Dáng Mẹ hòa vào "hình của nước"

Kỳ cuối: Nỗi lòng mẹ Cánh

Cập nhật, 03:34, Thứ Sáu, 28/07/2017 (GMT+7)

Về xã anh hùng Tân An Luông (Vũng Liêm), chúng tôi thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Trương Thị Cánh (86 tuổi, Ấp 4)- một chứng nhân lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Mẹ có vẻ ốm nhiều, lưng mẹ đã còng thêm, nhưng chuyện xưa mẹ vẫn còn nhớ rõ.

Phần đất mẹ hiến cho địa phương làm đường Ấp 4 thông thoáng ngày nay.
Phần đất mẹ hiến cho địa phương làm đường Ấp 4 thông thoáng ngày nay.

Nước mắt chảy vào trong

Cách đây hơn 40 năm, mảnh đất trên dòng sông Măng đã từng diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Giờ đây dấu vết bom đạn được xóa nhòa bởi màu của vườn cây trái xanh mát, của cánh đồng lúa chín vàng. Nhưng ngắm cuộc sống ấm no hiện tại, mẹ cùng nhiều người dân khác vẫn chưa quên một quá khứ rất ác liệt mà đầy oai hùng.

“Cha tụi nhỏ thì hy sinh năm 1961 trong trận chống càn, đánh ngoài vàm Cái Trôm lúc mới được phân công làm xã đội trưởng có mấy tháng”- mẹ nhớ về người bạn đời nay là liệt sĩ Võ Văn Giai, bằng giọng kể chầm chậm nhưng đầy tự hào- “Lúc trúng đạn, ổng bị thương nặng lắm, đồng đội Ba Giàu kè đi. 

Nhưng biết khó qua khỏi nên ổng nói như ra lệnh: “Mày bỏ tao đây, chạy đi để bảo toàn súng ống”.

Tình thế nguy kịch, đồng đội đành để ổng lại, đắp cho ổng cái áo, rồi gom súng ống chạy. Địch tới, ổng nói khát, xin nước uống. Tụi nó lấy gáo múc nước dưới vũng cho ổng, ổng ráng gượng cầm gáo nước quýnh vô đầu tụi nó, nên bị bắn chết tại chỗ.

Đó là cách ổng hy sinh, không để bị tra tấn thêm. Lúc ổng hy sinh con út mới giáp thôi nôi. Tui ráng vững, không khóc để đi xin thây cha tụi nhỏ về. Đau lắm chứ nhưng phải kiềm lòng vững dạ để còn lo cho các con”.

“Còn thằng con trai thứ ba thì hy sinh khi mới vừa 17 tuổi””- mẹ Cánh kể tiếp về liệt sĩ Võ Hồng Phúc. Lúc hy sinh anh Phúc là Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát của Huyện đội Vũng Liêm.

Mẹ Cánh nói: “Con ở nhà cũng đi chế, đi phát (phát cỏ trồng lúa) với tui. Khi thấy cha hy sinh, con tui căm tức nằng nặc đòi đi quyết trả thù cho cha”.

Chồng con chết nhưng mẹ vẫn nén nỗi đau vào lòng. Tự mẹ ra xin tụi nó lấy thây 2 người thân yêu của mình. Tiễn con đi, mẹ mong con “chân cứng đá mềm” để rồi giờ đây trong mỗi bữa cơm, mẹ vẫn gọi tên chồng, con mình về cùng ăn với nỗi thương nhớ khôn nguôi.

“Thân cò lặn lội”

Thế là một tay mẹ gánh gồng nuôi con, chở che cho cách mạng. Nhà có hơn 20 công ruộng, một tay mẹ cày cấy, phần để ăn phần nuôi cách mạng. Có bữa đứng trục, mẹ bị trâu giật té ngửa ra sau.

Thiệt là gian nan vất vả trăm bề, phần nỗi đau, niềm thương nhớ chồng con cứ giằng xé từng đêm, nhưng phải cắn răng mà chịu đựng.

Hồi đó, mần lúa cũng khó dữ lắm, đạn bom ầm ầm. Hễ mần lúa chỗ nào thì cặm cờ cho cao, để không tụi nó bắn…”

Rồi mẹ Cánh đi mua đồ rẫy chạy xuồng đi bán. Và trong những mớ rau cải củ ấy là những bức thư được mẹ giao cho cách mạng an toàn.

“Cách mạng cần xuồng, tui mua xuồng. Lính hỏi sao bà mua xuồng hoài vậy. Tui nói mua xuồng đẩy lúa mà sao mới đẩy có mấy lần là xuồng bể hà mấy chú ơi!”

Rồi con gái thứ tư tới tuổi gả chồng, mẹ gả cho bộ đội. Có người nói nhà mẹ có nhiều bộ đội đánh giặc hy sinh, sống chết tính bằng giờ, bà không sợ sao. Nhưng mẹ quả quyết: “Hổng cần công danh phú quý làm chi. Bộ đội là mẹ gả”.

Con đường rải nhựa liên Ấp 4 cặp nhà mẹ thông thoáng cũng có phần mẹ đã hiến hơn 3 công đất. Giọng mẹ Cánh vẫn đều đều, hiền hòa:

“Hồi đó, chỉ đắp cái bờ nhỏ. Mùa nước ngập, học trò đi học lội ngoi ngóp, sình lầy dữ lắm. Tui nói đợi bà đắp bờ cho tụi con dễ đi. Rồi Nhà nước mần lộ, chạy dọc đất nhà, tui hiến luôn. Có đường ngon lành, xe cộ chạy tối ngày, tụi nhỏ đi học được sạch sẽ, tui mừng lắm”.

Trong căn nhà tường rộng thênh thang, 5 tấm bằng Tổ quốc ghi công được treo trang trọng. Không chỉ thờ cúng chồng con, mẹ còn thờ cúng anh chồng- liệt sĩ Võ Phùng Thời đã hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và 2 em chồng liệt sĩ là Võ Văn Bé và Võ Văn Do cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Gia đình mẹ Cánh là gia đình có truyền thống cách mạng tiêu biểu ở địa phương. Cha chồng bà từng nuôi chứa cán bộ cách mạng. Mẹ chồng Trần Thị Mãnh được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Con trai út của mẹ- Võ Đắc Thủ (58 tuổi)- chẳng may bị phát bệnh tâm thần khi đang là sinh viên ĐH Hàng hải.

Cửa vào đời rộng mở bỗng dưng đóng sập lại, “nó bệnh không phá phách ai hết, nhưng con bệnh vậy, tui đau lòng lắm”- mẹ thở dài, ngó ra ngoài sân... Thương cuộc đời mẹ, tới tuổi này vẫn còn nặng nỗi lo…

Tuy đã 87 tuổi nhưng đôi mắt mẹ Cánh vẫn sáng, mẹ vẫn thấy rõ mà không cần dùng kính để hỗ trợ. Mẹ nói: “Hồi đó cực khổ, chiến tranh triền miên hổng có thời gian để đọc sách. Tui mê truyện lắm. Nhà có tủ sách bị giặt đốt sạch rồi.

Giờ có sách tui đọc thì thích biết bao”. Chúng tôi hứa sẽ đem sách tặng mẹ- để mẹ có thêm niềm vui tuổi già.

Công lao chói ngời của những bà mẹ đã một lần nữa được dân tộc ghi nhận. Thế hệ hôm nay được hưởng hạnh phúc trong hòa bình hiểu rằng không có cách nào để đền đáp công lao to lớn và hy sinh cao cả của các mẹ- những người đã âm thầm hiến dâng những gì quý nhất của mình cho tự do, độc lập. Danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là vầng sáng lung linh, là biểu tượng văn hóa cao đẹp của thời đại hôm nay.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc, có biết bao đóng góp, hy sinh của hàng triệu bà mẹ, hàng triệu phụ nữ Việt Nam. Hàng triệu chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương, góp thêm chiến công để đất nước nở hoa độc lập. Tổ quốc đã dựng nên những tượng đài mà trên đó là những gương mặt, là dòng tên của lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam với lòng quả cảm chiến đấu, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Có những chiến công đã đi vào sử sách, được nhiều người biết đến nhưng cũng có những đóng góp âm thầm, lặng lẽ và vô cùng giản dị của mẹ Việt Nam anh hùng, của dân tộc anh hùng.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN