Về Mỹ Hòa, nghe ông To kể chuyện cứu người

Cập nhật, 07:29, Thứ Bảy, 12/08/2017 (GMT+7)

Chuyện ông Dương Công To- Đội trưởng Đội Dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh)- chuyên cứu người hẳn nhiều người đã nghe, đã biết nhưng chúng tôi vẫn quyết đến gặp ông, để được tận mắt, tận tai nghe ông kể chuyện cứu người. Chúng tôi chắc rằng, những câu chuyện về ông, những việc ông đã làm có người cho là “tào lao” ấy vẫn chưa bao giờ cũ…

Bên bàn nước, ông To kể chuyện cứu người.
Bên bàn nước, ông To kể chuyện cứu người.

Tuổi gần 80, sức khỏe không còn được như trước nhưng mỗi lần hay tin có người gặp nạn trên sông là ông không thể làm lơ được vì “đây là việc đã ăn sâu vào máu thịt, tui sẽ cứu người đến khi không còn làm được nữa”.

Hành trình trở thành “hiệp sĩ đường sông”

Một ngày giữa tháng 7, men theo đường đan dưới chân cầu Cần Thơ, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Công To ở Ấp 1 (xã Mỹ Hòa).

Trong không khí lành lạnh của buổi chiều mưa, được ngồi thưởng thức ly trà nóng, câu chuyện cứu người của ông To trở nên ấm áp đến lạ kỳ. Tiếp chúng tôi trong bộ trang phục của đội dân phòng đường thủy, trông ông khỏe mạnh, hoạt bát và không ai nghĩ rằng ông đã gần bước vào tuổi 80.

Hành trình trở thành “Hiệp sĩ đường sông” như nhiều người phong tặng cho ông, được ông nhớ và kể khá rành mạch. Đó là vào những năm 1977, đời sống khó khăn, vợ chồng ông bàn nhau về quê (xã Mỹ Hòa) cất nhà ven sông, đóng đáy mưu sinh. Những năm đó, trên dòng sông Hậu tấp nập ghe tàu từ mọi nơi về mua bán hàng.

Nhộn nhịp là vậy nhưng gió to sóng lớn luôn làm người dân ám ảnh bởi có rất nhiều tai nạn xảy ra, cướp đi sinh mạng nhiều người. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm, nhìn thấy người thân các nạn nhân vất vả đi tìm xác, vật vã gào khóc khi tìm thấy thi thể, ông tự nhủ với lòng: “Khi nào còn ăn con cá ở đây thì phải lo cứu người gặp nạn trên sông”.

Đội Dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa do ông thành lập từ đó cũng ra đời. Ban đầu chỉ có 6 người nhưng dần dần thấy việc làm ý nghĩa này mà những người lội giỏi, có phương tiện cũng xin “gia nhập” ngày một đông hơn và đến nay đội có gần 20 thành viên.

Cứ mỗi khi mưa bão hay vào mùa gió chướng đến, ông và các thành viên trong đội thường chú ý những âm thanh lạ, tiếng kêu cứu và khi phát hiện có người gặp nạn là ông thổi tù và cùng anh em xuống ghe chạy ra cứu. Nhờ vậy, trong những năm qua, đội của ông đã cứu trên 250 tàu ghe các loại và hơn 300 người dân ở khắp các tỉnh miền Tây.

Cứu nhiều người thoát chết

Hớp ngụm trà, ông trầm ngâm giây lát rồi kể: “Nhớ và thương cảm nhất là lần cứu anh Trần Văn Hải cùng vợ và con trai nhỏ chở ghe than đước từ Duyên Hải (Trà Vinh) đi Mỹ An (Mang Thít), đến giữa sông Hậu thì chìm ghe do sóng to gió lớn.

Nghe tiếng kêu cứu, tui cùng anh em đội dân phòng chạy ghe ra cứu thì chỉ phát hiện một mình anh Hải.

Biết còn người gặp nạn, chúng tôi tiếp tục tìm nhưng vài hôm sau mới vớt được xác vợ, con cùng với ghe của anh Hải. Người nhà của anh Hải cám ơn rất nhiều và hỗ trợ tiền cho đội của ông nhưng ông và mọi người nhất quyết không lấy vì “giúp được người khác là được rồi”.

Mỗi khi có âm thanh lạ, ông To thường mang ống nhòm ra tìm kiếm người gặp nạn.
Mỗi khi có âm thanh lạ, ông To thường mang ống nhòm ra tìm kiếm người gặp nạn.

Rồi khi cầu dây văng Cần Thơ bắc qua sông Hậu được khánh thành. Khi cây cầu nối liền 2 tỉnh Cần Thơ- Vĩnh Long cũng là lúc ông và toàn đội bắt đầu thêm một công việc là cứu người nhảy cầu. Tính đến nay, đội của ông cùng bạn bè trên sông nước đã ghi nhận 49 vụ nhảy cầu và cứu sống nhiều người.

Nói có sách, mách có chứng, ông To lấy cho chúng tôi xem một quyển sổ. Quyển sổ và những dòng chữ trong ấy dù đã phai màu theo thời gian nhưng vẫn được ông cất giữ cẩn thận.

Quyển “sổ tử thần” ấy ghi lại tất tần tật các chi tiết, dù là nhỏ nhất: “… vụ nhảy cầu Cần Thơ ở dây văng số 6 phía Vĩnh Long (cao 18m) vào 2 giờ, 24/4/2012 đó là anh N.H.G., 26 tuổi, nặng gần 120kg, bị giập lá lách”; “vụ nhảy cầu ở dây văng số 4 phía Cần Thơ (cao 15m) vào tháng 2/2015 đó là anh T.V.Đ. bị chảy máu lỗ tai và miệng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TX Bình Minh”; “vụ nhảy cầu của chị N.T.C.T. vào lúc 8 giờ 45 ngày 11/6/2017, nơi nhảy cách bờ khoảng 100m…”.

Ông To nay đã gần 80 tuổi, vừa “chiến đấu” xong với cơn bạo bệnh, sức khỏe không còn được như trước nhưng ông bảo “vẫn muốn tiếp tục công việc cứu người của mình”. Ông kể, công việc cứu người của ông có người hoan nghênh nhưng cũng có người trách “người ta muốn chết mà cứu làm gì”.

Nhưng đối với ông, “con vật còn muốn sống huống chi con người, họ muốn ra đi chắc do bế tắc gì đó mà không thể gỡ”.

Còn vợ ông- bà Bùi Thị Hài- hết mực ủng hộ chồng, nhưng cũng lo cho ông, khuyên giữ gìn sức khỏe nhất là khi trời tối ra đường. Ông ậm ừ, thế nhưng hay có người gặp nạn, ông vội lấy tù và thổi gọi các thành viên trong đội, rồi chèo ghe ra cứu mặc cho trời đang mưa bão… 

Gần 40 năm cứu người, vớt tử thi ở sông Hậu đối với ông To “nó đã ăn sâu vào máu thịt”, là “trách nhiệm không mong người đền đáp công ơn”. Việc làm cao đẹp ấy đã lan tỏa tình yêu thương rất đỗi nhân văn trong cuộc sống đời thường.

  • Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGUYÊN KHÁNH