớn và nông hơn cái rổ.

Cái sề mà nội hay dùng để phơi bột làm bánh. Cục bột to đùng từ trong chiếc bồng vải vừa lấy ra được tôi bẻ từng miếng bột trắng tinh sắp đều trên chiếc sề để phơi. Màu trắng tinh khôi của thời non nớt rất đỗi dễ thương.

Mỗi khi hấp bánh chín, nội tôi lại đặt bánh vào chiếc sề ấy. Và ngày trước, hình như nhà nào cũng có sề cau phơi phía trước sân nhà. Vì ngày xưa người phụ nữ thường hay ăn trầu. Xóm giờ chỉ còn một hai người bằng tuổi với bà nội tôi còn ăn trầu thôi. Nét đẹp này đã dần dà mai một.

Sề bánh dân gian với nhiều loại bánh mang hình khối nhất định, mỗi một loại bánh dân gian như tượng trưng cho những sắc thái tình cảm muôn màu, muôn vẻ, gần gũi và yêu thương của người phương Nam. Sề bánh dân gian làm tôi nhức cả miền ký ức, vì trong sề bánh ấy có loại bánh gắn với tuổi thơ tôi.

Trí não tôi bơi hụt hơi tìm về mùa gặt. Nội xay từng lít gạo làm bánh gói. Thời ấy chưa có bán bột, giờ dù bột có bán khắp các chợ nhưng nội vẫn ngâm gạo xay bột.

Nội muốn tự tay xay bột bằng cái cối đá mà nội đã gắn bó một thời. Ước gì, đời này sang đời khác, lòng người vẫn trắng bong như dòng bột đang chảy trên chiếc cối đá đang xay. Ước gì, mình sống trong một xã hội không chôm chỉa, cướp giật, không tham ô, hối lộ… Cuộc sống đẹp chi bằng!

Quay lại chuyện cái bánh gói. Gạo được ngâm ngày trước mới đem xay. Lá chuối được rọc mang về phơi heo héo. Nội nạo dừa vắt nước cốt để pha bột và nấu đậu làm nhưn. Nồi bột pha xong bắc lên bếp, khuấy trên lửa vừa đến độ sền sệt. Nhắc nồi bột xuống đem gói.

Nghệ thuật qua từng giai đoạn, vì giai đoạn nào cũng cần độ vừa phải. Bột quá độ sệt, bánh sẽ khô. Lá chuối phơi quá độ heo héo sẽ có màu xám đen khi gói bánh mất đẹp... Miếng bánh trắng ngần dai dẻo của bột gạo, béo bùi của nước cốt dừa và đậu xanh.

Những chiếc bánh thơm ngon nội chuẩn bị để ông nội, cha và mấy chú tôi đem ra đồng ăn để lót dạ khi đói trong mùa gặt. Và nội không quên để dành phần cho chúng tôi khi đi học về ăn.

Chiếc bánh gói với tên gọi dân dã, mộc mạc, hình dáng cục mịch, khoác lên mình tấm áo lá chuối. Nhưng ẩn bên trong tấm lá chuối ấy là miếng bánh trắng tinh, thơm mùi, béo vị. Khác chi vẻ đẹp của người dân chân lấm tay bùn, khoác lên mình tấm áo sờn nhưng bên trong là một vẻ đẹp tâm hồn cao quý.  

Người ta chọn một sề bánh ưng ý ở một nơi nào đó ở chợ, ở một góc phố, khi nào muốn ăn bánh chỉ ghé vào nơi ấy mua chứ nhất quyết không chịu mua chỗ khác. Ở đó, họ tìm được vị bánh giống vị bánh của má, của ngoại, của nội… Ở đó, bánh ăn vào ngọt vị ký ức, miếng bánh ngon vì nhớ.

Cảm và thấy được rằng, phố là người tình đáng thương. Dù ở với phố nhưng lòng dành trọn cho bờ tre, bụi chuối nhưng phố hào phóng và rộng lượng. Phố đem đến cho ta những dư vị ngọt ngào ở quê của ngày xưa.

Vì vậy, ngay bây giờ, chúng ta hãy yêu thương phố dù thương cảm cũng chẳng sao. Giữ gìn vẻ đẹp và nguyên vẹn vốn có của những con lạch, bờ kinh, dòng sông. Bấy nhiêu thôi ta cũng đủ đền đáp lại tấm chân tình của phố.

  • Bài, ảnh: MAI KHA