"Hạt ngọc Ban Mê"

Cập nhật, 06:49, Chủ Nhật, 16/04/2017 (GMT+7)

Cách đây 10 năm, cây cà phê đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu nông dân Buôn Ma Thuột, nhưng những năm gần đây cà phê cũng mang lại không ít những nỗi niềm, năng suất và chất lượng hạt cà phê đều suy giảm dẫn đến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức nông dân bỏ ra.

Lang thang cùng “Ly cà phê Ban Mê”, từ giá 8.000 đ/ly cà phê vỉa hè, cho đến 72.000 đ/ly ở Làng cà phê Trung Nguyên, chúng tôi có nhiều cảm xúc, trăn trở về “hạt ngọc Ban Mê” này.

Bảo tàng cà phê của Làng cà phê Trung Nguyên ở TP Buôn Ma Thuột.
Bảo tàng cà phê của Làng cà phê Trung Nguyên ở TP Buôn Ma Thuột.

“Văn hóa cà phê”

Khi ly cà phê hiện diện ở nước ta, đồng thời hình thành nên một nét riêng trong thưởng thức với 2 hình thức là “cà phê kho” và cà phê phin “rất Việt Nam”; đặc biệt, cái thú thưởng thức cà phê vỉa hè một thời lên ngôi, đã hình thành nên một “văn hóa cà phê” rất độc đáo của người Việt Nam.

Nhưng rồi, có một thứ cà phê “không làm từ hạt cà phê”, cùng với “công nghệ” tẩm ướp hương liệu vô tội vạ, đã thật sự là một “cú đấm KO” đối với cây cà phê Việt Nam.

Không riêng gì với cà phê vỉa hè, mà cách đây khoảng 5 năm, có lần ông chủ của hệ thống cà phê “Tùng JAZZ” rất nổi tiếng ở TP Mỹ Tho (Tiền Giang), tâm sự rằng: “Tôi là một “tín đồ” của cà phê, mỗi ngày ít nhất cũng phải làm 4 ly.

Nhưng từ khi thâm nhập vào thế giới học pha chế cà phê... kiểu mới, thiệt tình là không còn dám uống cà phê nữa. Bởi đa phần là tẩm ướp có thể gây hại cho sức khỏe
người dùng”.

Giữa “ma trận” đó, dân ghiền cà phê có 2 cách lựa chọn: một là từ bỏ không uống nữa, hai là “kệ nó, tới đâu hay tới đó”. Thiệt tình là oan uổng cho hạt cà phê Việt Nam, bởi “cà phê bẩn” đã đánh vào cả người tiêu dùng và người sản xuất cà phê.

Đó cũng là lý do mà gần đây có cuộc “trỗi dậy” của phong trào “cà phê sạch”; đồng thời có sự tham gia quyết liệt của một số ông chủ tập đoàn, doanh nghiệp tâm huyết với văn hóa cà phê Việt Nam.

Những buổi sáng sớm trong tiết trời heo lạnh của TP Buôn Ma Thuột, chỉ cần ngồi vỉa hè một mình lặng lẽ nhâm nhi ly cà phê, tôi thấy thật là thú vị sau nhiều năm không còn “thèm” cà phê nữa.

Cho nên, giữa thủ phủ cà phê, cũng muốn thử lại cảm giác lang thang khắp các quán xá từ bình dân cho đến cao cấp, chợt có cảm giác gì đó nao nao như bất chợt hội ngộ lại... người xưa, khi nhìn từng giọt cà phê nhỏ trong đáy cốc.

Trước hết, cà phê ở thành phố này ngon thiệt, không thuần khiết vị đắng chát của hạt cà phê robusta, mà bao giờ cũng có đọng lại hậu vị chua thanh thật nhẹ nhàng của arabica. Cái vị nhẹ thanh khiết của loại cà phê sạch bao giờ cũng khó nắm bắt trong những lần đầu tiên, nhưng cứ thử uống vài lần sẽ thấy “nhớ” nó vô cùng.

Giữa hàng trăm thương hiệu cà phê hiện nay, tôi vẫn luôn dành một sự trân trọng đối với riêng ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, một con người kinh doanh luôn đưa lên hàng đầu cái chất văn hóa, cái vẻ đẹp quyến rũ, thanh lịch của văn hóa ẩm thực và cả văn hóa kinh doanh.

Có lẽ ông đang cố gắng hình thành nên một triết lý riêng cho “văn hóa cà phê Việt”. Cho nên ít nhất một lần tôi cũng muốn thưởng thức tại Làng cà phê Trung Nguyên.

Với tiền taxi đi về hơn 100.000đ, còn ly cà phê có giá 72.000đ, riêng tôi vẫn cảm nhận nó vô cùng xứng đáng. Ở đây, còn có cả một “Bảo tàng cà phê” đem lại cho khách tham quan một số kiến thức về lịch sử cà phê Việt Nam và thế giới.

Trong không gian sang trọng chuẩn 3 sao, những căn nhà xưa tinh xảo nhưng được đưa vào một không gian mở khoáng đãng, gần gũi với núi rừng thiên nhiên, khách đông nhưng không ồn ào, họ lặng lẽ một mình hoặc trò chuyện thật khẽ bên vài người bạn, ly cà phê thật sự “ngấm” đến từng tế bào cảm giác.

Sự trở lại một cách“chính danh”

Cây cà phê được đánh giá là phát triển quá nhanh trong những năm gần đây, nhưng ngược lại thu nhập của nông dân thì trở nên không ổn định.

Trong khi cái thức nước uống quyến rũ này đã được người dân gọi bằng cái tên khá mỹ miều “Hạt ngọc Ban Mê”, thì ngay trên chính cái nơi sản sinh ra nó cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức của sản xuất, thương hiệu và tính bền vững của một loại cây đã từng đem lại sự giàu có cho hàng triệu người dân.

Những khởi động gần đây, đang cho thấy có sự liên kết với quyết tâm mạnh mẽ đưa hạt cà phê “trở lại một cách chính danh”, về đúng với bản chất của nó về cả mặt vật chất lẫn tinh thần.

Việc ký kết giữa Công ty CP MTV Vinacafé Biên Hòa (Vinacafé BH) thuộc Tập đoàn Masan (MSN) và Công ty CP Phân bón Bình Điền (BFC) đã thực hiện thỏa thuận hợp tác chiến lược trong Chương trình Hỗ trợ phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột.

Sự hợp tác toàn diện của 2 công ty hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm liên quan đến ngành cà phê Việt Nam, cùng với Sở Nông nghiệp- PTNT thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Lăk và Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, thể hiện sự chung tay của “4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) cùng nhau thiết lập một nền tảng chung cho mục tiêu nâng tầm cà phê Buôn Ma Thuột.

Theo đó, thông qua chương trình sẽ đưa khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất cà phê chất lượng, gom các hộ đang canh tác nhỏ lẻ thành một vùng canh tác tập trung, để nâng cao năng suất cho 6 thôn và 6 buôn tại Êa Tu, Buôn
Ma Thuột.

Một góc thiên nhiên trong Làng cà phê Trung Nguyên.
Một góc thiên nhiên trong Làng cà phê Trung Nguyên.

“Việc công bố chương trình này là một cột mốc quan trọng của Vinacafé và Bình Điền cùng với tỉnh Đăk Lăk trong hành trình hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị hạt cà phê Buôn Ma Thuột, vốn được ví như “hạt ngọc Ban Mê”, đồng thời cũng là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng một chương trình hợp tác chiến lược toàn diện đồng bộ và dài hạn nhằm phát triển cà phê Việt Nam trong tương lai không xa”- ông Phạm Quang Vũ- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinacafé BH cho biết.

Các hoạt động chính của chương trình được xây dựng trên cơ sở bám sát nhu cầu cấp thiết và những thách thức ngày càng gia tăng của ngành sản xuất và canh tác cà phê tại tỉnh Đăk Lăk, đó là các vấn đề cấp thiết, liên quan đến chất lượng hạt cà phê và làm sao gom các hộ nông đang canh tác nhỏ lẻ trở thành một vùng canh tác tập trung theo chuẩn để ổn định năng suất chất lượng.

Những động thái ban đầu này nhằm đưa đời sống nông dân trồng cà phê ổn định hơn, đồng thời khẳng định thương hiệu cà phê Việt Nam trong những năm sắp tới.

 

Theo cam kết này, Vinacafé BH và Phân bón Bình Điền sẽ cùng đơn vị quản lý là Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Đăk Lăk và Trung tâm Khuyến nông sẽ tiến hành các bước khảo sát, đánh giá và xây dựng vùng sản xuất cà phê chất lượng theo chuỗi và năng suất cao tại xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột).

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG