Rủ nhau thuê đất trồng dưa

Cập nhật, 06:48, Chủ Nhật, 16/04/2017 (GMT+7)

Cứ sau vụ lúa ở quê, những người chuyên trồng dưa hấu lại tiếp tục cuộc hành trình “du canh” trên những vùng đất khác. Cuộc sống tha hương có phần cơ cực, nhưng đối với những người nông dân “du mục” này thì chuyện đi xa thuê đất để trồng dưa đã được xem như một cái nghề nuôi sống cả gia đình.

Thành quả sau mấy tháng ăn, ngủ ngoài đồng là những quả dưa chín mọng, bóng bẩy kịp thu hoạch giao cho lái.

Giữa trưa nắng gay gắt, chú Quơn vẫn ra ruộng dưa nhổ cỏ, lặt chèo, cắt bỏ trái hư và thụ phấn cho dưa.

Cuộc sống ở đồng dưa

Đúc kết từ kinh nghiệm của người xưa “dưa ruộng lạ, mạ ruộng quen”, nên khi thu hoạch xong vụ lúa, chú Trần Văn Quơn (ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công- Tiền Giang) cùng nhiều “anh em” trong xóm dắt díu nhau sang các tỉnh lân cận để thuê đất trồng dưa. “Đi nhiều tỉnh lắm! Khi thì Tiền Giang, khi Vĩnh Long, khi Long An,…

Mình đi dài dài hỏi thăm, ai cho thuê đất thì mình tìm đến thôi. Vụ này tui thuê 12 công đất ở xã Tân Hạnh (Long Hồ- Vĩnh Long) với giá hơn 20 triệu đồng”- chú Quơn bộc bạch.

Tiếp chúng tôi trong “túp lều di động”, chú Quơn từ tốn mời khách ly nước mát. Túp lều lợp bằng tấm tôn đã loang lổ màu thời gian, hai vách được che bằng tấm bạt, hai vách còn lại để trống “vậy cho dễ canh dưa”.

Trong lều chỉ để vỏn vẹn chiếc chiếu đôi trải trên tấm sạp để ngủ. Chiếc võng mắc ngang cây trụ nhỏ, vài bộ đồ, bếp núc cùng chiếc xe gắn máy làm phương tiện di chuyển được xếp ở một lều nhỏ khác cạnh đó là tất cả tài sản của vợ chồng chú Quơn.

Rít điếu thuốc, chú bảo: “Sống vậy riết cũng quen, tui sống bằng cái nghề này cũng gần 20 năm chứ ít ỏi gì. Vô vụ dưa là bận tối tăm mặt mũi, ở ngoài ruộng suốt, bất kể nắng nóng hay mưa dầm, có khi tối hù mới vô lều nghỉ. Nhà ở quê cứ đóng cửa, con cái khi còn nhỏ ông bà coi dùm. Giờ tụi nó lớn có gia đình hết rồi nên cũng đỡ lo”.

Để không lãng phí thời gian, khi ruộng dưa ở nơi này đang chuẩn bị thu hoạch thì người trồng dưa đã “tranh thủ” tìm thuê đất nơi khác cho vụ sau.

Như vậy, trong một năm, họ di chuyển từ 2- 3 lần đến các địa phương khác để mướn đất trồng dưa. “Tính ra một năm tụi tui ăn, ngủ ngoài đồng còn nhiều hơn ở nhà mình”- một anh nông dân nói vui.

Cái nắng ban trưa của những ngày tháng 3 rát rạt, mồ hôi tuôn ra, cảm giác nóng bức khiến ai cũng thấy mệt mỏi, khó chịu. Tôi bất giác bảo: “Ở đây nóng quá!”

Cô Sử Thị Bé Hai- vợ chú Quơn- vừa loay hoay lặt rau chuẩn bị bữa cơm trưa, vừa nở nụ cười đôn hậu, tiếp lời: “Mình đi mần phải chịu thôi. Nghề trồng dưa rày đây mai đó, phải ở lều, đêm thì lạnh, ngày thì nắng nóng, cực khổ dữ lắm. Nhưng bù lại trúng mùa, được giá trừ chi phí, thu nhập cũng được vài chục triệu đồng, hơn hẳn mần lúa”.

Không có tivi, không radio nên khi đêm xuống có lẽ là khoảng thời gian thong dong nhất. Mấy anh em đồng hương ở các lều gần nhau lai rai vài ly rượu, râm ran đôi ba câu chuyện vui sau một ngày lao động miệt mài.

“Ai có gì thì mang theo cái ấy, mớ rau luộc, ít khoai, mấy con khô làm vài ly cho nó vui vậy mà”- anh Nguyễn Thành Minh (ngụ ấp Bình Đông Trung, xã Bình Nhì, huyện Gò Công- Tiền Giang) thỏ thẻ.

Trắng đêm vì.. dưa

Chú Quơn bảo trước khi đến với nghiệp trồng dưa “du canh” chú cũng đã trải qua khóa chuyển giao kỹ thuật canh tác dưa do xã tổ chức, cộng thêm kinh nghiệm canh tác gần 20 năm, như vậy mà vẫn có những vụ “trắng tay”.

Bởi, theo chú Quơn, dưa trồng ngắn ngày, nên chỉ tính sai một chút về thời gian hay gặp thời tiết không thuận lợi là “dễ thất bại dữ lắm, nắng tốt dưa, mưa tốt lúa mà”.

Chú Quơn dẫn chúng tôi ra thăm ruộng dưa không hạt trồng được 2 tháng. Vạch tay chỉ từng trái dưa cỡ “bắp chân” nằm lăn lóc xen lẫn trong những dây dưa xanh mướt, chú Quơn nói về hậu quả của trận mưa mấy hôm trước: “Gặp mưa là úng hư hết như vầy đây. Một dây chỉ để một trái mà hư thì phải bỏ ngay, rồi phải cho thụ phấn lại liền. Đối với những dây không cho trái mình cũng làm y như vậy”.

Miệng nói là tay làm, chú Quơn ngắt một hoa ở dây kế bên, rồi chụm vào hoa của dây dưa có trái hư để thụ phấn.

“Đêm nào trời mưa là đêm đó tụi tui thức trắng đêm để canh mực nước trong các mương. Nếu không bơm nước ra kịp thời, ruộng dưa bị ngập, dây dưa héo thì xem như hết cứu chữa”- anh Tư Lân (ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây) tiếp lời.

Khi thời tiết diễn biến thất thường thì cuộc mưu sinh trên những cánh đồng dưa lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Cách đây 2 năm, chú Quơn cùng nhiều nông dân khác cũng đi thuê đất, xuống giống dưa được 1 tháng thì gặp phải cơn mưa lớn, nước ngập ruộng. “4 cái máy mà bơm nước không xuể luôn, đành ngậm ngùi bỏ ruộng”- chú Quơn nhớ lại.

Giữa trưa nắng gay gắt, chú Quơn vẫn ra ruộng dưa nhổ cỏ, lặt chèo, cắt bỏ trái hư và thụ phấn cho dưa.
Thành quả sau mấy tháng ăn, ngủ ngoài đồng là những quả dưa chín mọng, bóng bẩy kịp thu hoạch giao cho lái.

Song, với lão nông có nước da ngăm đen, đôi tay chai sạn và hốc mắt sâu hoắm bởi những đêm trằn trọc mất ngủ vì dưa như chú Quơn, thì “khổ cực vậy chứ lỡ vấn thân vô nghiệp này thì khó ai mà bỏ được, nhìn dưa hấu cho trái lớn nhanh là tụi tui mừng lắm, ham lắm”.

Cuộc sống vất vả đi kèm những mối lo về thời tiết, mất mùa, rớt giá,… như được vơi đi phần nào khi mấy năm trở lại đây, thương lái chủ động tìm đến các chủ ruộng dưa để đặt cọc bao tiêu đầu ra.

“Lái đến đặt cọc làm hợp đồng hẳn hoi. Giá cả thì tùy vào thị trường tại thời điểm thu hoạch dưa hoặc cắt giá trước, do mình thương lượng thôi”- anh Tư Lân cho biết thêm.

Công việc trồng dưa tốn rất nhiều công chăm sóc, đặc biệt là khâu lên liếp, phủ bạt,... cho đến hái trái, vận chuyển, “bởi vậy phải thuê thêm người làm phụ”. Nhờ đó, đã góp phần giải quyết được đáng kể nhu cầu việc làm theo thời vụ cho người dân ở địa phương.

Trung bình một người phụ chăm sóc ruộng dưa cũng kiếm được từ 50.000- 60.000 đ/ngày. Nhờ mối quan hệ “có qua có lại” nên giữa người đến mướn đất trồng dưa và người địa phương cũng gắn kết tình cảm với nhau sau mỗi vụ dưa dù chỉ tròm trèm gần 3 tháng.

  • ™Bài, ảnh: NGỌC LIỄU