Dọc miền phên giậu Tây Nam Tổ quốc

Kỳ 2: Nhịp cầu hữu nghị Việt Nam- Campuchia

Cập nhật, 05:22, Thứ Ba, 26/09/2017 (GMT+7)

Cầu Hữu Nghị không chỉ là chiếc cầu nối liền biên giới 2 nước cho người dân thuận tiện qua lại. Nhịp cầu hữu nghị ấy còn là mối quan hệ láng giềng lâu dài của những người dân.

Họ là sui gia, là người thân ruột thịt của nhau,… Và những “thầy thuốc quân hàm xanh” ở những trạm quân dân y kết hợp chính là biểu tượng đẹp đẽ, nhân văn, nhân đạo trong công tác khám chữa bệnh vô điều kiện cho người dân 2 nước.

Điều này làm sáng thêm phẩm chất người chiến sĩ biên phòng và “gia cố” vững chắc cho nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ bình yên miền biên giới.

Nhịp cầu Hữu Nghị nối liền Việt Nam- Campuchia.
Nhịp cầu Hữu Nghị nối liền Việt Nam- Campuchia.

Nối nhịp cầu hữu nghị, bình yên

Long An có đường biên giới giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia) qua địa bàn các huyện: Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và TX Kiến Tường.

Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân 2 nước không ngừng được vun đắp và phát triển, góp phần đưa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân 2 bên biên giới từng bước phát triển, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Về xã Khánh Hưng (huyện Vĩnh Hưng- Long An), chúng tôi có mặt tại cây cầu nổi tiếng nhất ở vùng biên này- cầu Hữu Nghị 1, nối liền xã Khánh Hưng của Việt Nam với xã Crúa (huyện Svay Chrum, tỉnh Svay Rieng- Vương quốc Campuchia).

Tại đây, người dân 2 xã biên giới vẫn qua lại buôn bán, trao đổi hàng hóa, nông sản và xem nhau như hàng xóm láng giềng.

Cô Cơ Riêng (xã Crúa) ghé vào Trạm Biên phòng làm thủ tục qua Việt Nam mua ít đồ dùng. Từ ngày có cầu Hữu Nghị 1, hầu như tuần nào, cô cũng xin qua, khi thì đi chợ, khi thì đi làm thuê, khi thì đi khám chữa bệnh.

Cô cho biết: “Nhà tui cách Việt Nam hơn 4km, trước đây qua lại phải đi bằng đò vừa chậm vừa tốn tiền. Nay có cây cầu đi nhanh hơn. Tôi thường qua đây mua bán rau cải, cá thịt”.

Câu chuyện hữu nghị, bình yên vùng biên giới tiếp nối theo hành trình xuôi về phương Nam, chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Thường Phước, thuộc huyện đầu nguồn Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Trong cửa hàng tạp hóa của Cô Năm ở xã Thường Phước 1, anh Sock Phon (xã Bi, huyện Pèm Chô- Campuchia) đang ngồi uống bia.

Anh Sock Phon uống một lon bia để giải khát, anh cho biết mới từ cửa hàng nông nghiệp ở Hồng Ngự về. Anh là rể Việt Nam, vợ anh quê ở Hồng Ngự này, ruộng thì bên Campuchia, nhưng mọi vật tư nông nghiệp đều phải chạy qua bên Hồng Ngự mua.

Anh nói: “Tui có 10 công ruộng, mua thuốc trừ sâu, xăng,… và nhiều thứ khác, đều qua Việt Nam mua vì rẻ hơn. Nhờ qua lại thường xuyên nên tui quen biết nhiều người ở đây, như bà Năm chủ quán này cũng mối quen à nghen!”

Tại cửa khẩu quốc tế Thường Phước, tuy hiện nay giao thông đường bộ chưa thông, song trong tương lai, đây sẽ là một nơi giao thương nhộn nhịp bởi đã có quy hoạch, đầu tư xây dựng.

Theo Thượng tá Chu Công Thành- Chính trị viên Đồn Biên phòng Thường Phước: Hiện nay, công tác phối hợp giữa biên phòng Thường Phước và lực lượng ở nước bạn Campuchia diễn ra thuận lợi, họp định kỳ hàng tháng xoay vòng, có khi họp bên mình, có khi họp bên bạn.

Do đó, công tác nắm chắc tình hình được đảm bảo, bình yên biên giới vì thế mà được thông tin qua lại với nhau thông suốt.

Có một chi tiết mà Thượng tá Chu Công Thành chia sẻ khá thú vị, bên kia là biên phòng Côroka (thuộc xã Côroka, huyện Pèm Chô, tỉnh Prey Veng- Vương quốc Campuchia), thì cả đồn trưởng, đồn phó đều là... “rể Việt Nam”.

“Ở đây, chuyện vợ là người Việt Nam, chồng là người Campuchia hoặc ngược lại là chuyện bình thường. Qua đó, cũng đã thể hiện một phần tinh thần hữu nghị giữa người ở biên giới 2 nước, thắt chặt tình thân không gì bì được với tình nghĩa một nhà…”

Trong khi đó, đồn Thường Phước cũng là một trong những đồn đầu tiên thành lập được tổ “đường biên cột mốc”.

Tổ công tác này sẽ theo dõi tình tình biên giới, cột mốc, vượt biên trái phép, lấn chiếm biên giới, phòng chống tội phạm…

Và để làm tốt công tác, đảm bảo hiệu quả thì việc chăm lo chính sách, chế độ cũng được nghiên cứu, thực hiện.

Để tìm hiểu sâu hơn về công tác phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh, hòa bình, hữu nghị tại các cửa khẩu xung yếu, từ Thường Phước (Đồng Tháp), chúng tôi vượt sông tại bến phà Hồng Ngự qua TX Tân Châu, tiếp tục “hành quân” về Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên- An Giang).

Chúng tôi cùng Trung tá Nguyễn Văn Hiệp- Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng- lên ca nô khảo sát thực tế địa bàn.

Dọc dòng kinh Vĩnh Tế, mùa nước nổi đã tràn lên đồng mênh mông, những bầy trâu trầm mình trong nước nhơi rơm, thoang thoảng mùi thơm gáo chín lan tỏa trong gió nhẹ; cảnh vật thơ mộng nhưng thực tế đây là cung đường tuần tra khá căng thẳng, địa bàn khó quản lý buôn lậu- nhất là vào mùa nước.

Ngoài ra, trong khi chiến sĩ biên phòng thường xuyên mật phục, đánh úp bất ngờ, thì ngược lại mọi “nhất cử nhất động” của đồn đều có “đuôi bám” theo của bọn buôn lậu.

Trung tá Nguyễn Văn Hiệp cho biết, tuy chưa phải là địa bàn “nóng” về buôn lậu, song do sự tinh vi của các đối tượng nên lực lượng biên phòng phải cắm chốt trực 24/24.

“Ngoài ra, còn phối hợp với các lực lượng của tỉnh như cơ động nhanh, các lực lượng liên ngành, trinh sát đặc nhiệm,… để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tất cả những mặt công tác được thực hiện, không gì ngoài việc đảm bảo an ninh trật, đảm bảo bình yên nơi biên giới của đất nước”.

Thầy thuốc quân hàm xanh

Thầy thuốc quân hàm xanh là “cầu nối tinh thần” của nhân dân 2 nước.
Thầy thuốc quân hàm xanh là “cầu nối tinh thần” của nhân dân 2 nước.

Trạm quân dân y Thường Phước thuộc xã Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự- Đồng Tháp), nằm cạnh đoạn đầu của dòng sông Mekong đổ vào đất nước Việt Nam.

Dòng sông lớn đứng trong top 7 thế giới. Hôm chúng tôi đến, sông không hiền hòa mà dậy sóng. Con nước đỏ ngầu phù sa càng trở nên dữ dội trong cơn mưa như trút nước.

Gió ầm ào từ ngoài sông cái thổi vào, nước mưa trắng dã như tạt vào mặt người. Chúng tôi men theo con đường hẹp té dọc bờ sông, có đoạn sạt lở bứt cả căn nhà, ngoằn ngoèo một đỗi, mới đến được Trạm Quân dân y kết hợp Thường Phước nằm thoi loi cạnh bờ sông.

Bác sĩ Trương Văn Bình giới thiệu sơ lược về trạm mình: “Có máy siêu âm, đo điện tim và có cả 10 giường bệnh cho những ca sản, bệnh nhân ở xa như Campuchia” và không quên giới thiệu “bông hồng” xinh đẹp của trạm.

Đó là người nữ thầy thuốc quân hàm xanh hiếm hoi- Thượng úy, y sĩ Huỳnh Thị Thanh Tuyền.

Cô gái quê gốc TP Cao Lãnh, lại có chồng tận tỉnh Trà Vinh cười thật tươi khi nói về cuộc đời bộ đội của mình: “Tôi về công tác ở đồn này 2 năm nay, trước đó làm ở Đồn Biên Phòng Dinh Bà. Bộ đội mà, Bộ chỉ huy điều đâu thì đi đó!”

Động lực gì đã khiến xui cô gái TP Cao Lãnh, sinh ra trong gia đình buôn bán bình thường trốn nhà đăng ký đi bộ đội, Thượng úy Huỳnh Thị Thanh Tuyền trả lời tỉnh queo “mình thích thì mình đi thôi”.

Học xong lớp 12, chị Tuyền trốn nhà ra xã đăng ký đi bộ đội và nhờ chú ruột “ký tên thay cha đồng ý cho con nhập ngũ”.

19 năm trong môi trường quân ngũ, chị Tuyền được rèn luyện để thành người chiến sĩ kiên cường, có chuyên môn ngành y và đặc biệt là nói tốt tiếng Khmer.

Nữ chiến sĩ ấy đã trải qua những khóa huấn luyện tận tỉnh Vĩnh Phúc, những mùa đông khói trên giếng nước bốc lên ngùn ngụt, người nói chuyện cũng ra khói và “răng khua vào nhau nghe lập cập”.

19 năm gắn bó, Thượng úy Huỳnh Thị Thanh Tuyền đã có biết bao kỷ niệm, những buồn vui cả những lo sợ rất... con gái ở những vùng đất heo hút xa xôi này.

Cơn mưa tiếp tục dội ầm ầm trên mái nhà, tạt vào tận phòng, làm chị nhớ lại những đêm mà tất cả đồng đội nam đều bận công tác, chỉ còn lại vài đồng đội nữ, giữa đêm khuya lại có những người say rượu, những kẻ bặm trợn xăm trổ đầy người đến gõ cửa...

Nhưng vì nhiệm vụ, chị phải thăm khám cho người bệnh mà trái tim muốn nhảy ra ngoài. Khoảnh khắc ấy, chợt thấy thương vô cùng người nữ chiến sĩ xinh xắn, luôn nở nụ cười tươi rói, nhưng khó lòng mà chia sẻ hết những vất vả, gian nan đối với người nữ chiến sĩ biên phòng này.

Ngay chuyện hạnh phúc gia đình chị khác nào “vợ chồng Ngâu”, năm đôi ba lần họa hoằn gặp nhau trong phút chốc, nên tuổi “băm” rồi chưa nghĩ đến chuyện sinh con.

Nhắc lại kỷ niệm về một sản phụ người Campuchia sang đây sinh con, do là lần sinh con thứ ba của phụ nữ này nên chuyển dạ rất nhanh.

“Thấy thai phụ than đau, tôi mới kêu chị vô phòng ngồi chờ, thì chỉ kịp nghe tiếng kêu: “Com ma net, sư bết ơi!” (Đau bụng quá, bác sĩ ơi!) đã thấy chị ngồi thụp xuống đất và... đứa bé tọt ra ngoài”- Thượng úy Huỳnh Thị Thanh Tuyền kể.

Mấy chị em trong trạm nhanh chóng đỡ thai phụ lên và làm nghiệp vụ sản cho mẹ tròn con vuông. Những tình huống dở khóc, dở cười như thế lại càng làm cho Thượng úy Huỳnh Thị Thanh Tuyền càng gắn bó sâu đậm hơn với nhiệm vụ và bà con.

Cũng không gì vui hơn khi được nhận quà của bà con mang từ Campuchia sang, khi là bó rau, giỏ ổi, bịch xoài,…, đó là tất cả tấm lòng của bà con nghèo vùng biên giới.

Trên dọc tuyến biên giới Tây Nam, có nhiều trạm, phòng khám quân dân y và đó là những điểm sáng về hình ảnh người thầy thuốc mang quân hàm xanh.

Bao năm qua, nơi miền biên viễn xa xôi này, họ lặng lẽ, kiên trì, đem hết nhiệt tâm, tình cảm để phục vụ bà con cả hai bên biên giới, đến nỗi suốt năm không dám lấy ngày phép trừ 3 ngày tết, “chỉ sợ mình đi vắng mà bà con lặn lội từ bên kia sang mà không ai thăm khám bệnh”, như lời tâm tình xúc động của Đại úy, y sĩ Nguyễn Duy Thuần, ở Trạm Biên phòng Cả Trốt thuộc Đồn Biên phòng Bến Phố.

Tây Nam Bộ có 4 tỉnh giáp với Campuchia: Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Tuyến biên giới đất liền giáp Campuchia nằm trên địa bàn 53 xã- phường, 11 huyện, 4 thị xã và một thành phố thuộc tỉnh đối diện với 5 tỉnh ( Svey Rieng, Pray Vieng, Kandal, Takeo, Kampot) của Vương quốc Campuchia có chiều dài 336,87km. Đây là vùng kinh tế chiến lược cả nước, trong phát triển kinh tế nông- ngư nghiệp, giao thông, mua bán, trao đổi hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện giao thông vận tải qua biên giới 2 nước.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN- KHÁNH DUY