Dáng Mẹ hòa vào "hình của nước"

Kỳ 2: Miền ký ức bi hùng của Mẹ

Cập nhật, 05:23, Thứ Ba, 25/07/2017 (GMT+7)

Trong căn nhà tường mát mẻ nằm cạnh dòng sông Cái Tàu- Sóc Tro, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Bảy đang đu đưa trên võng. Mẹ năm nay 87 tuổi, lưng còng, sức yếu, khi quên khi nhớ… nhưng nhắc đến chuyện chồng con thì đôi mắt mẹ lại đỏ hoe. Những câu chuyện chiến tranh ùa về…

Mẹ Bảy hay ngồi bên hiên nhà, nhìn xa xăm.
Mẹ Bảy hay ngồi bên hiên nhà, nhìn xa xăm.

Không thể nào quên...

Mẹ Bảy có chồng và con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và một người con là thương binh. Đôi tay mẹ run run, mắt nhìn xa xăm: “Có nhiều chuyện tui quên cũng có những chuyện nhớ mà buồn hoài”. Đó là câu chuyện về chồng, về con đã ra đi mãi mãi không về!

Chồng mẹ Bảy- liệt sĩ Nguyễn Văn Liêm- tham gia kháng chiến năm 17 tuổi. Năm 1959, ông cùng đồng đội ám sát tên cảnh sát Sách nổi tiếng độc ác ở Tam Bình nhưng thất bại, ông bị bắt tù đày.

2 năm sau, ông được thả và tiếp tục hoạt động cách mạng ở khu căn cứ Tỉnh ủy. Với mẹ Bảy, chồng mẹ là chiến sĩ kiên cường, là người chồng, người cha mẫu mực.

Mẹ Bảy rưng rưng: “Xưa xứ này là xứ đỉa, xứ muỗi. Tui hổng rõ ổng làm chức gì, chỉ nghe ổng nói đã đào rất nhiều hầm bí mật. Cứ màn đêm xuống là ổng đào hầm cho cán bộ cách mạng. Đi thì thôi, về nhà là tranh thủ đặt cá, tôm về rộng đó cho con ăn”.

Người con trai thứ 3 Nguyễn Văn Sĩ- người con trai lớn nhất trong nhà- 16 tuổi cũng theo cha làm cách mạng và cũng hy sinh. Sĩ luôn quan tâm chăm sóc, hỏi han mẹ từng miếng ăn, giấc ngủ.

“Mỗi lần về thăm nhà là nó xem từng cái áo, cái quần của tui, hỏi thăm từng công ăn, chuyện làm”- mẹ Bảy nói.

Nhưng người ra đi đầu tiên trong gia đình mẹ không phải những người tham gia cách mạng. Giọt nước mắt căm phẫn đầu tiên của mẹ là sự ra đi đột ngột của con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thu.

“Bữa đó là mùng 2 tết, con gái tui đi ngoại chơi về bị tụi lính kháo nhau đứa nào bắn trúng nhỏ đó có thưởng, vậy là tụi nó bắn con tui chết, nó mới 14 tuổi mà thôi, có tội tình gì”- đôi mắt mẹ Bảy đỏ hoe, nước mắt lại ứa ra.

Thương con, muốn đòi công lý cho con nhưng vì gia đình cách mạng, mẹ không dám làm liều với giặc, phải nén đau thương.

Giá trị của hòa bình

Với mẹ Bảy, hòa bình có được là nhờ những con người biết anh dũng đứng lên chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc, trong đó có chồng và con trai mẹ.

Trong một lần đi công tác, ông Nguyễn Văn Liêm ghé về thăm nhà thì bị địch chỉ điểm. Chúng phục kích nhà lúc nửa đêm và bắn ông hết 1 băng đạn.

Mẹ Bảy sụt sùi: “Hôm đó, tui đi thăm em gái ở Lung Chuối, nếu không chắc cũng chết với ổng rồi. Ông mất năm 1968 nhằm 23/12 âm lịch, còn mấy bữa nữa là tết”.

Sáng, mẹ Bảy về ôm xác chồng đẫm máu, có nhiều vết thương mà cảm thấy như có muối xát vào lòng. Mẹ nói: “Con gái thứ 5 kể lại ông nhà tui đang ngủ cùng đồng đội. Ông nằm ngoài, chú đó nằm trong nên khi lính phục, ông ngồi bật dậy, tụi lính bắn ổng.

Ổng còn nhét cái khăn rằn vô vết thương ở ngực, máu ướt hết khăn. Chúng còn bắn mấy phát nát cả chân… sống gì nổi? Đạn lửa xẹt qua xẹt lại. Chú đồng đội lăn xuống đất, vô lùm sậy, may mắn thoát được”.

Nỗi đau thứ 3 là nỗi đau mất con trai- liệt sĩ Nguyễn Văn Sĩ. “Con hy sinh năm 17 tuổi khi đang đi học ở Trường Lê Văn Tám, sau cha nó 1 năm.

Đang trốn trong hầm bí mật thì bị giặc đóng quân tại đó, kêu ra đầu hàng. Con tui cùng đồng đội quyết định mở nắp hầm, ném lựu đạn liều mình với chúng…” Hay tin con mất, mẹ Bảy không còn nhớ mình khóc nhiều hay ít, chỉ thấy mắt như mờ hơn.

Rồi năm 1972, mẹ lại hốt hoảng khi hay tin người con thứ tư bị thương nặng- anh Nguyễn Văn Tấn giờ là thương binh 2/4.

Mẹ nói: “Thằng Tư bị thương ở đầu, không nhớ nặng thế nào nhưng tới giờ chỗ bị thương vẫn không mọc tóc”.

Chiến tranh ác liệt “đạn bắn như mưa, trực thăng đảo liên hồi trên đầu, đến nỗi mẹ có duy nhất 1 tấm hình chồng chụp chung đồng đội cũng hổng dám để trong nhà, sợ bị ảnh hưởng, rồi hình bị thất lạc luôn. Giờ chồng con hy sinh không có hình để thờ. Thương hai đứa út, hổng biết mặt cha”.

Chồng hy sinh, bà một mình gánh gồng nuôi 7 người con trong lúc địch đánh phá ác liệt, dồn dân vào ấp chiến lược, vùng địch kiểm soát. “Mỗi lần nghe có đạn, có lính là tui lùa, ẵm con xuống trảng xê trốn”- mẹ Bảy nhìn mông lung.

Chiến tranh đã qua, vùng đất Phú Long ngày nào đã thay da, đổi thịt. Những con đường đầy lau sậy, bùn lầy nay đã thông xe 2 mùa mưa nắng.

Căn nhà lá xác xơ đã thành ngôi nhà tường mới sáng trưng. Mẹ Bảy vui vì những người con còn lại đều có cuộc sống ấm êm, no đủ. Mẹ yêu hòa bình vì hòa bình có sự góp phần máu xương của chồng, của các con mẹ đã ra đi mãi mãi
không về.

Thưa mẹ Bảy ra về, chúng tôi thấy mẹ cười móm mém rưng rưng: “Ngày đưa ông táo về trời, sắp xếp về giỗ ông nha mấy cháu”.

Mẹ Việt Nam ơi, chúng con xin chia sớt nỗi buồn, xin được lắng nghe để sớt chia những nỗi niềm của mẹ. Đáng quý và tự hào biết bao những tấm lòng Mẹ Việt Nam.

Không chỉ một mình nuôi con, mẹ còn nuôi chứa cán bộ cách mạng. Mẹ chồng của mẹ Bảy là bà Đặng Thị Lá và em gái mẹ là bà Nguyễn Thị Chính cũng được trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Kỳ 3: Theo chồng làm cách mạng

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN