Ký sự: Chạy theo con nước đồng bằng

Kỳ 4: Xả lũ hay không xả lũ?

Cập nhật, 06:39, Thứ Sáu, 18/08/2017 (GMT+7)

 

 Ruộng đồng sản xuất liên tục đất đai bạc màu, sâu bệnh phát sinh và chi phí sản xuất sẽ nhiều hơn.
Ruộng đồng sản xuất liên tục đất đai bạc màu, sâu bệnh phát sinh và chi phí sản xuất sẽ nhiều hơn.

Sau thời gian dài sản xuất 3 vụ trong đê bao khép kín, con nước lớn năm nay được cho là cơ hội không thể tốt hơn để đưa nước tràn đồng sau những vụ mùa năng suất lúa suy giảm, chi phí sản xuất tăng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều, bởi đất canh tác trong ô đê bao có nhiều loại “chứ không riêng cây lúa”. Vì vậy mà, xả lũ hay không xả lũ- đó là vấn đề!

Đê bao để chủ động sản xuất nông nghiệp

Mấy ngày “chạy theo con nước đồng bằng”, chúng tôi bắt gặp nhiều tình cảnh, mừng- lo lẫn lộn. Đi dọc các tuyến đường về xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú- An Giang), nước đã trắng đồng.

Chị Tư Thìa chỉ ra hướng đồng, nói: “Cô chú coi kìa, nước đổ về kha khá, màu cũng đùng đục gợn phù sa thấy hông”. Trên cùng tuyến này, bên làm vụ 3, bên kia phải xả lũ, dù chính quyền không khuyến khích. Thế mới có chuyện “chạy xất bất xang bang” thu hoạch lúa non chạy lũ.

Ông Cao Xuân Điệu- Chủ tịch UBND xã Phú Hữu- cho biết phần lớn đã có đê bao, còn ngoài đê khoảng 50ha thì địa phương chủ trương là không làm vụ 3. Tuy nhiên, 2 năm qua, lũ không về nên bà con trồng thêm đậu phộng, bắp chấp nhận “được ăn cả” hay “ngã về không”.

Khu vực này nằm gần tuyến kinh Bảy Xã (tiếp giáp với Campuchia) nên thường đón những đợt lũ đầu tiên trước khi chảy vào sông Châu Đốc rồi đi ra sông Hậu.

Ông Phạm Thành Tâm- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện An Phú- khẳng định: “Đây là vùng “rốn” thượng nguồn lũ, không khuyến khích ai làm lúa vụ 3 mà xả lũ vệ sinh đồng ruộng, thực hiện luân phiên mỗi năm”.

Trong khi hầu hết các khu vực phía Tây huyện An Phú đê bao khép kín sản xuất 3 vụ lúa/năm thì 3 xã bờ Đông- theo ông Tâm là 2 khu vực quy hoạch thoát lũ của tứ giác Long Xuyên, với khoảng 15.000ha. Nhưng người dân lại muốn có đê bao khép kín, bởi “mùa lũ tràn đồng không làm gì được”, cá mắm giờ ít dần, thanh niên đành bỏ đi nơi khác tìm việc cho qua mùa nước.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Văn Hùng- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đồng Tháp- cho rằng, chức năng của đê bao hiện nay là để chủ động sản xuất nông nghiệp.

Bởi không chỉ sản xuất lúa, mà hiện nay đất lúa đã chuyển sang trồng màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản… Tỉnh Đồng Tháp chủ trương không tăng diện tích lúa vụ 3 mà chỉ duy trì 30% diện tích trong ô đê bao chống lũ triệt để.

Thực tế, tại xã Thường Thới Hậu A, B (huyện Hồng Ngự), từ mô hình bung lưới nuôi tôm trên ruộng, xã còn tính năm sau sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế mùa nước nổi với các mô hình: lúa- thủy sinh- trữ cá đồng tự nhiên; lúa- vịt- cá tự nhiên hay lúa- tôm.

“Kỳ vọng đem lại hiệu quả giúp người dân phát triển kinh tế trong mùa lũ bền vững hơn, chắc ăn hơn”- anh Huỳnh Phú Em- cán bộ nông nghiệp xã Thường Thới Hậu A tin tưởng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Buôn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Hồng Ngự- cho biết thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác hiệu quả hơn. Cụ thể, năm 2016 đã chuyển 16ha sang trồng cây có múi: cam, bưởi, quýt...

Rất nhiều vùng sản xuất ở tứ giác Long Xuyên có hệ thống đê bao khép kín chủ động sản xuất nông nghiệp, đã chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.

Vấn đề không chỉ nằm ở đê bao

Năm nay, huyện Hồng Ngự có hẳn kế hoạch xả lũ đưa phù sa vào đồng ruộng, với các phương án ứng phó lũ cao, lũ thấp và thời gian thực hiện cụ thể.

Trong đó, ngoài một số khu vực sản xuất cần bảo vệ lúa Hè Thu sẽ đồng loạt xả lũ vào rằm tháng 7 tới, nhiều diện tích được khuyến khích sau khi thu hoạch lúa Hè Thu thì xả lũ ngay để lấy phù sa.

Ông Nguyễn Văn Buôn cho rằng, năm nay huyện quyết định xả lũ, vì quy định 3 năm 9 vụ phải xả lũ, nhưng 5 năm rồi không có nước lên đồng.

Mà không phải địa phương nào muốn xả lũ cũng được người dân đồng thuận. Buổi họp dân tại xã Tân Hội (TX Hồng Ngự) mới đây có nhiều ý kiến trái chiều.

Đất canh tác trong đê bao có nhiều loại khác nhau, vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và canh tác lúa. Nếu mực nước xả vào ruộng quá ít dễ nảy sinh dịch bệnh, quá nhiều gây sạt lở đê bao, còn nếu “vừa vừa” thì những ruộng đất gò nước không tới.

Một tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn ở huyện Hồng Ngự vừa được đưa vào sử dụng, giúp chủ động sản xuất nông nghiệp.
Một tuyến đê bao kết hợp giao thông nông thôn ở huyện Hồng Ngự vừa được đưa vào sử dụng, giúp chủ động sản xuất nông nghiệp.

Ai cũng có cái lý riêng của mình, vì thế mà xả lũ hay không xả lũ là vấn đề luôn tranh cãi. Nhiều vùng sản xuất trong ô đê bao của huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cũng vậy, người dân sản xuất vụ 3 chứ nhất định không xả lũ.

Mặc dù ai cũng thấy hiệu quả từ “huyện nếp” Phú Tân (An Giang) kế bên, nhưng không dễ làm theo. Luân phiên 3 năm 8 vụ xả lũ 1 lần, Phú Tân không chỉ giải quyết chuyện “cho đất nghỉ”, mà còn điều chỉnh lịch thời vụ sản xuất đồng loạt.

Sau lũ lớn lúa trúng mùa mà hạt gạo ăn cũng rất ngon

PGS.TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)- cho rằng phù sa quan trọng lắm, nhờ có lũ đưa phù sa nằm dưới đáy sông đi lên. Ông Tuấn dẫn chứng một nghiên cứu gần đây, cho thấy năm nào lũ lớn thì năm đó đồng ruộng trúng mùa mà hạt gạo ăn cũng rất ngon, bổ dưỡng hơn vì trong phù sa có nhiều chất vi lượng bồi bổ cho hạt gạo. Cho nên, theo ông Tuấn nếu từ chối lũ thì hạt gạo chúng ta ăn là xác nhiều hơn chất.

Ông Lê Văn Hùng cho rằng, hệ thống đê bao ở đồng bằng hiện nay còn đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển giao thông nông thôn. 

Nên không phải có đê bao là không thể xả lũ, vì nước có thể lên đồng qua việc mở bung các cống, bộng. Cũng có ý kiến phản biện, nước tràn đồng tự do và có đê bao (được kiểm soát) là rất khác nhau.

Nhưng “vấn đề là cần tổ chức sản xuất hợp lý. Sản xuất lúa rất bấp bênh, được mùa mất giá, nên vụ này lỗ người sản xuất muốn vụ sau bù đắp, cứ loay hoay chạy theo số lượng…” được nhiều người đồng quan điểm.

Dù biết sản xuất liên tục bất lợi cho đất, chạy theo sản lượng chất lượng không cao lợi nhuận thấp, mà nông dân không làm lúa thì biết làm gì?

Trận lũ lịch sử năm 2000 đã buộc ĐBSCL phải thay đổi kế sách đối phó. Nhiều tỉnh đầu nguồn xây dựng đê bao để giúp nông dân thu hoạch lúa trước khi lũ chụp đồng. Tuy nhiên, quan niệm đê bao 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu ăn chắc rồi xả lũ ban đầu đã bị lạm dụng. Các địa phương sau khi làm đê bao khép kín đã gia tăng diện tích lúa vụ 3 để chạy theo sản lượng.

 

GS.TS. Nguyễn Ngọc Trân từng cảnh báo: “Việc làm đê bao triệt để để làm 3 vụ lúa là lãng phí nước, lãng phí tài nguyên”. Trong hơn 15 năm thực tế sản xuất mùa lũ, cho thấy đê bao có lợi là bảo vệ nhà cửa, mùa màng không bị ảnh hưởng, nhưng đi kèm với đó là nhiều rủi ro và so sánh tổng thể thì đê bao “mất nhiều hơn được”.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ