Ký sự: Chạy theo con nước đồng bằng

Kỳ cuối: "Định vị" lại mùa nước nổi miền Tây

Cập nhật, 06:29, Chủ Nhật, 20/08/2017 (GMT+7)

Qua loạt ký sự này, có lẽ độc giả đã hình dung bức tranh với đủ các gam màu đa dạng và sống động của một mùa nước nổi “mới” ở ĐBSCL. Thực tế, nhiều địa phương đang nỗ lực “lấy lại” mùa nước nổi cho những vùng sản xuất trong đê bao, cũng như tìm cách sống chung với nước nổi hài hòa, thân thiện như trước kia đã từng…

Người dân Hồng Ngự ra đồng đặt dớn cá.
Người dân Hồng Ngự ra đồng đặt dớn cá.

Nước có “hung dữ” đâu mà gọi là nước lũ

Mỗi năm con nước về, điều mà hàng chục triệu nông dân vùng ĐBSCL mong chờ là nó dung hòa lợi ích từ việc tiêu diệt mầm bệnh, mang lại phù sa cho đồng ruộng, không phá hoại các công trình đê bao, đường giao thông nông thôn, nhà cửa người dân, mà mang theo nhiều cá tôm…

Trong cuộc tranh luận nhỏ của chúng tôi với những người nông dân huyện Chợ Mới, nhiều người so sánh những trận lũ miền Bắc, miền Trung rất dữ dội và gây thiệt hại không lường. Ở đó, lũ cuốn phăng tất cả hoa màu, nhà cửa… trên đường nó đi qua và gây ngập lụt bất ngờ, đường sá bị chia cắt, xóm làng bị cô lập khiến người dân không kịp trở tay.

“Còn con nước ở sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về và từ tháng 6, tháng 7 dâng lên từ từ tràn lên đồng “nằm” ở đó rồi đạt đỉnh tháng 9, tháng 10 và đến tháng 11 (đều tính theo âm lịch) bắt đầu rút xuống dần. Đến từ từ và rút êm ái, nước đồng bằng có hung dữ đâu mà gọi là nước lũ”- ý kiến của anh Hữu Tài nhận được nhiều sự đồng tình.

Ông Nguyễn Văn Buôn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Hồng Ngự- bảo rằng: “Tui sống đây hồi trước giờ, vùng Hồng Ngự 6 tháng nước, 6 tháng khô. Tui biết lũ lụt dữ dằn lắm, chứ đâu như mùa nước xứ mình. Hồi trước, vùng mình chỉ gọi là mùa nước nổi, từ sau này khi bắt đầu có những dự án làm đê bao thì mới có dùng từ lũ”.

Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), hàng năm, từ tháng 8 đến tháng 10 âl, vùng ĐBSCL nhận nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, gây ngập nhiều vùng trũng và khu đất thấp như tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng giữa sông Tiền và sông Hậu.

Từ xưa, người dân gọi giai đoạn này là “mùa nước nổi”. Theo đó, khoảng 1,2-1,9 triệu ha/ 4 triệu ha đất tự nhiên bị ngập nước, lưu lượng lũ trung bình vào khoảng 39.000 m3/s.

Thật sự người đồng bằng vẫn thấy được giá trị lớn của nước nổi, như cách nói của bà con xã Phú Hữu: “Tụi tui ở đây đã quen sống chung với nước, năm nào không có nước lớn là… bứt rứt giống như sống có điện quen rồi- cúp điện khó chịu và rất ngột ngạt”.

 

Nghiên cứu của các nhà khoa học, cho thấy trước nay hạ nguồn sông Mekong có 3 túi nước, đó là hồ Tonle Sap (Campuchia) và khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000ha), tứ giác Long Xuyên (590.000ha) để cân bằng sinh thái. Hàng năm khi lũ thượng nguồn về, 3 túi nước này điều hòa nước cho ĐBSCL. Mùa lũ thì “cất nước” làm lũ hiền hòa, rồi từ từ nhả nước ra bổ sung cho dòng sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn.

 

Rất nhiều ý kiến tâm đắc của các nhà khoa học, đề nghị cần phải xem xét lại việc đắp đê bao, sản xuất lúa vụ 3 ở khu vực Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên và cũng đồng nghĩa với việc cần xem xét xả lũ hay không xả lũ.

Nước nổi miền Tây ngày càng diễn biến phức tạp, khó đoán

Khi được hỏi dự báo tình hình lũ năm nay, ông Nguyễn Văn Buôn dẫn nguồn của Trung tâm Dự báo khí tượng- thủy văn Trung ương dự báo lũ sẽ đến sớm và cao hơn năm 2011.

“Tui giờ không dám phát biểu. Như năm 2011 nói lũ đẹp, nhưng nước lên cao quá trớn làm vỡ đê, thiệt hại nhiều. Theo dự báo năm nay lũ diễn biến bất thường, chúng tôi luôn theo dõi sát sao thông tin dự báo để cảnh báo người dân kịp thời”- ông nói.

Lũ ĐBSCL ngày càng khó đoán, nhiều địa phương cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông xảy ra cao.
Lũ ĐBSCL ngày càng khó đoán, nhiều địa phương cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông xảy ra cao.

Số liệu tổng hợp của PGS. TS. Lê Anh Tuấn cho thấy từ đầu tháng 8, mực nước lũ đang lên ở Campuchia, gây ngập nhiều vùng rộng lớn quanh biển Hồ và 2 bên bờ sông Mekong đến Việt Nam.

Đến thời điểm hiện nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và đã vượt hơn mức lũ năm 2011 nếu so cùng thời điểm. Nếu có thêm vào cơn bão từ biển Đông đổ bộ vào miền Trung thì dự báo lũ năm 2017 có thể đạt xấp xỉ như năm 2011.

Cũng theo ghi nhận của PGS. TS. Lê Anh Tuấn, đến thời điểm hiện nay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh và đã vượt hơn mức lũ năm 2011 nếu so cùng thời điểm.

Tại Tân Châu, nơi đầu nguồn sông Mekong đổ vào ĐBSCL, mực nước hiện nay đã cao hơn mức nước lũ năm 2011 và sẽ tiếp tục cao thêm vào thời gian tới.

“Năm nay, lũ đến sớm hơn lũ năm 2011 khoảng 1 tháng, tương đương với thời gian lũ lên năm 2000. Đỉnh lũ năm 2017 khả năng sẽ xảy ra vào nửa đầu tháng 10/2017, ở mức báo động 2- báo động 3 (sông Tiền tại Tân Châu từ 4,0-4,5m, sông Hậu tại trạm Châu Đốc từ 3,5-4,0m).

Người dân vùng lũ ngày càng có ý thức trong việc khai thác và bảo tồn các loài cá non như cá linh, lòng ròng…
Người dân vùng lũ ngày càng có ý thức trong việc khai thác và bảo tồn các loài cá non như cá linh, lòng ròng…

Nếu không có những biến động thời tiết bất thường, mùa lũ năm 2017 hứa hẹn có thể là “một mùa lũ đẹp” (lũ không quá thấp và không quá cao) mang thêm nguồn cá và phù sa, cũng như các ích lợi khác cho sinh thái vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn qua bản tin dự báo khí tượng- thủy văn để chủ động ứng phó kịp thời, nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do lũ, ngập lụt có thể gây ra, đặc biệt vùng đô thị như Long Xuyên, Cần Thơ, Vĩnh Long…”- PGS. TS. Lê Anh Tuấn nhận định.

 

 

ĐBSCL hình thành nhờ lũ

 

PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, ĐBSCL hình thành nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Khoảng 4.000-6.000 năm trước, lũ đem phù sa, chất dinh dưỡng… bồi đắp dần theo thời gian mà miền Tây thành vựa lúa, tôm cá, trái cây trù phú. Mất lũ, đồng bằng này sẽ không còn.

 

Lũ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của miền Tây. Hay nói một cách khoa học, nó tham gia kiến tạo vùng đất này. PGS.TS. Lê Anh Tuấn cho rằng, theo quy luật, không có phù sa bồi đắp nữa, đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề; nguồn lợi tôm cá sụt giảm mạnh. Đặc biệt, đồng bằng sẽ bị lún sụp, sạt lở và tan rã dần, dẫn đến xóa sổ có thể trong vài trăm năm, nhanh hơn quá trình hình thành.

 

PGS.TS. Lê Anh Tuấn dẫn chứng, trước đây, mũi Cà Mau mỗi năm đều lấn ra biển nhiều mét do nhờ lượng bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về bồi đắp. Nhưng giờ thì ngược lại vì lũ ít rồi. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15m, có nơi đến 50m; hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...

 

Theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn nhận định, hiện các địa phương đang gánh hậu quả sạt lở. Sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước đói (thiếu phù sa) nên nó phải ăn 2 bên bờ và dưới đáy. Theo tính toán của Ủy ban Sông Mekong, bình quân mỗi năm, dòng sông này chuyển tải về ĐBSCL 160 triệu tấn phù sa, chủ yếu là những tháng mùa lũ. Hiện nay, các đập thủy điện vùng đầu nguồn giữ lại xấp xỉ 50%. Nguy cơ, khi 11 đập thủy điện trên sông Mekong ở Lào và Campuchia hoàn thiện, đi vào hoạt động, sẽ giữ lại 90% lượng phù sa rót về ĐBSCL.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ